Nhiệt miệng có thể tự khỏi sau 7 – 10 ngày ngay cả khi chúng ta không tác động tới. Tuy nhiên, nếu muốn “chia tay” nhiệt miệng sớm, bạn có thể sử dụng thuốc bôi lở miệng để giúp tổn thương nhanh lành.
Menu xem nhanh:
1. Cơ chế lành thương khi bị nhiệt miệng
Nhiệt miệng là một triệu chứng phổ biến, gần như ai cũng đã từng gặp phải. Biểu hiện của bệnh là xuất hiện những vết loét nhỏ, nông tại các mô mềm trong khoang miệng như môi, bên trong má, nướu… Các vết loét nhiệt miệng được xem là một tổn thương nhỏ với 2 phần là bờ sưng xung quanh màu đỏ, phần trung tâm vết loét có màu trắng, đôi khi có màu vàng.
Có nhiều nguyên nhân gây ra chứng nhiệt miệng, bao gồm:
– Nhiễm vi khuẩn, virus, nhiễm nấm
– Do bỏng nhiệt vì ăn uống thức ăn quá nóng.
– Căng thẳng quá độ
– Thiếu vitamin B12
– Dị ứng với một số thực phẩm…
Vì bản chất là một dạng tổn thương nhỏ nên vết lở miệng cũng có cơ chế làm lành tự nhiên. Tuy nhiên, quá trình lành thương này sẽ có một số điểm khác biệt so với các vết thương ngoài da. Thứ nhất, loét miệng nằm trong khoang miệng, có môi trường ẩm ướt nên tổn thương sẽ không đóng vảy như thông thường. Thứ hai, quá trình lành vết loét miệng sẽ đi kèm với sự quá trình ức chế hoạt động của các vi khuẩn có hại. Do đó, thời gian khỏi nhiệt miệng sẽ kéo dài khoảng 7-10 ngày dù diện tích tổn thương khá nhỏ.
2. Các dạng thuốc bôi trị nhiệt miệng
Nhiệt miệng khi xuất hiện sẽ gây ra cảm giác đau đớn, có thể khiến bạn khó khăn trong giao tiếp, ăn uống. Chính vì vậy, dù vết lở miệng có thể tự lành nhưng nhiều người thường tìm đến các loại thuốc bôi hoặc uống để làm giảm cảm giác khó chịu.
Hiện nay, chúng ta đã có rất nhiều các dạng thuốc trị nhiệt miệng nhưng thuốc dạng bôi vẫn được sử dụng nhiều nhất. Lý do bởi cách sử dụng thuốc bôi khá đơn giản, đem lại cảm giác dễ chịu gần như ngay lập tức.
2.1. Thuốc bôi lở miệng dạng gel
Nhìn chung, các loại thuốc bôi trị nhiệt miệng đều gồm thành phần chống viêm, kháng khuẩn và phục hồi niêm mạc. Các loại thuốc này có hiệu quả hoạt động trực tiếp trên bề mặt vùng bị viêm, nhiệt. Do đó, thuốc bôi sẽ làm dịu cảm giác đau, rát, sưng do nhiệt miệng gây ra.
Gel cũng là dạng bào chế thuốc bôi nhiệt miệng phổ biến nhất, bởi loại thuốc này mang đến nhiều ưu điểm. Thuốc dạng gel dễ bám thành lớp màng mỏng lên lớp niêm mạc bị tổn thương. Đặc biệt là trong niêm mạc miệng có môi trường rất ẩm ướt nên lớp màng của thuốc dạng gel sẽ bám chặt và có hiệu quả lâu hơn.
2.2. Thuốc trị nhiệt miệng dạng kem
Thuốc bôi dạng kem cũng có dạng mềm mịn. Trong thành phần của thuốc dạng kem có một lượng chất lỏng đáng kể. Do đó, thuốc bôi dễ thấm vào bề mặt niêm mạc bị tổn thương mà không cản trở sự trao đổi chất giữa chỗ bôi thuốc và môi trường bên ngoài.
Cả thuốc dạng kem và gel có cơ chế tác động phù hợp để điều trị các bệnh lý trong môi trường ẩm ướt, da dầu hay bề mặt da có lông. Đặc biệt, cả 2 dạng bào chế này được đựng trong dạng tuýp, rất dễ điều chỉnh lượng thuốc lấy ra và khá vệ sinh.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào độ đậm đặc, khả năng thẩm thấu mà bạn sẽ được khuyến cáo không ăn, uống sau khi bôi thuốc. Điều này giúp đảo bảo thời gian tối thiểu để thuốc phát huy hiệu quả trên bề mặt niêm mạc bị tổn thương.
2.3. Thuốc bôi lở miệng dạng bột
Thuốc dạng bột sử dụng tá dược chủ yếu là bột thảo mộc hoặc bột khoáng chất, có tác dụng làm mát da, giảm viêm, chống xung huyết. Thuốc bột thường dùng cho các tổn thương viêm tấy, cấp tính. Nếu trong trường hợp bạn bị nhiệt miệng do nhiễm khuẩn hay bị kích ứng gây tiết enzyme quá mức thì nên cân nhắc sử dụng thuốc dạng bột.
Dạng bào chế này sẽ giúp hút ẩm, cân bằng độ ẩm trong niêm mạc miệng, giúp thuốc dễ phát huy hiệu quả điều trị hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc dạng bột khá khó, nhiều người sẽ phải sử dụng tay để bôi lên vết thương. Do đó, bạn cần phải đảm bảo vấn đề vệ sinh khi sử dụng thuốc dạng bột.
3. Lưu ý khi dùng thuốc bôi lở miệng
Khi sử dụng thuốc bôi trị nhiệt miệng, người bệnh cần phải thực hiện một số lưu ý khi sử dụng để đạt hiệu quả trị vết loét miệng tốt, vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
– Kiểm tra kỹ nhãn mác trên bao bì, hạn sử dụng thuốc: Tuyệt đối không sử dụng thuốc khi có dấu hiệu hư hỏng, ví dụ như thuốc tràn ra bên ngoài, bao bì sản phẩm bị biến dạng…
– Đọc thành phần của thuốc xem bản thân có bị dị ứng với thành phần nào hay không. Nếu trong quá trình sử dụng, bạn nhận thấy có dấu hiệu bất thường hoặc tình trạng nhiệt kéo dài không khỏi, bạn phải ngừng dùng thuốc và liên hệ với bác sĩ để được thăm khám.
– Bảo quản thuốc điều trị nhiệt miệng ở nơi thoáng mát, khô ráo, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
– Không sử dụng thuốc quá liều so với chỉ dẫn in trên bao bì.
– Không được tùy ý kết hợp nhiều loại thuốc với nhau trong 1 lần sử dụng vì sự kết hợp các thành phần có thể gây phản ứng ngoài mong muốn.
Cũng giống khi điều trị các bệnh lý khác, thuốc trị nhiệt miệng chỉ có hiệu quả khi sử dụng đúng cách, đúng liều lượng. Đa số thuốc trị nhiệt miệng đều có thể sử dụng mà không cần chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, bạn vẫn không nên chủ quan, nếu được thì bạn nên khám và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp vết nhiệt miệng kéo dài, lâu ngày không khỏi (trên 2 tuần) thì bạn nên tới khám chuyên khoa để loại trừ các trường hợp nhiệt miệng do bệnh lý như ung thư lưỡi, ung thư vòm họng…