Thăm khám và điều trị ngay khi thấy dấu hiệu tăng nhãn áp

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Vũ Thị Hải Yến

Phó giám đốc Bệnh viện, phụ trách chuyên khoa Mắt

Tăng nhãn áp là bệnh về mắt có thể xuất hiện ở bất kỳ ai nhưng hầu hết thường xảy ra ở đối tượng từ độ tuổi trung niên trở lên. Bệnh lý này là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh mù lòa ở những người có bệnh về mắt. Mặc dù có biến chứng nguy hiểm nhưng nếu người bệnh chủ động đi khám và tiếp nhận điều trị ngay khi nhận thấy dấu hiệu tăng nhãn áp thì các nguy cơ biến chứng sẽ giảm đi đáng kể.

1. Bệnh lý tăng nhãn áp mắt là gì?

dấu hiệu tăng nhãn áp

Sự tác động của tăng nhãn áp đối với dây thần kinh thị giác

Tăng nhãn áp có rất nhiều tên gọi như Glocom, bệnh cườm nước hoặc phổ biến nhất là cái tên thiên đầu thống. Tên gọi tăng nhãn áp thể hiện rất rõ đặc điểm bệnh – là tình trạng tăng áp suất trong nhãn cầu do vấn đề ở dịch kính, khiến cho tế bào thần kinh thị giác bị tổn thương, từ đó có thể dẫn đến biến chứng hỏng mắt, mất thị lực.

Thông thường, các dây thần kinh thị giác này có nhiệm vụ gửi tín hiệu hình ảnh lên não để tạo ra hình ảnh cụ thể mà chúng ta vẫn thường nhìn thấy được. Tuy nhiên, khi những dây thần kinh này bị tác động và không thể hoạt động bình thường thì khả năng quan sát, thu thập hình ảnh của mắt cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Nghiêm trọng bệnh có thể dẫn đến tình trạng mất thị lực hoàn toàn.

Tăng nhãn áp được Y khoa Việt Nam phân chia thành hai nhóm chính là:

– Glocom nguyên phát: Là phân loại chiếm tỷ lệ lớn ở người mắc tăng nhãn áp. Thông thường, khi bị cườm nước nguyên phát, người bệnh sẽ thuộc một trong hai dạng là glocom góc đóng nguyên phát hoặc góc mở nguyên phát.

– Glocom thứ phát: Đây là phân loại khi bệnh khởi phát do cơ thể có những rối loạn toàn thân hoặc rối loạn liên quan đến mắt. Điển hình như là tăng nhãn áp do mắt bị tổn thương, bệnh về thể thủy tinh hoặc viêm màng bồ đào.

2. Dấu hiệu tăng nhãn áp khác nhau ở từng phân loại

Theo chia sẻ của bác sĩ, bệnh lý glocom có các biểu hiện rất đa dạng, không chri khác nhau ở từng bệnh nhân mà còn khác nhau tùy theo từng thể bệnh mắc phải. Do đó, để dễ dàng hơn trong chẩn đoán và điều trị, các chuyên gia và bác sĩ thường phân biệt từng thể bệnh theo những dấu hiệu đặc trưng riêng.

2.1. Dấu hiệu tăng nhãn áp góc đóng cơn cấp

Bệnh nhân mắc phải thể glocom góc đóng cơn cấp thường xuất hiện những bất thường liên quan đến mắt xảy ra một cách đột ngột như:

– Bị đau mắt dữ dội, cơn đau đến bất ngờ và dần lan tỏa từ mắt lên phần đỉnh đầu.

– Tầm quan sát ngày một giảm sút, có những lúc chỉ nhìn thấy sự vật một cách mờ mờ hoặc đôi khi mất thị giác hoàn toàn.

– Nhìn thấy những vòng xanh, đỏ khi đối diện với những vật phát ra ánh sáng mạnh.

– Nhãn cầu mắt có cảm giác ngày một căng cứng hơn.

– Thường xuyên chảy nước mắt nhiều đi kèm đỏ mắt và cảm thấy mi mắt nặng nề.

– Cảm thấy đau nhức mắt mỗi khi tiếp xúc với ánh nắng nên hình thành nỗi sợ ánh sáng chói.

– Có những triệu chứng toàn thân như đau bụng, tiêu chảy, nôn ói, toát mồ hôi,… Những dấu hiệu này không liên quan đến mắt mà thường gây nhầm lẫn với cảm nên thường chủ quan không thăm khám nên càng làm tăng nguy cơ mù lòa.

2.2. Dấu hiệu tăng nhãn áp góc đóng bán cấp

Những triệu chứng đặc trưng của glocom thể góc đóng bán cấp cũng gần như tương tự với thể góc đóng cơn cấp. Tuy nhiên, ở thể bán cấp mức độ của các triệu chứng thường có phần nhẹ hơn nhưng mức độ nặng sẽ tăng dần theo thời gian.

Chính vì đặc điểm đó của thể này mà nhiều bệnh nhân ỷ lại, kéo dài thời gian đi khám bệnh và chậm trễ trong việc chữa trị, khiến việc điều trị trở nên khó khăn mà kết quả không tối ưu.

2.3.Dấu hiệu tăng nhãn áp góc đóng mạn tính

Thể tăng nhãn áp này rất hiếm người mắc và không có nhiều biểu hiện đặc trưng. Do đó, phần lớn những bệnh nhân được chẩn đoán bệnh đều rơi vào tình trạng bệnh đã tiến triển sang giai đoạn nặng với những triệu chứng điển hình như bị giảm sút thị lực nặng, gần như không còn nhìn thấy mọi vật.

2.4. Dấu hiệu tăng nhãn áp góc mở

Glocom góc mở là một thể khá nặng trong số các loại của bệnh lý này bởi sự tiến triển bệnh âm thầm và hầu như không gây nên bất kỳ biểu hiện bất thường nào.

dấu hiệu tăng nhãn áp

Đau mắt hoặc nhức đầu khi quan sát là biểu hiện thường gặp ở glocom góc mở

Theo các bác sĩ nhãn khoa, hầu hết những bệnh nhân mắc thể tăng nhãn áp này đều không có biểu hiện thường gặp là đau mắt hoặc nhức đầu. Một số trường hợp bệnh nhân chỉ cảm thấy hơi nặng mắt hơn bình thường, nhìn sự vật mờ như thông qua màn sương. Tuy nhiên, những dấu hiệu tăng nhãn áp này chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn rồi tự động biến mất nên người bệnh thường không quan tâm nhiều.

Đây chính là nguyên do dẫn đến tình trạng chỉ khi bệnh đã chuyển biến nặng nề, gây ảnh hưởng đến thị lực một cách nghiêm trọng thì bệnh nhân mới nhận biết và bắt đầu thăm khám, chẩn đoán.

3. Các giải pháp điều trị bệnh

Do bệnh tăng nhãn áp có nhiều phân loại khác nhau cùng các triệu chứng khác nhau nên phương pháp điều trị tăng nhãn áp cũng khác nhau ở tùng thể bệnh. Để điều trị chính xác và hiệu quả, giảm thiểu các biểu hiện bệnh, các bác sĩ cần kiểm tra kĩ để xác định đúng thể bệnh của từng bệnh nhân, từ đó mới có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả. Cụ thể như:

3.1. Glocom góc đóng cơn cấp

Do tính chất nghiêm trọng của thể bệnh này nên bệnh nhân bị glocom góc đóng cơn cấp cần được hạ nhãn áp ngay lập tức. Đồng thời, người bệnh cũng cần được hỗ trợ biện pháp y tế để an thần và giảm bớt tình trạng đau mắt, đau đầu hay buồn nôn như: tra thuốc trực tiếp vào mắt, uống thuốc hoặc tiêm tĩnh mạch cho người bệnh không có khả năng uống thuốc do nôn ói nhiều.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp điều trị tức thời chứ không thể chữa khỏi tăng nhãn áp góc đóng cơn cấp hoàn toàn. Do đó, dựa vào tình trạng bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị riêng cho phù hợp. Hiện tại, có một số phương pháp mổ điều trị tăng nhãn áp phổ biến, có mức độ an toàn và hiệu quả cao gồm:

– Mổ cắt bè củng giác mạc mắt: Một phần bè củng của giác mạc và một phần mống mắt được cắt để tạo hình đường dẫn thủy dịch ra ngoài, giúp hạ áp suất bên trong mắt về mức cân bằng.

– Mổ cấy ghép ống thoát thủy dịch: Một chiếc ống với chiều dài tầm 1 – 1.3 cm bằng silicon được cấy vào mắt bệnh để dẫn thủy dịch ra ngoài.

dấu hiệu tăng nhãn ăp

Sử dụng tia laser tạo lỗ giác mạc sẽ giúp giảm áp lực tại nhãn cầuSử dụng tia laser tạo lỗ giác mạc sẽ giúp giảm áp lực tại nhãn cầu

– Bắn laser tạo lỗ bè giác mạc: Mục đích bắn laser để tạo lỗ nhỏ là mở đường cho thủy dịch thoát ra ngoài. Ở phương pháp này, bệnh nhân chỉ mất khoảng 15 – 20 phút để thực hiện mà hiệu quả và độ an toàn rất cao.

3.2. Đối với cườm nước góc mở

Những trường hợp người bệnh bị glocom góc mở thường bác sĩ kê thuốc uống điều trị để hạ nhãn áp và giảm mức độ tổn hại xuống thấp nhất có thể đối với thị thần kinh. Tuy nhiên, để đạt kết quả chữa trị tối ưu như ý muốn, bệnh nhân cần phải uống thuốc và chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu điều trị nội khoa không đem lại kết quả khả quan thì phẫu thuật sẽ là lựa chọn cuối cùng có thể ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.

Với những thông tin chia sẻ trong bài viết này, hy vọng mọi người sẽ có cái nhìn đầy đủ hơn về dấu hiệu tăng nhãn áp, đồng thời quan tâm nhiều hơn đến những biến đổi dù nhỏ nhất của mắt nói riêng và cơ thể nói chung. Việc nhận biết dấu hiệu tăng áp suất nhãn cầu và chẩn đoán sớm sẽ giúp gia tăng tỷ lệ điều trị bệnh thành công.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital