(Dân trí) – Đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc TCI trong tình trạng 2 mắt nhìn mờ, xung quanh lúc nào cũng lởn vởn sương mù,…sau thăm khám, bệnh nhân V.C.T (60 tuổi, Hà Nội), được chẩn đoán mắc đục thủy tinh thể độ 3, có chỉ định phẫu thuật 2 mắt.
Menu xem nhanh:
Nguy cơ mất thị lực vì mắc đồng thời 3 bệnh lý nhãn khoa nguy hiểm
Gặp tình trạng 2 mắt nhìn mờ, xung quanh lúc nào cũng lởn vởn sương mù, mắt phải thỉnh thoảng căng tức và nhìn vật phát sáng thấy có quầng xanh đỏ, mắt trái chập chờn nhiều hình ảnh vô định trôi nổi,… bệnh nhân V.C.T (60 tuổi, Hà Nội) đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc TCI thăm khám.
Tại Thu Cúc TCI, thông qua các bước khám lâm sàng và cận lâm sàng, bệnh nhân T. được bác sĩ CKII Nguyễn Thị Xuân Loan – Phó khoa Khám bệnh, phụ trách chuyên khoa Mắt chẩn đoán xác định mắc đục thủy tinh thể độ III, có chỉ định phẫu thuật cả 2 mắt. Tuy nhiên, ngoài đục thủy tinh thể độ III cả 2 mắt, ông T. còn bị tăng nhãn áp mắt phải và vẩn đục dịch kính mắt trái.
Nói về trường hợp của bệnh nhân V.C.T, bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Loan cho biết: “Đục thủy tinh thể của bệnh nhân V.C.T đã vào giai đoạn 3 – giai đoạn nguy hiểm. Ở giai đoạn này, nhân thủy tinh thể của bệnh nhân đã cứng và chuyển từ không màu sang màu hổ phách. Đục thủy tinh thể giai đoạn 3 có thể khiến bệnh nhân V.C.T mất hoàn toàn thị lực, nếu không được điều trị kịp thời. Tại thời điểm thăm khám, bệnh nhân chỉ có thể thực hiện đếm ngón tay dưới 1m”.
Cũng theo bác sĩ Loan, bệnh nhân V.C.T không giống những bệnh nhân đục thủy tinh thể khác, ngoài đục thủy tinh thể, bệnh nhân còn tăng nhãn áp và vẩn đục dịch kính. Tăng nhãn áp là tình trạng áp suất thủy dịch trong mắt tăng cao bất thường, chèn ép các dây thần kinh thị giác, khiến chúng tổn thương, từ đó thị lực suy giảm.
Còn vẩn đục dịch kính là tình trạng vật chất cấu tạo dịch kính, vì một hay nhiều yếu tố bất lợi nào đó, không phân bố đồng đều mà tập trung thành cụm. Tăng nhãn áp là nguyên nhân gây mất thị lực vĩnh viễn cao thứ hai, chỉ sau đục thủy tinh thể. Vẩn đục dịch kính mặc dù không phải là một bệnh lý nguy hiểm, vẫn có thể gây bong, rách võng mạc trong một số trường hợp.
“Tăng nhãn áp và vẩn đục dịch kính tồn tại đồng thời cùng đục thủy tinh thể, làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của tình trạng suy giảm thị lực, đặt thị lực của bệnh nhân V.C.T vào thế ngàn cân treo sợi tóc”, bác sĩ Loan nhấn mạnh.
“Giải cứu” đôi mắt đục thủy tinh thể độ III bằng phẫu thuật Phaco
Sau khi đánh giá và nghiên cứu kỹ lưỡng tình trạng của bệnh nhân V.C.T, bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Loan chỉ định bệnh nhân cần phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco.
Theo bác sĩ Loan, Phaco là phương pháp phẫu thuật sử dụng một đầu dò phát sóng siêu âm, được gọi là Phaco tip, để phá vỡ và hút sạch thủy tinh thể bị đục. Sau khi thủy tinh thể đục bị phá vỡ và được hút sạch, chuyên gia nhãn khoa sẽ thay thế bằng một ống kính nội nhãn, giúp thị lực bệnh nhân phục hồi.
Phaco là phương pháp phẫu thuật đục thủy tinh thể tân tiến, với nhiều ưu điểm như: thời gian phẫu thuật ngắn; bệnh nhân không đau, không chảy máu, không biến chứng sau mổ; đường mổ gọn, không cần khâu, giảm tổn thương mắt; bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày; thị lực bệnh nhân phục hồi sau 24 giờ;…
Trường hợp bệnh nhân V.C.T, chưa đến 20 phút, bằng phẫu thuật Phaco, bác sĩ chuyên khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc TCI đã thành công “giải cứu” bệnh nhân khỏi đục thủy tinh thể độ III.
“Sau phẫu thuật, bệnh nhân V.C.T chỉ cần lưu viện 4 giờ, tái khám một ngày sau phẫu thuật, thị lực cả hai mắt bệnh nhân hồi phục tốt, tình trạng nhìn mờ và lởn vởn sương mù được cải thiện gần như hoàn toàn”, bác sĩ Loan cho hay.
Tại Việt Nam, đục thể thủy tinh là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa. Để bảo vệ bản thân trước đục thủy tinh thể, bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Loan khuyến cáo bệnh nhân nên thăm khám để kịp thời được phát hiện và điều trị đục thủy tinh thể, nếu bệnh nhân có các biểu hiện bất thường như mắt mờ, nhức, chói lóa kéo dài,…
Nguồn bài viết: https://dantri.com.vn/suc-khoe/thap-sang-doi-mat-tang-nhan-ap-duc-thuy-tinh-the-nang-20230625152238272.htm