Vắc xin là một sản phẩm an toàn đã được nghiên cứu và thử nghiệm nghiêm ngặt trước khi đưa vào sử dụng phổ biến. Tuy nhiên sau tiêm chủng một số trẻ vẫn có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn, những tác dụng này rất hiếm khi nghiêm trọng. Thế nhưng theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ sau tiêm vẫn rất cần thiết để phát hiện và xử lý kịp các biến chứng có thể xảy ra. Trong bài viết này, TCI sẽ hướng dẫn bố mẹ cách theo dõi sau tiêm chủng cho trẻ và cách chăm sóc sau khi tiêm chủng cho trẻ tại nhà.
Menu xem nhanh:
1. Theo dõi sau tiêm chủng phòng ngừa biến chứng
Việc tiêm chủng giúp trẻ em phòng ngừa được nhiều bệnh nguy hiểm có thể gây tử vong. Tuy nhiên, sau khi tiêm chủng, trẻ em có thể gặp phải các phản ứng phụ như sốt, đau đầu, đau cơ, ho, nôn mửa, đau tại vùng tiêm. Trong một số trường hợp nghiêm trọng hơn, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Vì vậy, việc theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ sau khi tiêm chủng là rất quan trọng để phát hiện và xử lý kịp thời các biến chứng có thể xảy ra. Nếu không được theo dõi và xử lý đúng cách, các biến chứng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của trẻ.
2. Những phản ứng phụ sau tiêm chủng ở trẻ
2.1. Những phản ứng thông thường
Một số triệu chứng thông thường sau tiêm chủng nhiều trẻ gặp phải là:
– Sốt nhẹ dưới 39 độ C
– Đau đầu
– Đau cơ
– Đau tại vùng tiêm
– Khó chịu, mệt mỏi
– Chán ăn
Đây là những triệu chứng bình thường và thường tự giảm đi sau vài giờ hoặc vài ngày.
Tuy nhiên, nếu triệu chứng này kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng, có thể là dấu hiệu của một biến chứng nghiêm trọng hơn. Cha mẹ cần theo dõi sát các phản ứng phụ ở trẻ để phát hiện và xử lý kịp thời các biến chứng có thể xảy ra.
2.2. Những phản ứng nghiêm trọng
Ngoài những triệu chứng thông thường, trẻ em cũng có thể gặp phải các biến chứng nghiêm trọng sau khi tiêm chủng. Các biến chứng này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ và cần được cấp cứu y tế ngay lập tức.
Một số biến chứng nghiêm trọng sau khi tiêm chủng ở trẻ em bao gồm:
– Phản ứng dị ứng, nổi mề đay
– Sốc phản vệ
– Suy hô hấp, thở khò khè, khó thở
– Co giật, khóc thét
– Li bì, hôn mê
– Nôn mửa
– Tiểu tiện không tự chủ
– Đại tiện không tự chủ
– Mạch nhanh, khó bắt
– Sốt cao liên tục trên 39 độ C, sốt trên 3 ngày, dùng hạ sốt không đỡ
– Viêm sưng đau quá mức tại vị trí tiêm, hạn chế vận động
– Chân tay lạnh, nổi vân tím
Những triệu chứng kể trên rất hiếm khi xảy ra, khi trẻ có những biểu hiện này, trẻ cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức để nhận sự hỗ trợ y tế kịp thời, đảm bảo an toàn sức khỏe.
3. Hướng dẫn theo dõi và xử trí sau tiêm phù hợp
3.1. Theo dõi sau tiêm cho trẻ em tại cơ sở tiêm chủng
Sau tiêm chủng trẻ cần được theo dõi sau tiêm ít nhất 30 phút tại cơ sở tiêm chủng. Các phản ứng phụ nghiêm trọng có tỉ lệ cao xuất hiện trong thời gian này. Nếu trẻ có biểu hiện bất thường hãy thông báo ngay cho bác sĩ hoặc nhân viên phòng tiêm để được hỗ trợ y tế ngay lập tức giúp đảm bảo an toàn cho trẻ.
Trước khi ra về trẻ sẽ được nhân viên y tế kiểm tra nhiệt độ và vết tiêm. Nếu có bất thường sẽ được tư vấn và hỗ trợ. Nếu ổn định, trẻ có thể ra về và tiếp tục tuân theo những hướng dẫn về chăm sóc sức khỏe tại nhà.
3.2. Theo dõi sau tiêm cho trẻ em tại nhà
Sau khi tiêm chủng, trẻ em cần được theo dõi tình trạng sức khỏe tại nhà trong vòng 24 giờ. Đây là khoảng thời gian quan trọng để phát hiện và xử lý kịp thời các biến chứng có thể xảy ra.
Cách theo dõi sau tiêm và xử trí sau tiêm cho trẻ tại nhà:
– Theo dõi nhiệt độ cơ thể của trẻ: Nhiệt độ cơ thể là một trong những chỉ số quan trọng về tình trạng sức khỏe trẻ. Cha mẹ cần theo dõi nhiệt độ của trẻ bằng cách đo nhiệt độ nách. Nếu trẻ sốt nhẹ dưới 38,5 độ C thì thực hiện chườm chán, nách, bẹn trẻ bằng nước ấm hoặc sử dụng miếng dán hạ sốt, cho trẻ uống nhiều nước, mặc quần áo thoáng. Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ thì cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ. Trường hợp sốt cao kéo dài, đáp ứng hạ sốt kém cần đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ hỗ trợ.
– Theo dõi vùng tiêm: Vùng tiêm có thể bị đau, sưng hoặc đỏ sau khi tiêm chủng. Tình trạng này thông thường sẽ tự thuyên giảm mà không cần điều trị đặc biệt. Tuy nhiên cha mẹ vẫn cần chú ý quan sát và theo dõi thường xuyên nếu thấy quầng đỏ lan rộng, cứng, nóng, hãy liên hệ với bác sĩ ngay. Lưu ý không chạm, đè vào vùng tiêm, không đắp bất cứ thứ gì lên vùng tiêm. Nếu sưng, nóng, đỏ đau ở vị trí tiêm gây khó chịu có thể chườm lạnh bằng khăn sạch.
– Theo dõi các triệu chứng khác: Ngoài sốt và đau vùng tiêm, cha mẹ cũng cần quan sát các triệu chứng khác như đau đầu, đau cơ, ho, nôn mửa, và các triệu chứng khác có thể gặp sau khi tiêm chủng. Nếu các triệu chứng này kéo dài quá lâu hoặc trở lên dữ dội cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay, đặc biệt là các phản ứng phụ nghiêm trọng.
Việc tiêm chủng là một biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe của trẻ em. Sau khi tiêm chủng, sức khỏe của trẻ cần được theo dõi sát sao để phát hiện và xử lý kịp thời các biến chứng có thể xảy ra. Hy vọng thông tin trong bài viết sẽ giúp cha mẹ có thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe của con em mình sau khi tiêm chủng.
Tại phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI, trẻ em sau tiêm chủng sẽ được theo dõi sau tiêm đầy đủ tại cơ sở và được hướng dẫn chi tiết về theo dõi cũng như xử trí tác dụng phụ tại nhà giúp đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ. Bên cạnh đó sau tiêm chủng nếu như trẻ có bất cứ biểu hiện nào cần tư vấn bố mẹ có thể liên hệ tới Phòng tiêm chủng TCI để được hỗ trợ.