Bệnh học viêm tụy cấp là một trong những vấn đề sức khỏe đáng lo ngại với hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Nhiều trường hợp viêm tụy cấp tiến triển nặng nhanh chóng gây ra các biến chứng nguy hiểm thậm chí là đe dọa trực tiếp tới tính mạng người bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh học viêm tụy cấp: Cơ chế gây bệnh, nguyên nhân và triệu chứng
1.1. Cơ chế gây viêm tụy cấp
Tuyến tụy là nơi sản xuất ra men tụy để tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn. Các men tụy được tiết ra ban đầu đều ở thể chưa hoạt động, chúng chỉ được kích hoạt khi đi tới tá tràng. Tuy nhiên, có thể đến từ nhiều nguyên nhân làm cho men tụy bị kích hoạt ngay tại tuyến tụy. Tại đây diễn ra quá trình tự hủy mô tụy và gây ra viêm tụy cấp.
Trên lâm sàng, bệnh viêm tụy cấp sẽ biểu hiện ở 3 thể chính:
– Viêm tụy cấp phù nề;
– Viêm tụy cấp xuất huyết;
– Viêm tụy cấp hoại tử.
Trong đó, viêm tụy cấp thể hoại tử đặc biệt nguy hiểm, có tỷ lệ gây tử vong lên tới 80-90%. Người bệnh viêm tụy cấp nói chung cần được nhanh chóng cấp cứu kịp thời để tránh những rủi ro biến chứng khó lường.
1.2. Nguyên nhân bệnh học viêm tụy cấp
Bệnh viêm tụy cấp thường gặp phải do 3 nguyên chính bao gồm:
– Bệnh sỏi mật gây tắc nghẽn;
– Lạm dụng rượu bia;
– Mỡ máu cao (nồng độ triglycerid máu cao);
Ngoài ra, viêm tụy cấp còn đến từ những nguyên nhân khác là:
– Chấn thương vùng bụng hoặc biến chứng sau phẫu thuật ổ bụng;
– Hàm lượng canxi máu rất cao;
– Tác dụng không mong muốn khi sử dụng liên tục một số loại thuốc như estrogen, steroid, thuốc lợi tiểu thiazid;
– Mắc các bệnh về nhiễm trùng chẳng hạn như quai bị, viêm gan A hoặc viêm gan B, mắc vi khuẩn salmonella;
– Đến từ một số khiếm khuyết di truyền hoặc bất thường bẩm sinh ở tuyến tụy.
1.3. Triệu chứng bệnh học viêm tụy cấp
Các triệu chứng trên lâm sàng của bệnh viêm tụy cấp sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, mức độ viêm, mức độ tổn thương ở tụy và mức độ hoạt hoá của các men tụy. Các triệu chứng
– Đau bụng vùng thượng vị (dễ nhầm với đau dạ dày). Cơn đau dữ dội, đau làn tỏa ra sau lưng. Người bệnh sẽ đau trầm trọng hơn sau khi ăn nhiều các thực phẩm giàu chất béo hoặc uống rượu bia.
– Buồn nôn và ói mửa theo kèm với đau bụng. Khác với đau dạ dày thì ở người bệnh viêm tụy cấp kể cả khi đã nôn hết thức ăn thì cơn đau bụng cũng không có dấu hiệu giảm bớt.
– Chướng bụng và đau
– Sốt
– Tăng nhịp tim.
.Khi nghi ngờ dấu hiệu của viêm tụy cấp, người bệnh cần nhanh chóng được đưa đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán bệnh cũng như tiến hành điều trị xử lý đúng cách.
2. Tuyệt đối không chủ quan với viêm tụy cấp
Bệnh viêm tụy cấp có diễn biến trở nặng nhanh chóng, biến chứng nguy hiểm nên tuyệt đối không được chủ quan. Những biến chứng nguy hiểm của viêm tụy cấp có thể gặp phải gồm có:
– Sốc: Sốc là biểu hiện nhiễm khuẩn nặng ở nhu mô tụy. Đây là một trong những biến chứng sớm có thể xảy ra ở ngay những ngày đầu phát của bệnh;
– Xuất huyết: Biến chứng xuất huyết đa phần xuất hiện ở những ca viêm tụy tiên lượng nặng. Người bệnh có thể gặp xuất huyết ở ngay tuyến tụy hoặc xuất huyết ở những vùng lân cận như xoang bụng, trong ống tiêu hóa,..;
– Nhiễm trùng (nhiễm trùng tại tuyến tụy, nhiễm trùng huyết): Biến chứng này là nguyên nhân chính gây ra sự hình thành các ổ áp xe ở tuyến tụy và gây viêm phúc mạc toàn thể. Kết quả là hoại tử mô;
– Suy đa tạng gồm có suy hô hấp, suy tim, suy thận,.. Đây là biến chứng đặc biệt nguy hiểm với các biểu hiện toàn thân như người bệnh lừ đừ, khó thở, phản ứng chậm chạp, hôn mê,…
– Nang giả tụy: Trong các nang giả tụy có chứa enzym của tuyến tụy, các chất dịch cùng các mảnh vỡ của nhu mô tụy. Một nang giả tụy lớn nếu bị vỡ có thể dẫn tới tình trạng nhiễm trùng nặng, đặc biệt nguy hiểm.
3. Thực hiện chẩn đoán và điều trị viêm tụy cấp
3.1. Phương pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán chính xác về viêm tụy cấp, người bệnh cần tiến hành thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa, thực hiện theo các chỉ định từ khám lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng, làm các chẩn đoán hình ảnh cần thiết. Cụ thể:
– Khám lâm sàng để đánh giá đặc điểm cơn đau bụng, khai thác triệu chứng và bệnh sử người bệnh gặp phải.
– Làm các xét nghiệm cận lâm sàng đánh giá định lượng men tụy.
– Chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, siêu âm vùng bụng, chụp CT scan, chụp cộng hưởng từ MRI,… Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh này nhằm đánh giá về tình trạng phù nề của tụy, mức độ tăng kích thước, phát hiện vùng mô tụy hoại tử, áp xe tuyến tụy, nang giả tụy hoặc có hay không hiện tượng tụ dịch quanh tuỵ,…
Người bệnh sau khi đã thực hiện đầy đủ các chẩn đoán cần thiết, bác sĩ sẽ kết luận bệnh và lên phương án điều trị phù hợp.
3.2. Phương pháp điều trị
Việc điều trị viêm tụy cấp sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể và theo chỉ định của bác sĩ. Quy trình điều trị thường khá phức tạp và đòi hỏi cần kết hợp song song nhiều yêu cầu cùng lúc để kiểm soát tốt tình trạng bệnh gồm có:
– Bù dịch, bù điện giải;
– Kiểm soát cơn đau;
– Giảm bài tiết tuyến tụy;
– Nâng đỡ dinh dưỡng;
– Sử dụng đúng loại thuốc kháng sinh theo chỉ định đơn kê của bác sĩ;
– Theo dõi sát sao diễn tiến bệnh để kịp thời phát hiện – xử lý nhanh khi có dấu hiệu xuất hiện biến chứng;
– Lọc máu;
– Can thiệp ngoại khoa.
Bạn lưu ý, việc điều trị viêm tụy cấp nên được thực hiện càng sớm càng tốt. Người bệnh tuân thủ đúng theo các chỉ định của bác sĩ để kiểm soát nhanh chóng tình trạng viêm, không để bệnh học viêm tụy cấp phát triển xấu đi đồng thời xử lý biến chứng kịp thời và đảm bảo an toàn cho người bệnh.