Tai biến nhẹ: Triệu chứng và những nguy cơ tiềm ẩn

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Dựa vào mức độ của bệnh, các chuyên gia chia tai biến mạch máu não thành 2 dạng: tai biến nhẹ và tai biến nặng. Tuy tai biến mạch máu não nhẹ chưa gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh ngay nhưng có thể dẫn tới cơn tai biến thực sự trong tương lai. Cùng tìm hiểu về tai biến mạch máu não nhẹ và cách điều trị, phòng ngừa.

1. Tai biến mạch máu não nhẹ là bệnh gì?

Tai biến mạch máu não là tình trạng não bị ngừng hoặc gián đoạn cung cấp máu, dẫn đến tổn thương tế bào não ở các mức độ khác nhau. 

Dựa vào mức độ tổn thương của não do tai biến, người ta chia ra tai biến máu não thành các dạng:

–  Tai biến mạch máu não nặng: Là tình trạng tắc hẹp hoặc vỡ ở những mạch nằm sâu trong não, ở vị trí quan trọng và phức tạp, diện tắc hẹp lớn hoặc ổ xuất huyết lớn, lượng máu chảy nhiều gây thiếu máu trầm trọng và đột ngột.

– Tai biến mạch máu não nhẹ: Là tình trạng mạch máu não bị vỡ hoặc tắc nghẽn ít hoặc ở gần vỏ não. Đây là vùng não lân cận kiểm soát ít chức năng hơn và dễ can thiệp. Tình trạng tai biến nhẹ cũng có thể xảy ra do xuất huyết các mạch máu não nhỏ, máu chỉ rò rỉ một phần.

Tai biến nhẹ hay còn được gọi là đột quỵ nhẹ, thiếu máu não thoáng qua. Ở dạng tai biến này, các triệu chứng thường nhẹ, người bệnh hồi phục nhanh, trong khoảng vài phút đến vài giờ và không để lại di chứng yếu liệt. Tuy nhiên, người bệnh không nên chủ quan vì đây vẫn là một trong những yếu tố có nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ não thực sự, đồng thời làm tăng tỷ lệ tái phát và tử vong trong những năm đầu sau tai biến.

Tai biến nhẹ là tình trạng gì?

Theo mức độ bệnh, tai biến mạch máu não được chia thành 2 dạng chính là tai biến nặng và nhẹ.

2. Dấu hiệu tai biến nhẹ nên cảnh giác

Các triệu chứng của tai biến mạch máu não thể nhẹ thường mơ hồ và diễn ra nhanh chóng. Tùy từng trường hợp mà các triệu chứng xuất hiện có thể khác nhau, gồm một hoặc một số triệu chứng dưới đây:

– Đau nhức đầu đột ngột và dữ dội

– Chóng mặt, choáng váng, ù tai bất thường 

– Đột ngột thấy yếu chân và đứng không vững

– Không thể cầm nắm chắc đồ vật, cảm thấy khó khi nhặt lại đồ vật đã rơi, để rơi đồ vật mà không hay biết, một lúc sau mới sực nhớ và nhặt lên

– Rối loạn ngôn ngữ đột ngột, bao gồm nói ngọng, nói khó nghe, khó hiểu, đang nói thì ngưng lại. Triệu chứng này có thể chỉ xảy ra trong ít phút nhưng cũng có thể kéo dài cả ngày, sau đó là cơn tai biến nghiêm trọng khiến người bệnh không còn khả năng phát ngôn.

– Đột nhiên cảm giác tê ở đầu ngón tay, như kim châm, kiến đốt ở chân và nửa thân trên

– Đột ngột mất định hướng về không gian và thời gian trong vài phút, thậm chí là vài giờ

– Mất khả năng nghe hoặc quên lãng trong một khoảng thời gian ngắn

– Trong khoảng vài giây, người bệnh có thể mất thị lực hoàn toàn hoặc một phần, ở một hoặc hai bên mắt.

3. Biến chứng của tai biến mạch máu não nhẹ có nguy hiểm không?

Khi bị tai biến nhẹ, bệnh nhân thường sẽ nhanh chóng tự hồi phục dẫn đến chủ quan không thăm khám sớm. Tuy nhiên, nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời, tai biến nhẹ có thể tiềm ẩn những biến chứng sau:

– Trở thành tai biến thực sự: Các nghiên cứu cho thấy khoảng 10-15% người bị tai biến mức độ nhẹ sẽ bị đột quỵ trong vòng 3 tháng. 50% trong số đó, cơn đột quỵ thực sự xảy ra chỉ trong vòng 48 giờ sau khi bị tai biến nhẹ.

– Hôn mê: Thiếu máu não cục bố diễn biến nặng có thể khiến người bệnh hôn mê.

– Các di chứng khác: Đột quỵ nhẹ không được điều trị có thể dẫn đến các di chứng nguy hiểm và nặng nề như liệt bán thân, mất trí nhớ, rối loạn nhận thức, thậm chí là tử vong.

Ở mức độ nhẹ, tai biến có những triệu chứng gì?

Các triệu chứng đau đầu, giảm thị lực… xuất hiện và biến mất trong một thời gian ngắn là dấu hiệu của cơn tai biến ở mức độ nhẹ.

4. Cách điều trị bệnh tai biến nhẹ

Các chuyên gia khuyến cáo dù cơn tai biến mạch máu não nhẹ không gây tổn thương sau đó, tuy nhiên đây có thể là một dấu hiệu cảnh báo cơn tai biến thực sự có thể xảy ra trong tương lai. Vì thế ngay cả khi thấy các triệu chứng nhẹ kể trên, bệnh nhân cũng cần được cấp cứu. 

Việc xử lý và điều trị phòng ngừa sớm bệnh tai biến sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ đột quỵ thực sự sau này. Việc này đặc biệt có ý nghĩa ở những bệnh nhân có nguy cơ cao như những người trên 60 tuổi, người có tiền sử các bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn ngôn ngữ, có hiện tượng yếu nửa người kéo dài hơn 60 phút.

Phương pháp điều trị chủ yếu cho các trường hợp bị tai biến mạch máu não nhẹ là sử dụng thuốc chống đông máu để làm giảm khả năng liên kết và hình thành cục máu đông. 

Một số loại thuốc khác có thể kết hợp như aggenox, clopidogel, heparin… Tuy nhiên, khi sử dụng các loại thuốc, bệnh nhân lưu ý phải uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh ảnh hưởng từ dược tính mạnh và tác dụng phụ của thuốc.

5. Phòng ngừa tai biến mạch máu não nhẹ trở thành cơn tai biến thực sự

Tai biến mạch máu não nhẹ có thể được cải thiện, từ đó phòng ngừa cơn tai biến thực sự xảy ra. Các biện pháp được khuyến cáo nhằm phòng ngừa đột quỵ gồm:

5.1 Chế độ ăn uống phòng ngừa tai biến nhẹ 

Các thực phẩm cần bổ sung

– Các loại trái cây giàu kali và vitamin C: Các chất này giúp cải thiện chức năng nội mô, ngăn các huyết khối hình thành trong tĩnh mạch, nhờ đó phòng ngừa đột quỵ. Các loại quả điển hình thuộc nhóm này là chuối, cam, bưởi,…

– Các loại ngũ cốc nguyên hạt:  Tiêu biểu là các loại đậu, các loại hạt như hạnh nhân, óc chó,… Chúng có tác dụng ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ. 

– Các loại rau, củ, quả có chứa nhiều chất xơ và axit folic:  Giúp giảm cholesterol, tăng tuần hoàn máu, giúp ngăn ngừa tai biến mạch máu não nhẹ. Các loại rau có màu xanh đậm là điển hình thuộc nhóm này. 

– Chất béo bão hòa: Gồm dầu mè, dầu đậu nành, dầu cá ngừ, cá thu, cá mòi… có tác dụng phòng ngừa hình thành cục máu đông. 

– Các loại gia vị: Gừng, hạt tiêu, tỏi… là các gia vị được khuyến cáo sử dụng để phòng ngừa đột quỵ.

Thực phẩm cần hạn chế

– Các thực phẩm nhiều vitamin K, có thể kể đến như gan, lòng đỏ trứng gà, kiwi, dầu oliu, rau mùi tây, măng tây, dâu tây,…

– Các loại thực phẩm nhiều muối, giàu đạm và chất béo như nội tạng động vật, các loại thịt đỏ,…

Làm thế nào để ngăn đột quỵ nhẹ trở thành tai biến thực sự?

Theo dõi sức khỏe và thay đổi lối sống tích cực giúp ngăn cơn tai biến thực sự.

5.2 Về chế độ vận động phòng ngừa tai biến nhẹ 

Khi bị tai biến mạch máu não thoáng qua, bệnh nhân cần:

– Thường xuyên xoa bóp bắp cơ

– Vận động các khớp tay, chân giúp máu lưu thông, tránh tình trạng bị cứng khớp

– Đổi tư thế nằm với trường hợp bệnh nặng để hạn chế tình trạng viêm loét, nhiễm trùng 

Tóm lại, không thể chủ quan trước tình trạng đột quỵ nhẹ. Khi thấy các dấu hiệu bất thường, người bệnh cần tới gặp bác sĩ sớm để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm. Đồng thời thay đổi các thói quen xấu, duy trì thói quen tốt để cải thiện sức khỏe, phòng tránh đột quỵ não

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital