Lấy dị vật ở mũi được tiến hành như thế nào? Thông thường, bạn tự lấy dị vật hay nhờ sự hỗ trợ y tế? Đọc và hiểu về vấn đề điều trị dị vật mũi để nắm rõ quy trình lấy dị vật ở các cơ sở y tế, bệnh viện, phòng khám. Điều này sẽ giúp chúng ta hiểu, tại sao không nên tùy tiện lấy dị vật mũi.
Menu xem nhanh:
1. Đại cương – Các vấn đề chung về dị vật trong mũi
Dị vật mũi được hiểu đơn giản là tình trạng xuất hiện vật lạ trong mũi, có thể từ tai nạn, do vô tình hoặc cố ý từ chủ thể. Dị vật hốc mũi có thể gây tắc nghẽn, tổn thương mũi, nhất là khi dị vật để lâu trong mũi. Do đó, cần chú ý phát hiện sớm và xử lý dị vật theo hình thức phù hợp, an toàn cho người bệnh.
1.1. Nguyên nhân gây tình trạng dị vật trong mũi
Dị vật mũi có thể gặp ở mọi đối tượng, kể cả người lớn hay trẻ em. Nguyên nhân vấn đề dị vật mũi có thể xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan, nhưng thông thường nhất là vấn đề tai nạn khiến dị vật chui vào mũi. Một số tình huống hình thành dị vật mũi có thể đến như:
– Trẻ em chưa có ý thức thường nhét đồ vật lên mũi, miệng của mình và hình thành vấn đề dị vật mũi.
– Trẻ lớn trong độ tuổi hiếu động, tò mò, nghịch ngợm nhét dị vật vào mũi. Sau đó, dị vật không thể ra ngoài hoặc trẻ để quên dị vật trong mũi.
– Dị vật bị sặc nên từ khoang miệng lên mũi
– Đi bơi hoặc tắm, hoặc di chuyển (chạy bộ, chạy xe,..) và bị dị vật chui vào trong mũi, thường là các dị vật sống hoặc một số đá sỏi bay vào mũi.
– Môi trường sống có côn trùng hoặc các vật nhỏ, chui vào mũi khi bệnh nhân ngủ không mắc màn.
1.2. Dị vật mũi có thể từ nhiều chất liệu
Dị vật mũi thường nhỏ và nằm gọn trong cánh mũi hoặc sâu trong hốc mũi của người bệnh. Từ những tình huống xuất hiện dị vật mũi trên đây, có thể thấy, dị vật mũi rất đa dạng:
– Đồ chơi trẻ em: viên bi, gỗ, mảnh nhựa lắp ghép, mẩu phấn, mẩu sáp màu, đất nặn,…
– Vật dụng hằng ngày hoặc các đồ trang trí, trang sức: cúc áo, mảnh nhụy hoa trong hoa trang trí, hạt vòng tay, khuyên tai,…
– Thực phẩm, đồ ăn: thức ăn bị sặc lên mũi, hạt đậu, …
– Đồ dạng sợi: cục chỉ, mảnh giấy, khăn giấy, bông gòn, nilon,…
– Đồ liên quan đến hóa chất: pin cúc, nam châm, hạt nở,…
2. Chẩn đoán
2.1. Hỏi thăm bệnh lý
Bác sĩ sẽ cần hỏi thăm những vấn đề liên quan đến dị vật mũi như: hoàn cảnh, thời điểm dị vật mũi, thời gian những triệu chứng bắt đầu xuất hiện, những hoạt động sơ cứu hoặc đã thử điều trị trước đó,…
2.2. Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ xem những vấn đề triệu chứng liên quan đến bệnh nhân và liên quan đến vấn đề dị vật mũi. Những vấn đề này thường xuất hiện ở 1 bên mũi bị dị vật:
– Tình trạng nghẹt mũi
– Chảy dịch mũi
– Đau mũi
– Mùi hôi
– Chảy máu/mủ
– Khó hít thở
– Ngửi kém
Một số triệu chứng khác cần xem xét như: tình trạng sốt, vấn đề thở bằng miệng, thở rít, … Những điều này sẽ đánh giá sơ bộ được những ảnh hưởng và biến chứng mà dị vật mũi mang lại. Những biến chứng có thể xuất hiện tại chỗ với người bị dị vật mũi như: viêm mũi xoang, viêm tai giữa, đau sưng mặt, viêm mô tế bào quanh hốc mắt, dị vật đường thở,…
Khi khám mũi, bác sĩ sẽ banh mũi và dùng đèn clar hoặc nội soi để thấy dị vật với vị trí tương ứng.
2.3. Cận lâm sàng
Cần tiến hành X-quang mũi nghiêng nếu bác sĩ có nghi ngờ dị vật cản quang trên lâm sàng.
2.4. Xác định
Chẩn đoán dị vật mũi sẽ được bác sĩ căn cứ trên triệu chứng lâm sàng và khám mũi phát hiện dị vật ở trong hốc mũi.
2.5. Phân biệt
Cần phân biệt dị vật mũi với các biến chứng và với các vấn đề mũi xoang, hô hấp như: viêm mũi xoang, viêm đường hô hấp trên, viêm mũi dị ứng,…
3. Điều trị dị vật mũi
3.1. Nguyên tắc
– Lấy dị vật
– Điều trị biến chứng do dị vật mũi gây nên và để lại.
3.2. Tình huống nhập viện
Một số tình trạng dị vật mũi phải nhập viện gây mê lấy dị vật ở khu vực mũi khi có một trong những vấn đề như:
– Dị vật quá sâu trong mũi
– Dị vật hình móc
– Dị vật đâm xuyên thấu
– Bệnh nhân là trẻ hoặc người có vấn đề thân kinh, không hợp tác trong điều trị
– Lấy dị vật nhưng bị chảy máu mũi
3.3. Cấp cứu lấy dị vật ở mũi
Cần phải đến các cơ sở y tế lấy dị vật mũi nhanh khi dị vật là những chất có khả năng ăn mòn như hạt nở, pin điện tử,… Những dị vật này lâu trong mũi sẽ khiến loét, hoại tử mũi, thay đổi cấu trúc mũi của bệnh nhân.
Khi soi lấy dị vật mũi, bác sĩ sẽ xem xét nhỏ mũi với Lidocaine 2 – 4% và thuốc co mạch Xylometazoline 0,5% để xử lý vấn đề đau và phù nề. Ngoài ra, cần chuẩn bị các dụng cụ cần thiết như banh mũi, đèn clar, thiết bị nội soi, các dụng cụ chuyên dụng,… Cách thực hiện lấy dị vật mũi cơ bản gồm các bước: dùng speculum banh mũi, xác định vị trí dị vật và dùng dụng cụ chuyên dụng luồn ra sau dị vật và đẩy dị vật ra ngoài.
Bên cạnh đó, các bác sĩ sẽ tiến hành xử lý các biến chứng tại chỗ cần thiết theo tình trạng của bệnh nhân.
3.4. Sau cấp cứu lấy dị vật mắc ở mũi
Sau khi lấy dị vật mũi cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ kê đơn để đảm bảo vấn đề điều trị sau phẫu thuật phù hợp, bệnh nhân tránh các biến chứng liên quan đến việc cấp cứu bằng các thuốc như:
– Thuốc giảm đau: paracetamol 10mg/kg/lần.
– Nhỏ mũi, rửa mũi: Dùng NaCl 0,9%.
– Kháng sinh: Kê với tình trạng chảy máu mũi hoặc nhiễm khuẩn mũi.
– Điều trị các biến chứng
Sau khi lấy dị vật ở mũi, bác sĩ điều trị sẽ hướng dẫn chi tiết với bệnh nhân về việc sử dụng các sản phẩm điều trị tại nhà, phòng biến chứng và có những nhắc nhở riêng cho bệnh nhân trong vấn đề vệ sinh cũng như ngừa viêm nhiễm. Bệnh nhân cần căn cứ những vấn đề này để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.