Thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống là một tình trạng nguy hiểm, có thể gây đau, teo cơ, liệt cơ, ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh. Cùng tìm hiểu về tình trạng hẹp ống sống do thoát vị đĩa đệm và cách điều trị, phòng ngừa trong bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về tình trạng thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống
Cột sống của con người được cấu tạo từ các đốt sống và các đĩa đệm nằm giữa các đốt sống. Dây chằng và khớp có nhiệm vụ kết nối các đốt sống này, tạo thành một ống được gọi là ống sống. Bên trong ống sống là tủy sống và các rễ thần kinh.
Tình trạng thoát vị đĩa đệm có thể khiến nhân nhầy thoát ra ngoài vị trí ban đầu, tạo thành khối thoát vị chui vào ống sống. Khối này gây chèn ép rễ thần kinh, làm giảm đường kính của ống sống, gây hẹp ống sống.
Hẹp ống sống do thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau trên cột sống, nhưng phổ biến và phức tạp nhất vẫn là ở ống sống thắt lưng. Bởi hẹp ống sống thắt lưng có thể tác động đến dây thần kinh tọa – dây thần kinh dài nhất trong cơ thể, xuất phát từ tủy sống, chạy dọc theo chân xuống đến tận ngón chân.
Ngoài thoát vị đĩa đệm, có một số nguyên nhân khác gây hẹp ống sống gồm:
– Thoái hóa cột sống: Tình trạng “hao mòn” lớp sụn khớp khiến cho phần xương cọ xát vào nhau. Các gai xương hình thành, chèn vào trong ống sống, khiến ống sống bị thu hẹp.
– Rối loạn cấu trúc xương: Điển hình là bệnh Paget xương. Bệnh này có thể gây ra sự phát triển quá mức của xương cột sống, ảnh hưởng đến ống sống.
– Dày dây chằng: Tình trạng dây chằng dày lên do viêm khớp có thể làm hẹp ống sống.
– U tủy sống: Sự xuất hiện và phát triển của khối u trong tủy sống có thể khiến không gian ống sống bị thu hẹp.
2. Các triệu chứng của hẹp ống sống do thoát vị đĩa đệm
Biến chứng ống sống hẹp do thoát vị đĩa đệm có thể khiến người bệnh gặp phải các triệu chứng tại chỗ hẹp cũng như nhiều vị trí trên cơ thể như:
– Đau cột sống thắt lưng
– Đau hoặc tê ở cẳng chân
– Đau ở bắp chân, mông
– Chuột rút và yếu cơ
Tình trạng đau xảy ra khi bệnh nhân ở tư thế thẳng, thuyên giảm nếu người bệnh cong người ra trước hoặc ngồi xuống.
3. Hẹp ống sống do thoát vị có gây nguy hiểm hay không?
Cơn đau xuất hiện do ống sống bị hẹp thường đến tức thì, tuy nhiên cũng có thể tiến triển trong một thời gian dài, gây nên cơn đau mạn tính. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng chèn ép có thể ngày một nặng hơn, gây ra các thương tổn thần kinh khiến người bệnh bị teo cơ, liệt cơ.
Hẹp ống sống ở thắt lưng có thể khiến người bệnh mất khả năng vận động 2 chân, khiến bệnh nhân khó hoặc không đi lại được bình thường. Một số trường hẹp ống sống còn gây rối loạn cơ tròn, người bí tiểu hoặc đại tiện.
4. Chẩn đoán và điều trị thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống
4.1 Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống
Quá trình thăm khám và chẩn đoán bệnh cần dựa vào triệu chứng cụ thể của bệnh nhân. Vì thế bạn nên chú ý quan sát và ghi nhớ những triệu chứng của mình và cung cấp cho bác sĩ một cách chi tiết khi đi khám. Bên cạnh đó, người bệnh có thể cần thực hiện một số chẩn đoán cần thiết như:
– Chụp X-quang: Kiểm tra cấu trúc của xương, trục của cột sống, đường viền của các khớp…
– Chụp vi tính cắt lớp (CT scanner): Hiển thị hình dạng, kích thước của ống sống chi tiết dưới dạng hình ảnh 2 chiều hoặc 3 chiều.
– Chụp cộng hưởng từ (MRI): Quá trình chụp MRI giúp thu được hình ảnh của các mô mềm, xác định được tình trạng lồi đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm, mức độ chèn ép rễ thần kinh, hẹp ống sống,…
Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm, chẩn đoán khác nhằm phân biệt, loại trừ với một số nguyên nhân khác như thoái hóa cột sống, viêm khớp, chấn thương,…
4.2 Điều trị tình trạng thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống
Dựa vào nguyên nhân và mức độ hẹp của ống sống mà các bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phù hợp cho bệnh nhân. Một số phương pháp điều trị có thể kể đến:
Phương pháp trị liệu thần kinh cột sống giúp nắn chỉnh các đốt sống sai lệch về đúng vị trí ban đầu dựa trên nguyên lý kích thích cơ chế tự chữa lành của cơ thể. Khi khối thoát vị đĩa đệm không còn chèn ép rễ thần kinh, tình trạng hẹp ống sống được khắc phục đáng kể.
Một số loại thuốc kháng viêm và giảm đau được dùng để điều trị bệnh hẹp ống sống có tác dụng xoa dịu cơn đau nhức, giảm sưng, giãn cơ… Ngoài ra, bệnh nhân có thể được tiêm corticosteroid vào khoảng trống trong cột sống để giảm tình trạng đau nhức và các triệu chứng một cách tạm thời. Lưu ý, việc dùng thuốc kê đơn cần phải tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.
Trong trường các phương pháp điều trị trên không đem lại hiệu quả, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện phẫu thuật nhằm nới rộng ống thần kinh, giải phóng chèn ép rễ thần kinh. Nhiều trường hợp có thể cần loại bỏ toàn bộ đĩa đệm và hàn xương cố định sau giải ép ống sống.
Tuy nhiên, phẫu thuật cột sống là phương pháp phức tạp, người bệnh cần thận trọng khi quyết định lựa chọn và nên nghe theo lời khuyên của bác sĩ.
5. Phòng ngừa hẹp ống sống do thoát vị đĩa đệm
Do những nguy hiểm mà bệnh hẹp ống sống gây ra, người bệnh bị thoát vị đĩa đệm cần tích cực điều trị bệnh theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa. Các biện pháp điều trị thường bao gồm dùng thuốc, vật lý trị liệu, massage, phẫu thuật… Tất cả các biện pháp trên cần được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa tùy vào từng trường hợp cụ thể.
Bên cạnh đó bệnh nhân nên thực hiện các biện pháp dưới đây có thể cải thiện các triệu chứng, làm chậm sự tiến triển bệnh thoát vị đĩa đệm và phòng ngừa hẹp ống sống:
– Xây dựng và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ dưỡng chất
– Duy trì cân nặng lý tưởng để tránh gây áp lực lên cột sống
– Không hút thuốc, hạn chế tối đa sử dụng chất kích thích
– Kiêng rượu bia hay các đồ uống có cồn khác
– Khi sinh hoạt, làm việc, giữ tư thế đúng để bảo vệ cột sống
– Thường xuyên tập luyện với các bài tập phù hợp
– Tránh mang vác vật nặng, trành làm việc quá sức
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.