Thoát vị đĩa đệm triệu chứng biểu hiện theo các cấp độ

Thoát vị đĩa đệm là một bệnh lý xảy ra do nhiều nguyên nhân như thoái hóa, chấn thương, vận động quá sức, sai tư thế… Bệnh phát triển theo 4 giai đoạn với những đặc điểm khác nhau. Vậy bệnh thoát vị đĩa đệm triệu chứng biểu hiện thế nào theo các cấp độ và cách chẩn đoán, điều trị ra sao?

1. Thoát vị đĩa đệm triệu chứng biểu hiện ra sao qua từng giai đoạn?

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng các nhân nhầy đĩa đệm rời khỏi vị trí ban đầu, gây chèn ép dây thần kinh hoặc tủy sống, gây ra hiện tượng đau nhức, viêm các đốt sống.

Bệnh thoát vị đĩa đệm phát triển theo 4 giai đoạn từ I đến IV với các triệu chứng và mức độ tác động đến người bệnh khác nhau, cụ thể như sau:

1.1 Thoát vị đĩa đệm triệu chứng biểu hiện ở giai đoạn I

Giai đoạn I là giai đoạn đầu của thoát vị đĩa đệm. Đặc trưng của bệnh ở giai đoạn này là tình trạng nhân nhầy bắt đầu biến dạng. Bên cạnh đó, có thể xuất hiện một vài chỗ đứt rách nhỏ ở phía sau vòng sợi. Nhân nhầy có thể lõm vào chỗ khuyết này. Ở giai đoạn I, bệnh nhân chưa có biểu hiện trên lâm sàng. Hình ảnh biến đổi của đĩa đệm chỉ thấy trên phim chụp đĩa đệm, không thấy trên phim thường.

1.2 Thoát vị đĩa đệm triệu chứng biểu hiện ở giai đoạn II như thế nào?

Ở giai đoạn này, nhân nhầy sẽ lồi về một phía của vòng sợi bị suy yếu, đĩa đệm bị phình ra nhất là ở phía sau nên còn gọi là giai đoạn lồi đĩa đệm. Trên vòng sợi xuất hiện nhiều chỗ rạn, rách một cách rõ rệt hơn tuy nhiên chưa chiếm hết chiều dày của vòng sợi. Chiều cao các khoang đốt sống bắt đầu giảm.

Trên phim chụp đĩa đệm đã có những hình ảnh tổn thương khá phong phú. Đồng thời, người bệnh có các triệu chứng đau thắt cục bộ ở khu vùng có đĩa đệm thoát vị. Một số trường hợp hãn hữu lồi đĩa đệm có thể gây kích thích rễ thần kinh.

Thoát vị đĩa đệm triệu chứng biểu hiện là gì?

Tùy từng giai đoạn, thoát vị đĩa đệm có thể gây các triệu chứng khác nhau.

1.3 Triệu chứng thoát vị đĩa đệm giai đoạn III

Lúc này, sự đứt rách hoàn toàn các lớp của vòng sợi khiến nhân nhầy cùng với một số tổ chức khác của đĩa đệm thoát ra khỏi khoang đốt sống, gây thoát vị đĩa đệm.

Kết quả phim chụp đĩa đệm cho thấy hình ảnh nhân nhầy thoát vị, có thể đã hoặc chưa gây đứt dây chằng dọc sau.

Các triệu chứng lâm sàng ở giai đoạn này thường là dấu hiệu của hội chứng rễ thần kinh, có thể chia ra 3 mức độ sau:

– Kích thích rễ thần kinh

– Chèn ép rễ thần kinh nhưng vẫn còn một phần dẫn truyền thần kinh

– Mất dẫn truyền thần kinh

1.4 Biểu hiện thoát vị đĩa đệm khi đến giai đoạn IV

Bước sang giai đoạn IV, nhân nhầy đã bị biến dạng, xơ hóa, phần vòng sợi bị phá vỡ, rách nặng ở nhiều phía. Chiều cao khoang đốt sống giảm rõ rệt gây hẹp ống sống thứ phát và khớp đốt sống bị hư hại. Có thể xuất hiện tình trạng gai xương ở bờ viền của các thân đốt sống.

Đây là giai đoạn nghiêm trọng, triệu chứng thường gặp nhất là những cơn đau thắt mạn tính tái phát tùy vào vị trí thoát vị.

Thoát vị đĩa đệm thắt lưng: Đau thắt lưng, lan rộng xuống vùng mông, mặt trước và sau đùi; tê bì phần mu bàn chân; người bệnh không ưỡn cong lưng hoặc cúi người được; chân tay yếu, khó cầm nắm đồ vật và hạn chế vận động; mất kiểm soát cơ thể, teo cơ, bại liệt…

Thoát vị đĩa đệm cổ: Đau dọc vùng gáy, lan rộng ra từ bả vai đến tay, tê dọc theo cánh tay và bàn tay, sau đầu và hốc mắt; mất cảm giác; hạn chế các cử động tại cổ và cánh tay, khó đưa tay ra sau lưng hoặc lên cao; tê liệt vùng cổ và các chi, yếu cơ.

Các triệu chứng tăng nặng khi đứng, đi, hắt hơi, rặn… và đỡ khi bệnh nhân nằm nghỉ.

Triệu chứng khác: đau một bên lồng ngực, khó thở, táo bón hay khó tiểu.

Triệu chứng thoát vị đĩa đệm cổ

Đau cổ, vai gáy do thoát bị đĩa đệm cổ.

2. Chẩn đoán bệnh thoát vị đĩa đệm: Các phương pháp chủ yếu

Khi có các triệu chứng lâm sàng nghi ngờ thoát vị đĩa đệm, bạn cần khám chuyên khoa cơ xương khớp uy tín để được chẩn đoán và điều trị đúng hướng. Trong quá trình khám lâm sàng, các bác sĩ có thể kiểm tra mức độ căng cứng của cột sống và xác định nguyên nhân gây đau bằng cách yêu cầu bệnh nhân nằm xuống và di chuyển chân theo nhiều tư thế khác nhau.

Ngoài ra, các bài test về thần kinh như kiểm tra mức độ thả lỏng, trương lực cơ, khả năng đi lại, cảm nhận kích thích cũng có thể được sử dụng trong khám lâm sàng. Để chẩn đoán xác định thoát vị đĩa đệm hay phân biệt đau do nguyên nhân khác, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số phương pháp:

– Chẩn đoán hình ảnh: bao gồm chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI). Mỗi phương pháp này có những giá trị chẩn đoán khác nhau, nhằm đêm tới kết luận chính xác.

– Đo điện cơ: Phương pháp ghi lại mức độ lan truyền của xung thần kinh dọc theo các mô, giúp xác định phần dây thần kinh bị tổn hại.

Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm khi có triệu chứng như thế nào?

Dựa trên các triệu chứng lâm sàng và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ có thể kiểm tra nguyên nhân và mức độ thoát vị đĩa đệm.

3. Điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm cần lưu ý những gì?

Hiện nay, phương pháp điều trị thoát vị chủ yếu là điền trị bảo tồn, giúp giảm các triệu chứng và ngăn bệnh diễn tiến xấu hơn.

3.1  Các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm chủ yếu

– Dùng thuốc: Các nhóm thuốc thường được sử dụng để điều trị thoát vị gồm: thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ, corticoid phong bế ngoài màng cứng. Người bệnh cần uống thuốc theo đơn của bác sĩ, tránh tự ý thay đổi gây ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

– Vật lý trị liệu: Nếu việc dùng thuốc không giải quyết được triệu chứng của bệnh trong vài tuần, phương pháp vật lý trị liệu có thể được cân nhắc sử dụng cho bệnh nhân.

– Phẫu thuật: Phẫu thuật là phương pháp cuối cùng và chỉ được chỉ định cho một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân. Phương pháp này thường được sử dụng nếu điều trị bảo tồn không có tác dụng sau 6 tuần hoặc bệnh nhân có những biểu hiện như yếu cơ, khó đứng, khó đi lại, mất kiểm soát cơ vòng…

3.2 Các phương pháp hỗ trợ việc điều trị thoát vị đĩa đệm

Một số phương pháp giúp giảm triệu chứng đau có thể kết hợp trong quá trình điều trị bằng thuốc gồm:

– Kéo nắn xương khớp

– Châm cứu

– Massage

– Tập yoga

Lưu ý, các phương pháp này cần được thực hiện tại các cơ sở uy tín hoặc có sự tư vấn, hướng dẫn của các bác sĩ.

3.3 Những lưu ý trong chế độ sinh hoạt

Trong thời gian điều trị thoát vị đĩa đệm, người bệnh nên nghỉ ngơi. Tuy nhiên tránh nằm quá nhiều vì có thể gây cứng khớp và yếu cơ. Nên hạn chế các hoạt động mạnh, chỉ thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng theo hướng dẫn của chuyên gia cơ xương khớp.

Đặc biệt, cần theo dõi các triệu chứng của bệnh và đi khám ngay nếu thấy các triệu chứng nặng hơn như:

– Tê liệt ở chân

– Đau tê khu vực bàn tọa

– Khó đại, tiểu tiện

– Yếu, liệt đột ngột xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital