Tăng áp lực nội sọ là một biến chứng nặng gặp ở bệnh nhân đột quỵ (tai biến mạch máu não). Người bệnh đột quỵ có kèm tăng áp lực nội sọ có tỷ lệ tử vong cao, vì vậy cần được cấp cứu để xử trí kịp thời, làm giảm áp lực nội sọ cho bệnh nhân. Cùng tìm hiểu về tăng áp lực nội sọ – biến chứng của đột quỵ trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Thế nào được gọi là tăng áp lực nội sọ?
Áp lực bên trong nội sọ ở người bình thường là dưới 15 mgHg. Tăng áp lực nội sọ bệnh lý là khi áp lực nội sọ trên 20 mgHg.
Áp lực nội sọ từ 20-30 mmHg được xem là tăng áp lực nội sọ nhẹ.
Áp lực nội sọ tăng hơn 40 mmHg kéo dài là tình trạng đe dọa tính mạng.
2. Các nguyên nhân gây tăng áp lực nội sọ trong tai biến
2.1 Có khối máu tụ trong sọ – biến chứng của đột quỵ
Sự va đập do chấn thương hoặc bất thường trong hộp sọ hình thành khối máu tụ trong não là nguyên nhân gây tăng áp lực nội sọ. Mức độ áp lực nội sọ phụ thuộc vào tính chất hình thành nhanh và thể tích của khối máu tụ. Thường gặp ở người bệnh mắc các bệnh như xuất huyết dưới nhện, xuất huyết não, xuất huyết não – não thất.
2.2 Liệt mạch (rối loạn vận mạch)
Sự rối loạn vận mạch có thể tại chỗ, xung quanh vùng tổn thương hoặc ở toàn bộ não, gây phù não lan tỏa. Phù não và giãn mạch não là nguyên nhân lan rộng và thứ phát các tổn thương ban đầu.
2.3 Phù não – biến chứng của đột quỵ
Là tình trạng tăng thể tích của não do tăng thành phần nước trong não. Phù não sẽ làm giảm tỷ trọng của não trên phim chụp cắt lớp vi tính sọ não. Phần não bị phù chủ yếu là phần chất trắng (chiếm khoảng 68% não), còn phần chất xám ít khi bị phù do bản chất đặc hơn.
Phù não có thể có các dạng sau:
Phù não do mạch máu: là tình trạng tổn thương hàng rào máu não khiến huyết tương thoát ra khỏi khoảng kẽ của não.
Phù não do nhiễm độc tế bào: não thiếu oxy làm mất hiệu lực của bơm natri trong tế bào. Khi natri bị ứ đọng nhanh sẽ kéo theo nước vào trong tế bào.
Phù não do áp lực thủy tĩnh: sự gia tăng huyết áp động mạch và giãn động mạch não gây áp lực thủy tĩnh làm phù não.
Các dạng khác: sự chênh lệch áp lực thẩm thấu huyết thanh và áp lực thẩm thấu trong não sau khi truyền nhiều dịch đường ưu trương. Phù kẽ do dịch não tủy ngấm qua thành não thất vào khoảng kẽ khi có tắc tuần hoàn dịch não tủy.
3. Hậu quả tăng áp lực nội sọ – biến chứng của đột quỵ
3.1 Làm giảm hoặc ngừng dòng máu tới não
Khi áp lực nội sọ tăng bằng huyết áp động mạch trung bình, khi đó tuần hoàn não sẽ bị ngừng giống như trong ngừng tim. Nếu áp lực nội sọ cao hơn huyết áp động mạch trung bình trong khoảng từ 5-10 phút lúc đó não có thể coi như đã chết. Với những bệnh nhân có chấn thương sọ não nặng, áp lực nội sọ tăng cao kéo theo tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân này cũng cao.
3.2 Gây chèn ép và thoát vị não
Tăng áp lực nội sọ khiến tế bào não bị chèn ép, dễ dẫn đến thoát vị não. Phần não bị thoát vị có thể là hồi hải mã, phần trong và nền của thùy thái dương, tiểu não.
Khi não bị thoát vị có thể gây các biến chứng như cản trở hoặc đứt tuần hoàn dịch não tủy, giãn đồng tử, liệt nửa người, mất não, tử vong.
4. Điều trị tăng áp lực nội sọ ở bệnh nhân tai biến mạch máu não
4.1 Biện pháp điều trị chung khi bị tăng áp lực nội sọ – biến chứng của đột quỵ
Truyền dịch
An thần
Kiểm soát huyết áp
Tư thế bệnh nhân
Kiểm soát thân nhiệt
Thuốc chống động kinh
4.2 Điều trị đặc hiệu tăng áp lực nội sọ – biến chứng của đột quỵ
Tìm ra nguyên nhân gây tăng áp lực nội sọ và giải quyết nguyên nhân là phương pháp tốt nhất để điều trị tăng áp lực nội sọ.
Các biện pháp điều trị đặc hiệu như: lợi tiểu, glucocorticoide, tăng thông khí, barbiturates, hạ thân nhiệt chủ động, dẫn lưu dịch não tủy, mở sọ giảm áp, sử dụng các dung dịch thẩm thấu như mannitol, truyền nhanh Na ưu trương.
5. Các biến chứng nguy hiểm khác của đột quỵ
5.1 Liệt vận động, co cứng cơ
Đây là biến chứng thường gặp nhất (chiếm khoảng 90% các trường hợp đột quỵ não). Người bệnh có thể bị liệt nửa người, liệt tứ chi, liệt mặt, liệt các dây thần kinh, tê bì nửa người, co cứng cơ và đau ở chân – cánh tay,…
Nếu để lâu (bệnh nhân liệt lâu ngày) dễ đối mặt với các biến chứng như cứng khớp, loét các điểm tỳ đè, viêm phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu,…
5.2 Viêm phổi
Bệnh nhân đột quỵ thường gặp khó khăn khi nhai, nuốt do rối loạn chức năng nhai – nuốt. Điều này dẫn đến mất khả năng kiểm soát ở miệng và họng khiến người bệnh dễ bị ho, sặc thức ăn đồ uống dẫn tới viêm phổi hít.
Viêm phổi ở bệnh nhân tai biến còn có thể do người bệnh không thể di chuyển phải nằm một chỗ lâu ngày.
5.3 Rối loạn ngôn ngữ
Tổn thương ở não gây ảnh hưởng tới chức năng ngôn ngữ (rối loạn ngôn ngữ). Người bệnh đột quỵ thường nói ngọng, nói lắp, thay đổi âm điệu, gặp khó khăn khi diễn đạt. Một số trường hợp còn mất khả năng đọc và viết.
5.4 Động kinh, rối loạn co giật
Do não bị tổn thương dễ gây tình trạng rối loạn co giật và động kinh.
5.5 Suy giảm nhận thức, sa sút trí tuệ
Người bệnh hay quên, lú lẫn, mất chức năng lập kế hoạch, phán đoán, định hướng không gian – thời gian, không nhận ra người thân, …
5.6 Đau đầu mạn tính
Nhất là đối với người bệnh bị đột quỵ thể xuất huyết não dễ bị đau đầu kéo dài do máu từ vị trí xuất huyết gây ảnh hưởng tới não.
5.7 Rối loạn cảm xúc
Những khó khăn về đi lại, giao tiếp, suy luận, khả năng phán đoán, rối loạn giấc ngủ,…. đã gây ra nhiều cản trở cho bệnh nhân. Điều này khiến người bệnh khó có thể kiểm soát cảm xúc, dễ thay đổi về tâm lý – tinh thần, lâu ngày dễ phát triển thành trầm cảm.
5.8 Rối loạn đại tiểu tiện, nhiễm trùng đường tiểu
Việc nằm lâu một chỗ, hạn chế đi lại và các hoạt động sinh hoạt cá nhân cũng bị hạn chế khiến bệnh nhân đột quỵ dễ đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu. Ngoài ra, sự rối loạn cơ vòng dễ khiến bệnh nhân bị rối loạn đại tiểu tiện.
5.9 Huyết khối tĩnh mạch sâu
Huyết khối tĩnh mạch sâu hay còn gọi là cục máu đông – đây là một biến chứng của đột quỵ cần phải thận trọng. Bởi nếu chúng vỡ ra và di cuyển trong máu đến các cơ quan khác như phổi, não, sẽ gây thuyên tắc phổi, đột quỵ nhồi máu não đe dọa đến tính mạng.