Viêm màng bồ đào mắt là bệnh lý nhãn khoa khởi phát do nhiều nguyên nhân, có khả năng diễn biến đến nhiều biến chứng (trong đó biến chứng nguy hiểm nhất là mù lòa) và rất dễ tái phát. Vậy, cụ thể thì viêm màng bồ đào là bệnh lý gì và điều trị như thế nào? Tìm hiểu thông tin cụ thể về bệnh lý này trong bài viết sau cùng Thu Cúc TCI, bạn nhé!
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm, phân loại và đặc điểm viêm màng bồ đào
Màng bồ đào là một bộ phận của mắt, bao gồm 3 thành phần chính là mống mắt nằm phía trước, thể mi nằm ở giữa và màng mạch hay còn gọi là hắc mạc nằm phía sau. Viêm màng bồ đào là bệnh lý mà trong đó, do một nguyên nhân nào đó một thành phần của màng bồ đào bị viêm nhiễm. Dựa vào thành phần bị tổn thương, viêm màng bồ đào được phân loại thành 3 dạng là:
– Viêm màng bồ đào trước: Mống mắt và thể mi bị tổn thương.
– Viêm màng bồ đào trung gian.
– Viêm màng bồ đào sau: Hắc mạc và có thể là cả võng mạc bị tổn thương.
Cả 3 dạng của bệnh lý viêm màng bồ đào đều có 6 đặc điểm sau: Tỷ lệ mắc cao, tuổi tác không phải là yếu tố nguy cơ (tức bệnh có thể xuất hiện ở cả người trẻ lẫn người lớn tuổi), không lây nhiễm, căn nguyên phức tạp, biến chứng nguy hiểm và dễ tái phát.
2. Nguyên nhân viêm màng bồ đào
Viêm màng bồ đào có thể phát sinh do nhiều nguyên nhân. Theo đó, một số nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh lý này có thể kể đến là:
– Viêm nhiễm: Màng bồ đào bị tấn công bởi các tác nhân có khả năng gây viêm nhiễm như vi khuẩn (Tụ cầu, liên cầu, lậu cầu, trực khuẩn mủ xanh,…), virus Herpes, nấm Candida Albicans hay ký sinh trùng Toxoplasma Gondii,….
– Nhiễm độc: Có thể từ thức ăn hoặc hóa chất hoặc các nguồn khác.
– Bệnh tự miễn: Cơ thể bệnh nhân sản xuất kháng thể chống màng bồ đào
– Chấn thương cơ học trực tiếp ở mắt: Chấn thương xuyên, chấn thương đụng đập,…
– Viêm thứ phát sau những bệnh lý toàn thân: Như Collagenose, bệnh da liễu, Sarcoidose, bệnh Behcet, bệnh máu.
– Nguyên nhân khác chưa rõ
3. Triệu chứng viêm màng bồ đào
Chúng ta có thể nhận diện viêm màng bồ đào mắt thông qua các dấu hiệu sau: Mắt đỏ, đau âm ỉ, nhạy cảm với ánh sáng, chảy nước liên tục; nhìn mờ, cảm giác mọi vật như bị bao phủ bởi một màn sương hoặc nhìn thấy nhiều bóng đen lững lờ trôi trước mắt như ruồi muỗi bay.
Tuy nhiên, trên thực tế, tồn tại một số trường hợp viêm màng bồ đào phát triển âm thầm, tức là bệnh không có dấu hiệu lâm sàng rõ ràng và chỉ được phát hiện khi bệnh nhân thăm khám định kỳ với chuyên gia nhãn khoa.
4. Biến chứng viêm màng bồ đào
Như thông tin phía trên, viêm màng bồ đào là một bệnh lý nhãn khoa có khả năng tiến triển đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, biến chứng nào cũng ảnh hưởng tiêu cực một cách mạnh mẽ đến thị lực:
– Tăng nhãn áp: Là một biến chứng có tỷ lệ xuất hiện rất lớn của viêm màng bồ đào. Cơ chế sinh biến chứng này là: Trong một đợt viêm màng bồ đào cấp, đồng tử hoặc một góc tiền phòng bị nghẽn do tăng sinh, tăng tiết dịch, từ đó dẫn đến tăng nhãn áp.
– Đục thủy tinh thể: Thường gặp ở viêm màng bồ đào trước mạn tính (viêm mống mắt thể mi mạn tính); cũng có thể gặp do điều trị viêm màng bồ đào bằng corticoid kéo dài.
– Phù hoàng điểm dạng nang: Thường gặp ở viêm màng bồ đào trung gian hoặc viêm màng bồ đào sau (viêm hắc mạc).
– Teo nhãn cầu: Xảy ra khi thể mi giảm tiết dịch không phục hồi do viêm nặng thời gian dài.
– Tổ chức hóa dịch kính
– Bong dịch kính
– Bong võng mạc
5. Chẩn đoán và điều trị bệnh lý viêm màng bồ đào
5.1. Chẩn đoán viêm màng bồ đào mắt
Ngay khi các dấu hiệu bất thường phía trên xuất hiện, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế uy tín gần nhất lập tức để được chuyên gia thăm khám và điều trị. Việc thăm khám để chẩn đoán viêm màng bồ đào có thể bao gồm các hạng mục sau:
– Thăm khám bằng bảng đo thị lực,
– Thăm khám bằng đèn soi đáy mắt và đèn khe sinh hiển vi,
– Kiểm tra nhãn áp.
Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể sẽ cần phải thực hiện thêm các khảo sát khác, đặc biệt là trong trường hợp:
– Chuyên gia nhãn khoa nghi ngờ ở bệnh nhân có các vấn đề tiềm ẩn,
– Bệnh nhân từng viêm màng bồ đào trước đây,
– Đợt viêm màng bồ đào lần này nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng đến cả 2 mắt.
Các khảo sát thêm này có thể là: Chụp cắt lớp đáy mắt, xét nghiệm máu, chụp X-quang.
5.2. Điều trị viêm màng bồ đào mắt
Thăm khám kết thúc, nếu bệnh nhân được chẩn đoán xác định bị viêm màng bồ đào, chuyên gia sẽ tiến hành điều trị. Việc điều trị này bao gồm 2 mục tiêu: Thứ nhất là hạn chế triệu chứng bệnh và thứ hai là kiểm soát nguyên nhân bệnh. Cụ thể, phụ thuộc mức độ bệnh, viêm màng bồ đào có thể được điều trị bằng một trong hai phương pháp sau:
5.2.1. Điều trị nội khoa
Với viêm màng bồ đào trước, bệnh nhân cần phải được nhỏ Atropin làm giãn đồng tử để hạn chế nguy cơ đồng tử dính. Sử dụng Atropin kịp thời, hiệu quả điều trị viêm màng bồ đào trước đã đạt 70%.
Còn với viêm màng bồ đào nói chung, thuốc được kê đơn cho bệnh nhân sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân bệnh. Thường thì chúng sẽ là: Thuốc chống viêm Steroid dạng uống, dạng nhỏ, dạng tiêm; thuốc điều trị nhiễm trùng (chủ yếu là thuốc kháng sinh); thuốc kháng virus;…
5.2.2. Điều trị ngoại khoa
Trường hợp viêm màng bồ đào nặng, diễn biến trầm trọng hoặc tái phát nhiều lần, điều trị nội khoa không hiệu quả, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật. Các phẫu thuật được thực hiện chủ yếu là để cải thiện biến chứng viêm màng bồ đào: Phẫu thuật thay thủy tinh thể, phẫu thuật điều trị tăng nhãn áp, phẫu thuật cắt dịch kính, phẫu thuật điều trị bong võng mạc,…
Phía trên là toàn bộ thông tin về bệnh lý viêm màng bồ đào mắt, bao gồm: Khái niệm, phân loại, đặc điểm, nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, biến chứng và chẩn đoán – điều trị. Hy vọng rằng với chúng, bạn sẽ không bao giờ phải đối diện với nguy cơ suy giảm thị lực vì viêm màng bồ đào. Nếu còn vấn đề chưa rõ, liên hệ Thu Cúc TCI để được giải đáp cụ thể, bạn nhé!