Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao. Trong đó, trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh nhất, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Hiện nay, cách phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là tiêm vắc xin lao càng sớm càng tốt.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh lao – Căn bệnh truyền nhiễm dễ mắc ở trẻ
1.1. Con đường lây nhiễm bệnh
Theo số liệu báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2022, có khoảng 9 triệu ca lao mới mỗi năm trên toàn thế giới. Trong số đó có 10% là trẻ em.
Trẻ em nhiễm bệnh lao thường từ nguồn lây là những người thân, bạn bè,… đang nhiễm vi khuẩn lao và chủ yếu lây qua đường hô hấp. Ở thời kỳ này, hệ miễn dịch của trẻ rất yếu nên khi nhiễm bệnh cần điều trị càng sớm càng tốt. Bởi chủ quan, bỏ qua cơ hội điều trị thì trẻ có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
1.2. Các thể lao và triệu chứng
Các thể lao phổ biến bao gồm:
– Lao sơ nhiễm: Đây là thể lao mà trẻ thường mắc nhất. Thể lao này không có triệu chứng điển hình hoặc nếu có thì giống triệu chứng cảm cúm thoáng qua.
– Lao cấp tính: Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới biến chứng nặng là lao màng não, lao kê cấp tính. Thể lao này gặp nhiều nhất ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi không tiêm vắc xin phòng bệnh.
– Lao kê: Là dạng lao cấp ở phổi, xuất hiện trong những tuần lễ đầu sau sơ nhiễm lao. Với triệu chứng gồm sốt cao, nôn mửa, mạch đập nhanh, tiêu chảy, đau bụng, khó thở, người tím tái. Trẻ nhiễm lao kê thường dẫn tới lao màng não.
– Lao đường hô hấp sau sơ nhiễm: Bao gồm lao màng phổi thường gặp nhất ở trẻ lớn hơn 5 tuổi và lao phổi. Với triệu chứng nhận biết bao gồm sụt cân, ho, đau tức ngực.
– Lao ngoài phổi: Biến chứng chậm hơn sau sơ nhiễm lao. Có nhiều kiểu lao ngoài phổi như: lao xương khớp, lao cột sống, lao hệ niệu,…
2. Tiêm vắc xin lao sớm là cách phòng bệnh hiệu quả
2.1. Thời điểm thích hợp tiêm vắc xin lao
Lao là một loại bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng. Vì đối tượng dễ lây nhiễm nên trẻ em cần được tiêm vắc xin phòng bệnh ngay từ khi chào đời. Vắc xin phòng bệnh lao được khuyến cáo tiêm cho trẻ em càng sớm càng đạt hiệu quả cao, tốt nhất nên tiêm trong vòng 1 tháng đầu sau sinh.
Với trẻ có đủ sức khỏe, phát triển ổn định, không thuộc danh sách chăm sóc đặt biệt thì nên được tiêm trong vòng 24h đầu sau sinh.
Với trẻ sinh non, cần chăm sóc đặc biệt thì phải đợi đến khi trẻ có thể trạng ổn định mới tiến hành tiêm phòng bệnh.
2.2. Một số phản ứng thông thường sau khi tiêm vắc xin lao
Cũng tương tự với các loại vắc xin khác, trẻ sau tiêm sẽ có một số phản ứng nhưng không quá nghiêm trọng. Do đó, cha mẹ đừng lo lắng vì điều này là bình thường, cho thấy trẻ đáp ứng vắc xin lao và tự khỏi sau 1 – 2 ngày.
Một số phản ứng thông thường sau tiêm chủng giúp cha mẹ theo dõi trẻ đó là:
– Sốt nhẹ.
– Sưng hạch ở hõm nách.
– Xuất hiện quầng đỏ ở vị trí tiêm, sưng nhẹ và hơi đau.
– Quấy khóc, chán ăn.
– Nổi ban hoặc nổi nốt sần. Các nốt sần nhỏ như da cam ở chỗ tiêm thường mất đi trong khoảng 30 phút. Sau 2 tuần, xuất hiện vết loét tại chỗ tiêm khoảng 10mm. Một khoảng thời gian sau vết loét này tự khỏi và để lại sẹo – cho thấy việc tiêm vắc xin đã có hiệu quả ở trẻ.
Tuy nhiên, nếu trẻ có những phản ứng nặng sau thì cần đưa tới cơ sở y tế kiểm tra:
– Sốt cao trên 39 độ và không hạ sốt dù đã chườm mát, uống thuốc,…
– Bỏ bú, không ăn.
– Vị trí tiêm sưng to, đau nhức.
– Hạch sưng to và kéo dài nhiều tuần không biến mất.
– Da bắt đầu tím tái.
3. Những đối tượng cần hoãn tiêm vắc xin lao
Nếu trẻ thuộc một trong những đối tượng dưới đây thì cần hoãn tiêm cho đến khi đủ điều kiện:
– Trẻ sinh non, có tuổi thai chưa đủ 34 tuần. Khi trẻ đủ 34 tuần tuổi mới thực hiện tiêm chủng.
– Nghi ngờ mắc/mắc suy giảm miễn dịch bẩm sinh chưa xác định được mức độ hoặc mắc suy giảm miễn dịch thể nặng. Chỉ thực hiện tiêm chủng khi trẻ suy giảm miễn dịch không thuộc thể nặng.
– Khi trẻ đang sốt, đang mắc bệnh nhiễm khuẩn cấp như: viêm phổi, sởi,… hoặc mới khỏi các bệnh nói trên và trong thời kỳ hồi sức.
4. Lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm
Một số lưu ý dành cho cha mẹ khi đưa bé đi tiêm vắc xin lao đó là:
– Trước khi tiêm không nên để trẻ ăn hoặc bú quá no. Tuy nhiên cũng không được để trẻ ở tình trạng đói vì dễ bị hạ đường huyết sau tiêm. Do đó, nên cho trẻ ăn nhẹ, một lượng vừa phải để trẻ tỉnh táo, duy trì đường huyết trước, trong và sau quá trình tiêm.
– Cho trẻ mặc quần áo đơn giản, thoáng mát. Tránh cho trẻ mặc quần áo bò sát hoặc quá chật vì gây ra khó khăn trong quá trình tiêm chủng.
– Sau khi tiêm xong, trẻ cần ở lại cơ sở tiêm chủng để theo dõi ít nhất trong 30 phút. Nếu có bất kỳ biểu hiện bất thường nào, cha mẹ cần báo ngay cho nhân viên y tế để được kiểm tra kịp thời.
– Tiếp tục theo dõi trẻ ít nhất 24h sau khi về nhà. Nên để ý kĩ xem trẻ có những phản ứng bất thường nào không: sốt cao, mệt mỏi, người tím tái,… Nếu có cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay, tránh rủi ro xảy ra.
– Vị trí tiêm cần được giữ gìn sạch sẽ, khô thoáng. Không dùng băng dán vết thương lên vị trí tiêm, không sử dụng thuốc sát trùng, kem bôi,…
Có thể thấy, trẻ cần được tiêm vắc xin lao ngay từ khi sinh ra để đạt được hiệu quả phòng bệnh cao nhất. Cha mẹ cũng cần lựa chọn cơ sở tiêm uy tín để thực hiện, tránh rủi ro không đáng có xảy ra. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, cha mẹ có thể liên hệ ngay đến Hệ thống y tế Thu Cúc TCI để được hỗ trợ sớm nhất nhé!