Hiện nay, để điều trị viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp thì tiêm khớp hay còn có tên gọi khác là tiêm nội khớp là phương pháp điều trị hiệu quả, giúp bảo tồn khớp, giá thành thấp, có tác dụng giảm đau và chống viêm tại chỗ. Tuy nhiên, thủ thuật này tồn tại nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được tiêm đúng cách.
Menu xem nhanh:
1. Tiêm khớp là gì?
Tiêm khớp là một trong các thủ thuật đơn giản, tiết kiệm chi phí và được chứng minh đem lại hiệu quả cao trong việc điều trị các bệnh về khớp. Tiêm nội khớp là liệu pháp dùng kim tiêm nhỏ đưa thuốc trực tiếp vào ổ khớp hoặc phần mềm cạnh khớp để cải thiện và điều trị tại chỗ bệnh lý khớp.
Bác sĩ sẽ sử dụng một kim tiêm nhỏ, tùy từng khớp mà bác sĩ sẽ chỉ định tư thế của bệnh nhân và xác định hướng đi của kim để đưa đầu kim vào trong ổ khớp mà ít gây tổn thương các cấu trúc xung quanh. Bên cạnh đó khi tiêm đúng cũng sẽ ít gây đau cho bệnh nhân nhất có thể. Quy trình đưa kim tiêm vào trong ổ khớp đòi hỏi phải thực hiện bởi bác sĩ có chứng chỉ tiêm khớp do Bộ Y tế cấp. Tiêm nội khớp còn yêu cầu kỹ thuật tuyệt đối vô trùng, tiến hành tại phòng tiểu phẫu với các điều kiện vô trùng.
2. Ưu điểm của tiêm khớp
Thuốc được đưa trực tiếp vào trong khớp theo đường truyền máu nên phát huy tối đa công dụng lên vùng khớp đang cần được điều trị. Tiêm nội khớp có công dụng làm giảm phản ứng viêm, giảm tăng sinh màng hoạt dịch và bổ sung chất nhầy giúp đẩy nhanh việc điều trị.
3. Ứng dụng tiêm khớp điều trị viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp
3.1 Tiêm corticoid điều trị viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp giai đoạn sớm
Hiện nay, các bác sĩ có thể chỉ định tiêm nội khớp bằng thuốc Corticoid trong điều trị viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp ở giai đoạn sớm như thoái hóa khớp gối, thoái hóa khớp vai, thoái hóa khớp khuỷu, thoái hóa cột sống cổ …
Ngoài ra, tiêm nội khớp bằng thuốc Corticoid còn được áp dụng trong điều trị một số bệnh lý tổn thương viêm màng hoạt dịch khớp không do nhiễm khuẩn như viêm khớp mãn tính thiếu niên, viêm khớp phản ứng. Điều trị bệnh viêm bao gân bao gồm viêm gân duỗi hoặc viêm gân cấp, hội chứng ống cổ tay, thoát vị đĩa đệm cột sống.
3.2 Tiêm acid hyaluronic điều trị viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp
Acid hyaluronic là chất tự nhiên, được tìm thấy trong chất lỏng hoạt dịch. Chất này có công dụng bôi trơn, đàn hồi và giảm tình trạng lạo xạo khi khớp hoạt động. Thuốc được tiêm vào khớp để tăng khả năng bôi trơn đồng thời giúp giảm đau và cải thiện phạm vi chuyển động của khớp. Đồng thời khi tiêm thuốc cũng sẽ kích thích màng bao khớp tiết ra chất nhờn tự nhiên giúp giảm viêm và dưỡng sụn.
Tiêm Acid hyaluronic được ứng dụng trong điều trị thoái hóa khớp ở mức trung bình và nặng, hẹp khe khớp và thường tiêm khớp vai, khớp gối.
4. Những trường hợp chống chỉ định và thận trọng khi tiêm khớp
4.1 Trường hợp chống chỉ định khi tiêm khớp
Những người đang gặp các vấn đề sau đây không được tiêm nội khớp
– Các tổn thương khớp xuất phát từ nguyên nhân nhiễm khuẩn, nhiễm nấm hoặc chưa loại trừ được nhiễm khuẩn.
– Tổn thương nhiễm khuẩn ngoài da gần vị trí tiêm nội khớp.
– Bệnh nhân mắc các bệnh lý như đái tháo đường, tăng huyết áp, sốt chưa rõ nguyên nhân, đau dạ dày … Bệnh nhân cần điều trị tích cực các bệnh nền trước khi tiêm và theo dõi sức khỏe chặt chẽ sau tiêm.
– Mắc bệnh lý về rối loạn đông máu ở mức độ nặng.
4.2 Trường hợp cần thận trọng khi tiêm khớp
Bệnh nhân đang mắc các bệnh lý nội khoa sau đây cần hỏi ý kiến bác sĩ và theo dõi sức khỏe sát sao trước khi tiêm.
– Huyết áp tăng, cần kiểm tra huyết áp trước khi tiêm.
– Mắc bệnh suy tim.
– Sử dụng thuốc chống đông, cần kiểm tra INR.
– Mắc bệnh về rối loạn đông máu.
– Mắc bệnh đái tháo đường.
– Mắc bệnh lý suy giảm miễn dịch như HIV …
– Đang trong quá trình sử dụng dạng thuốc ức chế miễn dịch.
5. Quy trình tiêm khớp diễn ra như thế nào?
– Đầu tiên, bác sĩ sẽ giải thích cho bệnh nhân hiểu công dụng, tác dụng phụ của thủ thuật. Hỏi thông tin về tiểu sử bệnh và tiền sử dị ứng thuốc. Trước khi tiêm cần thăm khám bệnh nhân để xác định lại chỉ định và loại bỏ các chống chỉ định.
– Xác định chính xác vị trí tiêm nội khớp.
– Sát trùng sạch vùng tiêm bằng cồn iod.
– Bắt đầu tiêm, đảm bảo đúng vị trí và liều lượng thuốc đã được chỉ định.
– Phát hiện tai biến nếu có khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng choáng, chảy máu …
– Sát trùng lại và băng chỗ tiêm lại bằng băng dính y tế.
– Dặn dò bệnh nhân sau khi tiêm nên tránh nước, tránh nhiễm trùng vị trí tiêm và xoa thuốc vào chỗ tiêm trong 24h.
– Nói với bệnh nhân một số phản ứng thông thường sau khi tiêm. Lưu ý khi các triệu chứng kéo dài hơn 2 ngày thì cần đi khám lại.
– Sau khi tiêm xong, người bệnh cần được theo dõi sát sao. Khi thấy có những phản ứng tại chỗ hay xuất hiện triệu chứng nhiễm trùng, teo cơ, teo da … cần thông báo ngay cho bác sĩ để có phương án xử lý kịp thời.
6. Những điều cần lưu ý khi tiêm nội khớp
Để đạt được hiệu quả và tránh những biến chứng không mong muốn khi tiêm, bệnh nhân cần lưu ý một số điều như sau:
– Chỉ tiêm nội khớp khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp.
– Chỉ tiêm khi phòng được đảm bảo vô trùng, chỉ tiêm bởi các nhân viên y tế và bác sĩ chuyên ngành tại các cơ sở y tế uy tín.
– Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc tiêm nội khớp để tự tiêm vào khớp gối hoặc tiêm tĩnh mạch mà không có ý kiến từ bác sĩ.
– Bệnh nhân mẫn cảm hoặc dị ứng với thành phần của thuốc cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tiến hành tiêm.
– Theo dõi cơ thể sau khi tiêm. Khi có biểu hiện bất thường dù là nhỏ nhất cũng cần để ý và báo ngay cho bác sĩ khi biểu hiện đó kéo dài quá lâu.
Để thực hiện tiêm khớp, bạn nên đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa Cơ xương khớp để được các bác sĩ thăm khám cẩn thận, chẩn đoán đúng và thực hiện tiêm khớp đảm bảo an toàn, hiệu quả. Không nên tự tiêm tại nhà vì có thể gây nhiễm trùng, biến chứng nguy hiểm.