Trong vài tháng gần đây, Việt Nam đã ghi nhận các ca bệnh đậu mùa khỉ bùng phát tại các tỉnh phía Nam. Bởi vậy mà các thông tin về vaccine đậu mùa khỉ đang được người dân cả nước đang cực kỳ quan tâm và mong muốn tiêm phòng. Xem ngay thông tin vaccine tại đây!
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về bệnh đậu mùa khỉ
Bệnh đậu mùa khỉ hay còn có tên gọi khác là monkeypox, là bệnh truyền nhiễm gây ra do virus đậu mùa khỉ. Bệnh có nguồn gốc từ khỉ và được ghi nhận ca nhiễm đầu tiên ở người vào năm 1970. Kể từ đó, bệnh đã lưu hành ở 11 quốc gia Châu Phi và đã lan sang cả những quốc gia khác. Hiện nay, đậu mùa khỉ cũng đã xuất hiện trở lại ở một số khu vực miền Nam nước ta.
Những người có nguy cơ cao mắc bệnh đậu mùa khỉ, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), là những người sống chung hoặc tiếp xúc gần với những người bị bệnh. Đồng thời, người có tiếp xúc thường xuyên với động vật cũng thuộc đối tượng nguy cơ cao (qua tiếp xúc da với da, miệng với miệng, miệng với da, giao tiếp trực tiếp và quan hệ tình dục).
Trong hầu hết các trường hợp, bệnh đậu mùa khỉ tự giảm đi trong vài tuần. Tuy nhiên, có những trường hợp bệnh có thể trở nặng và gây tử vong. Những đối tượng như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và những người có hệ miễn dịch suy giảm có nguy cơ cao mắc phải triệu chứng nghiêm trọng và nguy hiểm từ bệnh đậu mùa khỉ. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, nhiễm trùng da thứ phát, lú lẫn và các vấn đề liên quan đến mắt.
Trước đây, tỷ lệ tử vong của bệnh đậu mùa khỉ dao động từ 1% đến 10%. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê hiện tại, tỷ lệ tử vong do bệnh này đã giảm xuống khoảng 3% – 6%, chủ yếu là do sự tăng cường trong việc phát hiện và điều trị kịp thời. Riêng những đối tượng có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, người cao tuổi, người mắc các bệnh mãn tính và phụ nữ mang thai cần được giám sát chặt chẽ để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
2. Tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới và Việt Nam hiện nay
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay, thế giới vẫn ghi nhận các ca đậu mùa khỉ mắc mới hàng tuần, hàng tháng. Trong đó, tuần từ ngày 18 đến 24/9/2023, đã có 125 trường hợp nhiễm mới đậu mùa khỉ được báo cáo, tăng 71,2% so với tuần trước từ ngày 11 đến 17/9/2023. Các trường hợp chủ yếu được ghi nhận tại khu vực Tây Thái Bình Dương với tỷ lệ 51,9% và khu vực Đông Nam Á với tỷ lệ 18,1%.
Tại Việt Nam, tính đến ngày 9/10/2023, đã ghi nhận tổng cộng 16 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 2 trường hợp được ghi nhận từ năm 2022 là các trường hợp bệnh xâm nhập. Từ đầu tháng 7/2023 đến nay, đã ghi nhận tổng cộng 14 trường hợp chủ yếu tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh (12 trường hợp) và tỉnh Bình Dương (2 trường hợp) và nhiều ca nghi nhiễm khác.
Trong số 12 trường hợp tại thành phố Hồ Chí Minh, các trường hợp được ghi nhận tại 9/22 quận huyện. Hầu hết đã được điều trị tại các cơ sở y tế.
Các trường hợp nằm trong độ tuổi từ 18-39, đều là nam giới, trong đó 50% có HIV và 50% thuộc nhóm có quan hệ đồng giới. Tất cả các trường hợp đều có triệu chứng lâm sàng, phổ biến nhất là mụn nước, mụn mủ hoặc phát ban. Đa số không có liên quan đến việc tiếp xúc với nước ngoài.
3. Tình hình vaccine đậu mùa khỉ hiện nay
Theo các chuyên gia y tế cho biết rằng virus gây bệnh đậu mùa khỉ có mối liên quan chặt chẽ với virus gây bệnh đầu mùa thông thường. Vì vậy, việc tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa thông thường có thể giúp bảo vệ khỏi bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Cụ thể, người đã tiêm vaccine đậu mùa có thể được bảo vệ đến 85% khỏi căn bệnh đậu mùa khỉ nguy hiểm này.
Dù đã có thông báo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng bệnh đậu mùa khỉ không còn được coi là tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng trên toàn cầu, tuy nhiên, một số quốc gia hiện tại vẫn ghi nhận sự gia tăng các ca nhiễm mới, trong đó có Việt Nam. Do đó, vaccine đậu mùa khỉ đang được rất nhiều người tìm hiểu để tiêm phòng.
Vaccine được coi là một công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống lại đậu mùa khỉ, và hiện có tổng cộng bốn loại vaccine được sử dụng trên toàn cầu, bao gồm:
3.1. Vaccine đậu mùa khỉ Jynneos
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), vaccine Jynneos đã được cấp phép và được tiêm theo phác đồ hai liều, với khoảng cách 28 ngày giữa các liều tiêm. Vaccine này có thể được sử dụng cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên. Sau khi tiêm liều thứ hai, dự kiến hệ thống miễn dịch sẽ đạt đến mức bảo vệ cao nhất sau 14 ngày.
Hiện tại, Jynneos đã được phê duyệt sử dụng tại Mỹ, Canada và các quốc gia thuộc châu Âu.
3.2. Vaccine LC16m8
Vaccine này đã được phát triển và nghiên cứu tại Nhật Bản kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi động chiến dịch tiêu diệt bệnh đậu mùa trên toàn cầu vào năm 1975. Hiện vaccine được sử dụng cho trẻ em và người lớn.
Theo một bài báo trên tạp chí Nature, các thử nghiệm trên linh trưởng đã chứng minh hiệu quả bảo vệ kéo dài chống lại virus đậu mùa khỉ sau khi tiêm một liều vaccine. Một số thử nghiệm khác đã chỉ ra rằng vaccine này còn an toàn và hiệu quả hơn đối với những người có hệ miễn dịch suy giảm. Do đó, Nhật Bản đã mở rộng phạm vi sử dụng vaccine này để chống lại bệnh đậu mùa khỉ từ tháng 8/2022.
3.3. Vaccine Acam2000
Vaccine đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt để ngăn ngừa bệnh đậu mùa và sau đó được mở rộng chỉ định để chống lại bệnh đậu mùa khỉ. Vaccine này được tiêm một lần duy nhất và dùng cho người từ một tuổi trở lên. Một nghiên cứu trên Tạp chí Y học New England cho thấy vaccine đậu mùa tiêm từ hơn 10 năm trước có hiệu quả bảo vệ từ 72 đến 75% đối với bệnh đậu mùa khỉ khi được nghiên cứu trên hơn 1.000 quân nhân.
3.4. Vaccine BioNTech
Vaccine BNT166 ngừa bệnh đậu mùa khỉ từ giai đoạn đầu đã được Biotech công bố thử nghiệm. Việc thử nghiệm giai đoạn đầu sẽ được tiến hành trên 196 bệnh nhân khỏe mạnh, chưa tiêm vaccine phòng đậu mùa hoặc có nguy cơ nhiễm trước đó. Hiện vẫn chưa có nhiều thông tin về vaccine này. Theo BioNTech, vaccine được phát triển dựa trên công nghệ mRNA, tương tự như vaccine Covid-19.
Vaccine đậu mùa khỉ và vaccine đậu mùa đã có mặt trên thế giới, tuy nhiên, hiện nay thì các loại vaccine ngừa bệnh này chưa được cấp phép sử dụng tại các cơ sở y tế của nước ta. Do đó, để phòng bệnh đậu mùa khỉ cho bản thân và gia đình, mọi người dân đều có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm khác mà Bộ y tế đã hướng dẫn trong khi chờ đợi vaccine được lưu hành tại Việt Nam: che mũi, miệng khi ho, hắt hơi, tránh tiếp xúc với người mắc bệnh và tránh lưu hành đến các khu vực đang có dịch, cũng như cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện lối sống lành mạnh.
Như vậy, bài viết vừa chia sẻ đến các bạn thông tin vaccine đậu mùa khỉ hiện nay. Đừng quên theo dõi Phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI để được cập nhật những thông tin mới nhất khi vaccine ngừa bệnh này có mặt tại Việt Nam, bạn nhé!