Thoát vị bẹn có nguy hiểm không? Cách điều trị bệnh hiệu quả

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Lê Văn Dũng

Bác sĩ Gây mê hồi sức

Thoát vị bẹn có nguy hiểm không là vấn đề được nhiều người bệnh quan tâm. Đây là bệnh lý khá phổ biến nhưng không thể tự khỏi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ phát triển thành các biến chứng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người bệnh.

1. Bệnh lý thoát vị bẹn

Bẹn hay háng là vùng nối giữa bụng và đùi, nằm ở hai bên xương mu. Thoát vị bẹn là hiện tượng xuất hiện khối phồng vùng bẹn do các tạng trong ổ phúc mạc (ruột  mạc nối, buồng trứng…) rời khỏi vị trí ban đầu, đi qua điểm yếu của thành bụng và di chuyển xuống. Thoát vị bẹn có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên bẹn. Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào nhưng nam giới thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới, gấp 7-8 lần.

Thoát vị bẹn có hai dạng thường gặp:

– Thoát vị bẹn trực tiếp: bệnh được hình thành dần theo thời gian do sự thoái hóa collagen khiến các gân cơ thành bụng bị suy yếu.

– Thoát vị bẹn gián tiếp: thoát vị bẹn bẩm sinh do ống phúc tinh mạc không tự động đóng lại.

Thoát vị bẹn có thể gây nên những cơn đau xuất hiện ở vùng thượng vị, quanh rốn. Những cơn đau này có thể khởi phát đột ngột và dữ dội, khiến bệnh nhân chướng bụng và nôn ói. Đồng thời, khối thoát vị cũng khiến người bệnh cảm thấy vướng víu, khó chịu và làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Ngoài ra, nếu để bệnh kéo dài có thể phát triển thành các biến chứng nguy hiểm. Do đó, khi phát hiện những triệu chứng của thoát vị bẹn, người bệnh cần đi khám và xử trí cấp cứu kịp thời.

Thời gian phát hiện bệnh là yếu tố quan trọng quyết định thoát vị bẹn có nguy hiểm không

Thời gian phát hiện bệnh là yếu tố quan trọng quyết định thoát vị bẹn có nguy hiểm không. Vì càng để kéo dài, bệnh sẽ càng tiến triển nặng.

2. Bệnh lý thoát vị bẹn có nguy hiểm không?

Bệnh lý thoát vị bẹn có nguy hiểm không? Theo ý kiến của các chuyên gia, thoát vị bẹn không nguy hiểm nếu được can thiệp và điều trị kịp thời, đúng cách. Ngược lại càng trì hoãn và kéo dài thì bệnh sẽ trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho sức khỏe với các biến chứng sau:

2.1. Thoát vị kẹt

Đây là tình trạng khi các tạng chui xuống túi thoát vị nhưng không thể di chuyển trở lại ổ phúc mạc được. Nguyên nhân của hiện tượng này là các tạng thoát vị bị dính vào túi hoặc bị dính lại với nhau. Từ đó tạo nên khối chắc khiến người bệnh cảm thấy vướng víu và dễ bị chấn thương ở khối thoát vị.

2.2. Thoát vị nghẹt

Thoát vị nghẹt là biến chứng nguy hiểm của bệnh. Khi bị thoát vị nghẹt, các tạng trong túi thoát vị bị xoắn lại với nhau không thể di chuyển trở lại thành bụng và máu cũng không thể lưu thông đến đây. Thoát vị nghẹt có thể gây các biến chứng nguy hiểm như:

– Nghẹt ruột: xảy ra khi các tạng bị dính với túi thoát vị hoặc với các phần trong của túi thoát vị khiến chúng không thể di chuyển trở lại ổ phúc mạc. Người bệnh sẽ thấy đau tăng kích thước của túi thoát vị.

Tắc ruột: tình trạng này thường xảy ra với ruột non hoặc đôi khi là dạ dày, ít khi xảy ra với kết tràng. Tắc ruột khiến người bệnh thấy đau liên tục hoặc đau quặn từng cơn, buồn nôn và nôn. Khi này, người bệnh cần phải phẫu thuật can thiệp ngay. Nếu không, người bệnh có thể bị sốc nhiễm trùng do cơ thể hấp thụ các độc tố qua thành ruột, khiến cho nơi này bị hoại tử, viêm màng bụng và có nguy cơ tử vong cao.

– Nghẽn ruột: Mạch máu của những tạng thoát vị chèn ép ở cổ thoát vị có thể làm xoắn túi thoát vị, trong đó có cả động mạch và tĩnh mạch của đoạn ruột. Tình trạng này khiến các vi khuẩn trong ruột lây lan đến các khoang trong cơ thể, làm phù nề mạc treo ruột. Sự tấn công của vi khuẩn có thể làm tắc dòng chảy tĩnh mạch, chèn ép động mạch đưa đến sự thiếu máu của quai ruột, gây hoại tử ruột và có thể dẫn đến tử vong

Thoát vị bẹn nghẹt là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh

Thoát vị bẹn nghẹt là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh

2.3. Chấn thương tạng thoát vị

Biến chứng này xảy ra khi khối thoát vị lớn và xuống tương đối thường xuyên. Khi bị chấn thương từ bên ngoài gây nên dập, vỡ các tạng bên trong.

2.4. Vô sinh ở nam giới

Thoát bị bẹn có thể gây xoắn tinh hoàn, teo tinh hoàn, nghẹt bó mạch thừng tinh gây hoại tử tinh hoàn, làm tăng nguy cơ vô sinh.

3. Nguyên nhân gây thoát bị bẹn

Thoát vị bẹn thường xảy ra do các nguyên nhân chính sau:

– Nguyên nhân bẩm sinh: do tồn tại ống phúc tinh mạc tạo nên đường đi cùng một túi có sẵn khiến cho thoát vị có cơ hội xảy ra.

– Nguyên nhân mắc phải: sự suy yếu của lớp mạc ngang và cơ ngang bụng khiến thành bụng suy yếu, có thể xảy ra do lão hóa, căng quá mức cơ bụng, suy dinh dưỡng hoặc do thương tích vùng bẹn.

Nguy cơ mắc thoát vị bẹn tăng cao ở các đối tượng:

– Người lớn tuổi có các cơ thành ổ bụng yếu.

– Người hay làm việc, mang vác nặng hoặc ho mãn tính, táo bón kéo dài tạo áp lực lớn thường xuyên lên vùng bụng.

– Người đang mắc các bệnh như tràn dịch tinh mạc, u nang thừng tinh, u đại tràng.

– Người tiểu khó do hẹp niệu đạo hay do u xơ tiền liệt tuyến.

– Gia đình có tiền sử bị thoát vị bẹn.

– Người béo phì, thừa cân hoặc phụ nữ có thai làm tăng áp lực lên ổ bụng khiến cơ ở những khu vực này căng ra. Lâu ngày có thể dẫn đến thoát vị bẹn.

5. Dấu hiệu thoát vị bẹn

Phần lớn các trường hợp thoát vị bẹn thường không có triệu chứng đặc biệt. Khi khối thoát vị có sự gia tăng về kích thước thì người bệnh sẽ thấy xuất hiện các triệu chứng sau:

– Xuất hiện khối phồng ở một hoặc cả hai bên bẹn.

– Kích thước khối phồng to hơn khi áp lực trong ổ bụng tăng lên như khi ho, rặn đại tiện, gồng bụng, mang vác vật nặng hoặc khi vận động mạnh… và tự động biến mất khi người bệnh nằm nghỉ ngơi. Trong một vài trường hợp, khối phồng này không tự “lặn” được phải dùng tay đẩy lên.

– Các cơ vùng chậu yếu và có cảm giác đang phải chịu một áp lực nào đó.

– Khó chịu và đau nhói vùng bẹn khi nghiêng vác vật nặng, tập thể dục quá sức hay khi vặn mình.

– Xuất hiện tiếng sôi ruột ở khối thoát vị.

– Bìu giãn lớn, một bên bìu to bất thường so với bên còn lại.

– Sốt cao, đau dữ dội, nhịp tim tăng nếu các tạng bị xoắn lại và bị nghẹt trong túi thoát vị.

6. Điều trị thoát vị bẹn

Phương pháp điều trị thoát vị bẹn dựa theo độ tuổi của người bệnh. Đối với trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi bị thoát bẹn vị bẩm sinh có thể theo dõi để chờ ống phúc tinh mạc tự đóng lại. Với trẻ nhỏ và người lớn, thoát vị bẹn có thể điều trị bằng 2 phương pháp phẫu thuật phổ biến là mổ mở và mổ nội soi.

Mục đích của 2 phương pháp này là đưa bộ phận thoát vị trở lại vị trí ban đầu. Đồng thời chêm vào đó một tấm lưới nhân tạo để tăng cường chỗ yếu của thành bụng.Trong đó, phương pháp mổ nội soi có nhiều ưu thế vượt trội hơn so với mổ mở truyền thống. Và đây cũng là phương pháp đang được sử dụng rộng rãi và phổ biến hiện nay. Với vết rạch da rất nhỏ ở vùng bụng dưới (khoảng 5mm), người bệnh ít đau, ít chảy máu, ít xảy ra các biến chứng hậu phẫu và thời gian hồi phục sức khỏe cũng nhanh hơn. Đồng thời, phẫu thuật nội soi còn cho phép bác sĩ đánh giá trình trạng bẹn đối diện và có thể can thiệp ngay nếu tình trạng thoát vị xảy ra.

Tuy nhiên, phẫu thuật nội soi không thực hiện được cho người bệnh có khối thoát vị rất lớn hoặc người bệnh có tiền sử phẫu thuật vùng chậu.

Phẫu thuật thoát vị bẹn nhằm đẩy các tạng thoát vị về vị trí ban đầu và chêm vào đó tấm lưới nhân tạo để tăng cường chỗ yếu của thành bụng

Phẫu thuật thoát vị bẹn nhằm đẩy các tạng thoát vị về vị trí ban đầu và chêm vào đó tấm lưới nhân tạo để tăng cường chỗ yếu của thành bụng

6. Phòng ngừa thoát vị bẹn

Để giảm nguy cơ mắc thoát vị bẹn, mỗi người cần chủ động phòng ngừa bằng cách:

– Không nâng hoặc khiêng vật nặng quá sức để hạn chế gia tăng áp lực lên ổ bụng, ngăn ngừa nguy cơ bị thoát vị bẹn.

– Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, ăn nhiều chất xơ để hạn chế táo bón.

– Duy trì cân nặng ở mức hợp lý bằng cách tập thể dục thể thao mỗi ngày kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học.

– Không hút thuốc lá; hạn chế các loại đồ uống có cồn và cafein.

– Tập thói quen đi vệ sinh vào một giờ cố định trong ngày và không sử dụng điện thoại, sách hoặc báo trong suốt thời gian đi vệ sinh.

– Thăm khám sức khỏe định kỳ hàng năm để theo dõi thể trạng và sớm phát hiện dấu hiệu thoát vị bẹn (nếu có).

Thoát vị bẹn có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào thời gian phát hiện bệnh sớm hay muộn. Do đó, khi nghi ngờ có dấu hiệu thoát vị bẹn, dù chưa xuất hiện biến chứng, người bệnh nên đi thăm khám và điều trị sớm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital