Thị lực kém rõ rệt – Cẩn trọng trước 5 loại bệnh về mắt

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

Mắt là cơ quan đảm nhiệm chức năng quan sát của con người. Thông thường với thị lực khỏe mạnh con người có thể quan sát sự vật xung quanh một cách rõ ràng, sắc nét, chi tiết. Tuy nhiên nếu một ngày bạn chợt nhận ra thị lực kém đi, tầm nhìn ngắn lại, quan sát sự vật thấy mờ nhòe và không rõ nét thì nên cẩn trọng vì có thể bạn đã mắc phải 1 trong số 5 loại bệnh về mắt gây suy giảm thị lực.

1. Thị lực kém do mắc tật khúc xạ

Tật khúc xạ là một rối loạn về mắt rất phổ biến khiến mắt không thể tập trung quan sát rõ ràng các hình ảnh từ thế giới bên ngoài ở một khoảng cách nhất định. Hệ quả của các tật khúc xạ là nhìn mờ, làm thị lực suy yếu. Nguyên nhân là do mắt không có hình dạng hoặc kích thước đúng, khiến ánh sáng xuyên qua mắt không thể hội tụ hoàn toàn trên võng mạc nên hình ảnh thu được bị mờ nhòe, không sắc nét.

thị lực kém

Các loại tật khúc xạ và cơ chế từng loại

Tật khúc xạ được chia thành 3 phân loại chính với những đặc điểm khác nhau cả về cấu trúc khả năng nhìn:

– Cận thị: Tình trạng khó nhìn thấy rõ các vật ở xa nhưng nhìn gần tốt. Nguyên nhân do trục nhãn cầu dài và giác mạc quá cong.

Viễn thị: Tình trạng khó nhìn thấy rõ các vật ở gần nhưng nhìn xa tốt. Nguyên nhân do trục nhãn cầu ngắn và giác mạc dẹt.

– Loạn thị: Tình trạng nhìn thấy hình ảnh bị méo, mờ nhòe ở mọi khoảng cách do giác mạc cong không đều ở mọi vị trí.

Tình trạng thị lực suy giảm do mắc tật khúc xạ có thể điều trị được với nhiều phương pháp khác nhau như: đeo kính gọng, kính áp tròng để cải thiện thị lực tạm thời hoặc phẫu thuật để trị dứt điểm tật khúc xạ. Việc điều trị tật khúc xạ từ giai đoạn sớm không những giảm thiểu nguy cơ bệnh trở nặng nhanh chóng, khôi phục thị lực ban đầu mà còn hạn chế những biến chứng nguy hiểm đối với thị lực mắt như nhược thị, lác hoặc bong võng mạc

2. Dị ứng mắt khiến thị lực kém tạm thời

Dị ứng mắt cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm thị lực. Thực chất đây là phản ứng của hệ miễn dịch nhằm bảo vệ mắt khỏi những tác nhân bên ngoài tác động tới mắt như thời tiết, phấn hoa, khói bụi, lông thú, hóa chất, virus hoặc vi khuẩn,… thậm chí là dị ứng thực phẩm ăn uống. Những chất được cơ thể tạo ra để chống lại các tác nhân trên vô tình gây ra phản ứng phụ tại vùng mắt và gây cảm giác khó chịu.

Những triệu chứng của dị ứng mắt rất rõ rệt và không khó để nhận biết. Hầu hết người mắc bệnh sẽ thấy ngứa mắt, chảy nước mắt, cảm giác bỏng rát, sưng tấy mí mắt, kèm theo đó là thị lực suy giảm tạm thời. Trong một số trường hợp dị ứng, người bệnh có thể cùng lúc bị sổ mũi, nghẹt mũi hoặc hắt hơi.

Dị ứng khi phản ứng tại mắt nếu được điều trị kịp thời sẽ ngăn ngừa tiến triển thành tình trạng viêm kết mạc dị ứng, viêm giác mạc hoặc viêm bên trong nhãn cầu. Mặc dù vậy, khi bị rơi vào trường hợp này, người bệnh không nên vội vàng tự ý mua thuốc để sử dụng tại nhà mà nên đi khám tại cơ sở chuyên khoa.

Tại đây, để xác định đúng nguyên nhân khiến thị lực kém đi và những biểu hiện của mắt tại thời điểm đó có đúng là dị ứng không, các bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm như: tổng phân tích máu, đo định lượng IgE, panel dị ứng. Từ đó mới tìm ra nguyên do chính xác để có hướng điều trị phù hợp.

3. Viêm kết mạc mắt

Kết mạc là một lớp màng/niêm mạc mỏng che phủ lên bề mặt nhãn cầu và mặt trong của mí mắt. Vai trò của nó là giúp cho 2 bộ phận này hoạt động đóng mở trơn tru mà không bị tổn thương do cọ xát. Tác nhân gây nên viêm kết mạc hay còn gọi là đau mắt đỏ là virus như: adenovirus, herpes virus,…; và vi khuẩn như: vi khuẩn tụ cầu, Haemophilus, vi khuẩn Streptococcus Pneumoniae,…. Bệnh này rất dễ lây lan, ai cũng có nguy cơ lây nhiễm dù chỉ vô tình tiếp xúc với dịch tiết từ mắt của người đang mắc bệnh.

thị lực kém

Mắt bị viêm kết mạc

Triệu chứng đặc trưng nhất của người bị bệnh viêm kết mạc là mắt sưng đỏ, ra nhiều ghèn, gỉ mắt hoặc nước mắt chảy liên tục. Những hiện tượng này liên tục xảy ra khiến thị lực của người bệnh kém đi trông thấy. Bên cạnh đó, khi gặp phải tình trạng này, mắt sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu do luôn có cảm giác cộm như có dị vật kẹt trong mắt.

Bệnh viêm kết mạc rất đơn giản và có thể chữa khỏi chỉ sau 7-10 ngày nếu điều trị đúng cách và kịp thời bởi bác sĩ chuyên khoa. Ngay sau đó, thị lực của người bệnh sẽ dần khôi phục lại như ban đầu. Ngược lại, nếu người bệnh tự ý mua thuốc điều trị tại nhà hoặc áp dụng những mẹo dân gian như xông lá, đắp lá,… có thể sẽ khiến tình trạng nặng hơn và thị lực suy giảm nhanh chóng.

4. Đục thủy tinh thể

Thủy tinh thể là bộ phận vô cùng quan trọng với đặc tính trong suốt, giúp ánh sáng tới mắt hội tụ đúng trên võng mạc và cho hình ảnh sắc nét. Khi “thấu kính” này bị vẩn đục sẽ làm ánh sáng tán xạ, dẫn tới mắt không nhìn rõ vật, nhìn mờ nhòe, thị lực kém dần, thậm chí lâu dài có thể dẫn đến mù lòa.

Một số nguyên nhân gây đục thủy tinh thể thường gặp có thể kể đến như tuổi già, biến chứng của bệnh tiểu đường hoặc tăng nhãn áp. Ngoài ra rối loạn di truyền, chấn thương mắt hoặc tiếp xúc thường xuyên với tia UV cũng có thể gây nên đục thủy tinh thể, đây cũng là lý do khiến hiện nay nhiều người trẻ bị đục thủy tinh thể hơn.

Ở giai đoạn đầu mắc bệnh đục thủy tinh thể, người bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng mà bệnh tiến triển âm thầm. Sau một thời gian phát triển, bệnh nhân sẽ thấy thị lực bị suy giảm rõ rệt, nhìn một vật thành nhiều vật, mờ nhòe, triệu chứng điển hình nhất là nhìn ngoài trời sáng khó hơn trong bóng râm. Nếu nhận thấy những dấu hiệu này, người bệnh cần đi khám sớm chứ không nên chỉ nhỏ thuốc theo tư vấn của dược sĩ mà không có sự thăm khám. Việc phát hiện bệnh sớm sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán và xác định mức độ bệnh, từ đó có phương pháp điều trị, cải thiện thị lực phù hợp để duy trì thị lực sáng lâu nhất có thể và người bệnh dễ dàng hơn trong sinh hoạt hàng ngày.

5. Thoái hóa điểm vàng

Điểm vàng (hoàng điểm) là bộ phận nằm ở trung tâm võng mạc, tập trung hàng triệu tế bào cảm quan nên có vai trò quan trọng trong thu nhận hình ảnh, giúp nhận biết được màu sắc và quyết định độ sắc nét của hình ảnh.

thị lực kém

Hình ảnh mắt thu được khi bị thoái hóa điểm vàng

Thoái hóa điểm vàng là sự thoái hóa các tế bào tại điểm vàng, làm mắt mất đi khả năng nhìn chi tiết ở vùng trung tâm thị giác. Từ nguyên do đó kéo theo tình trạng thị lực kém đi, hình ảnh thu được thấy mờ, thậm chí méo mó, biến dạng. Thoái hóa điểm vàng không gây ra mù hoàn toàn, tầm nhìn xung quanh vẫn bình thường nhưng lại làm khả năng đọc, lái xe hay nhận dạng màu sắc, sự tương phản lại bị suy yếu nghiêm trọng. Bệnh lý này là căn nguyên gây tình trạng mất thị lực hàng đầu trên thế giới.

Thoái hóa điểm vàng có thể được chẩn đoán dễ dàng tại các bệnh viện có chuyên khoa mắt. Khi đã xác định bệnh, bác sĩ sẽ dựa vào kết quả chẩn đoán để tiến hành điều trị, làm chậm quá trình suy giảm thị lực của bệnh nhân, trong một số trường hợp khả quan, thị lực có thể được cải thiện hơn.

Với 5 loại bệnh về mắt có thể khiến thị lực kém đi tạm thời hoặc suy giảm thị lực vĩnh viễn nếu không điều trị, bạn không nên chủ quan tự chữa trị với các loại nước nhỏ mắt thông thường tại nhà mà nên chủ động thăm khám sớm để bảo vệ sức khỏe thị lực của bản thân, tránh kéo dài gây biến chứng khó lường.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital