Thiền là bộ môn ngày càng quen thuộc trong cuộc sống, giúp rèn luyện cả tinh thần và thể chất, thư giãn tâm trí, cải thiện sức khỏe, hướng con người đến cuộc sống thư thái và hạnh phúc. Có rất nhiều loại thiền với mục đích và cách thiền khác nhau. Cùng tìm hiểu về các loại thiền trong bài viết sau đây nhé.
Menu xem nhanh:
1. Đặc điểm chung của các loại thiền
Thiền là một phương pháp thực hành thường có mối liên hệ với các tôn giáo để tạo ra cảm giác bình tĩnh và hài hòa về mặt nội tâm, giúp thay đổi ý thức, tìm lại nhận thức và giúp con người đạt được trạng thái bình an.
Thiền ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại bận rộn với nhiều lợi ích như:
– Giảm căng thẳng
– Điều hòa huyết áp
– Cải thiện giấc ngủ
– Kiểm soát các cơn đau
…
Các yếu tố cơ bản của thiền gồm:
– Một vị trí càng yên tĩnh càng càng tốt
– Một tư thế cụ thể, thoải mái (có thể là ngồi, nằm, đi bộ…)
– Sự tập trung cao độ (một đối tượng, cảm giác, hơi thở, một từ hoặc tập hợp từ được chọn…)
– Một thái độ cởi mở (không bình phẩm, không phán xét)
Tuy có những điểm chung nhưng thiền được phân chia thành nhiều loại với đặc điểm và mục tiêu tập luyện khác nhau.
2. Các loại thiền phổ biến nhất hiện nay
2.1 Thiền chánh niệm – Một trong các loại thiền phổ biến nhất
Thiền chánh niệm (Mindfulness Meditation) là loại thiền có nguồn gốc từ giáo lý Phật giáo nhưng lại phổ biến nhất ở phương Tây.
Đặc điểm của thiền chánh niệm là người thiền sẽ sử dụng cả 5 giác quan để cảm nhận không gian xung quanh, chú ý đến những suy nghĩ của mình khi chúng lướt qua tâm trí ở hiện tại nhưng không được đánh giá hoặc tham gia vào chúng. Thay vào đó chỉ cần quan sát và lưu lại những cảm nhận của mình về những luồng suy nghĩ đó.
Loại thiền này có thể dễ dàng thực hiện một mình mà không cần người hướng dẫn. Bởi cốt lõi của thiền chánh niệm chính là sự kết hợp giữa sự tập trung và nhận thức. Khi tập trung vào một đối tượng cụ thể hoặc hơi thở của mình trong khi quan sát cảm giác, suy nghĩ của cơ thể sẽ giúp người thiền cảm nhận được hiệu quả. Thiền chánh niệm có thể được thực hành ở mọi lúc mọi nơi (khi làm, khi nằm ngồi, nấu ăn, quét nhà…) mà không cần chuẩn bị trước.
2.2 Thiền định tâm linh
Thiền định tâm linh (Spiritual Meditation) được sử dụng nhiều trong tôn giáo của các nước phương Đông như Ấn Độ giáo, Đạo giáo và Cơ đốc giáo.
Trong thiền tâm linh, người thiền cần suy ngẫm về sự im lặng xung quanh và tìm kiếm mối liên hệ sâu sắc hơn với Chúa hay vũ trụ. Do vậy, loại thiền này tương tự như cầu nguyện.
Các loại tinh dầu thơm như trầm hương, hiền nhân, gỗ đàn hương, tuyết tùng, palo santo… thường được sử dụng trong quá trình thiền để nâng cao trải nghiệm tâm linh.
Thiền tâm linh có thể được thực hành tại nhà hoặc nhà thờ. Trong các loại thiền, thực hành tâm linh thiền định có lợi cho những người yêu thích sự yên tĩnh và tìm kiếm sự phát triển tâm linh.
2.3 Thiền tập trung
Như tên gọi, thiền tập trung (Focused Meditation) là phương pháp thiền tập trung vào một giác quan cụ thể, ví dụ như đếm các hạt trong chuỗi tràng hạt, nghe tiếng chuông hoặc nhìn vào ngọn nến. Phương pháp này giúp đưa tâm trí vào trạng thái tập trung cao độ, loại bỏ những suy nghĩ phiền muộn.
Người thiền cần ngồi thẳng lưng, thả lỏng cơ thể, duy trì hơi thở tự nhiên và tập trung cao độ. Phương pháp thiền này khá khó khăn với người mới bắt đầu.
2.4 Thiền thần chú
Thiền thần chú (Mantra Meditation) hay thiền Mantra, là một trong các loại thiền phổ biến của Ấn Độ giáo và Phật giáo. Phương pháp thiền này đòi hỏi người thiền tập trung vào việc lặp lại một từ, cụm từ, âm thanh đơn giản hoặc câu thần chú đặc trưng với một tần suất nhất định.
Câu thần chú có thể được chọn lựa phù hợp với niềm tin, giáo phái hoặc mang ý nghĩa cá nhân của người thiền. Việc kiên nhẫn tập trung lặp đi lặp lại thần chú một cách nhịp nhàng giúp đưa tâm trí vào trạng thái tĩnh lặng, tạo ra trạng thái tương tác tâm linh sâu sắc, kết nối giữa nội tâm và những điều tối thượng.
2.5 Thiền chuyển động
Thiền chuyển động (Movement Meditation) ngày càng phổ biến. Thay vì ngồi yên với tư thế thiền truyền thống, ở phương pháp này, người thiền sẽ kết hợp tập trung tâm trí với các hoạt động vận động nhẹ nhàng, như yoga, đi bộ, làm vườn, tập khí công,… Mục tiêu của phương pháp Thiền chuyển động chính là đạt tới sự kết hợp hoàn hảo giữa cơ thể và tâm trí, từ đó tạo ra một trạng thái tâm linh sâu sắc thông qua chuyển động tự nhiên và cảm nhận của chúng ta. Trong quá trình thiền chuyển động, người thiền sẽ tập trung lắng nghe hơi thở và cảm nhận các cử động của cơ bắp.
Thiền chuyển động mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần, giúp người tập khám phá sự thăng hoa tâm linh thông qua sự chuyển động tự do và sảng khoái của cơ thể.
2.6 Thiền siêu việt
Trong các loại thiền, thiền siêu việt (Transcendental Meditation) là phương pháp sử dụng một từ hoặc âm thanh đặc biệt để đưa tâm trí trở về trạng thái yên tĩnh và sâu lắng.
Việc lặp lại từ và âm thanh nhẹ nhàng sẽ khiến ý thức chúng ta dần dần rơi vào trạng thái tự nhiên nhất, vượt qua những tác động bên ngoài để đạt đến trạng thái siêu việt. So với Thiền thần chú, Thiền siêu việt linh hoạt và dễ điều chỉnh hơn.
2.7 Thiên thư giãn cấp tiến
Thư giãn cấp tiến (Progressive Relaxation) còn có tên gọi khác là Thiền quét toàn thân. Phương pháp này giúp thư giãn và giảm căng thẳng dựa trên quá trình giải phóng căng thẳng từ các nhóm cơ trong cơ thể như chân, tay, vai, cơ ngón tay, cổ tay và cơ mặt.
Quá trình này được thực hiện dựa trên hai giai đoạn: siết chặt và thả lỏng. Cụ thể, người thiền căng cơ trong một thời gian ngắn và sau đó chuyển sang giai đoạn thả lỏng, cho phép các cơ trở về trạng thái tự nhiên, thư giãn.
Thư giãn cấp tiến giúp cải thiện giấc ngủ, tăng cường sự tập trung và tạo ra một trạng thái tĩnh lặng trong tâm trí.
2.8 Thiền tâm từ
Thiền tâm từ (Loving-Kindness Meditation) là phương pháp thiền xuất phát từ các giáo phái phương Đông, nhằm mục đích khơi dậy lòng nhân ái, sự đồng cảm và lòng vị tha trong tâm trí.
Trong Thiền tâm từ, người thiền thực hiện các câu thần chú hoặc lời khẳng định tích cực như “Tôi hy vọng bạn luôn được bình an”, “Tôi chúc bạn hạnh phúc”, “Tôi yêu quý bạn”, “Tôi tha thứ cho bạn”,…
Loại thiền này có thể được thực hiện bất kỳ lúc nào trong ngày.
2.9 Thiền hình dung – Một trong các loại thiền giúp kích thích sự sáng tạo
Thiền hình dung (Visualization Meditation) còn gọi làThiền quán tưởng sử dụng khả năng tưởng tượng để tạo ra các hình ảnh tích cực, tươi sáng như một bãi biển xanh hoặc một cánh đồng hoa thơm ngát. Từ đó tạo ra một trạng thái tâm trí yên bình và tiếp nhận nguồn năng lượng tích cực.
Loại thiền này có tác dụng cải thiện sự tập trung và khám phá tiềm năng sáng tạo. Để thực hành thiền hình dung, bạn hãy ngồi thoải mái, nhắm mắt và tạo ra trong tâm trí những hình ảnh mà bạn muốn trải nghiệm.
Trên đây là các loại thiền tiêu biểu thường được thực hành trong đời sống, hi vọng có thể giúp bạn có những lựa chọn phù hợp.