Tai biến mạch máu não là bệnh thường gặp ở người cao tuổi, dễ gây tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh sau này. Cơn tai biến có thể khiến người bệnh trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đây cũng là một trong ba nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cao nhất hiện nay.
Menu xem nhanh:
1. Tai biến mạch máu não có dấu hiệu gì?
Người bị tai biến mạch máu não thường có biểu hiện rối loạn về chức năng thần kinh như: hôn mê, liệt nửa người, nói đớ, nuốt bị sặc. Các triệu chứng thường xuất hiện nhanh và đột ngột.
Cụ thể:
– Rối loạn về tri giác: lơ mơ, ngủ gà đôi khi là hôn mê, tuy nhiên vẫn có một số trường hợp người bệnh vẫn còn tỉnh táo.
– Rối loạn về vận động: liệt nửa người, đi lại khó khăn (nặng có thể không đi lại được, nhẹ có thể gặp khó khăn khi đi lại như hay bị dớt dép), liệt mặt cùng bên với liệt nửa người, liệt các cơ hầu họng khiến người bệnh nuốt khó, ăn uống dễ bị sặc, thức ăn dễ rơi vào đường hô hấp gây nghẹt thở, viêm phổi dẫn đến tử vong. Bên cạnh đó, người bệnh có thể bị nói khó, không nói được, tiểu tiện không tự chủ.
Dựa vào mức độ tiến triển của bệnh theo thời gian trong khoảng 2 đến 3 tuần, người ta có thể phân biến chứng tai biến mạch máu não thành 5 dạng sau:
– Khỏi hoàn toàn trước 24 giờ: tình trạng này còn được gọi là thiếu máu não cục bộ thoáng qua. Tuy đây không phải là tai biến mạch máu não thực sự nhưng người bị thiếu máu não thoáng qua, nếu không quan tâm đến biện pháp phòng ngừa và điều trị có thể đối mặt với cơn đột quỵ trong tương lai.
– Khỏi hoàn toàn sau 24 giờ bị liệt: trường hợp này được gọi là thiếu máu não có hồi phục.
– Khỏi một phần và di chứng kéo dài.
– Không hồi phục hoặc nặng lên tiếp tục
– Tử vong
– Các rối loạn chức năng này thường tồn tại quá 24 giờ.
Cần kiểm tra để loại trừ nguyên nhân sang chấn thương sọ não để khẳng định chắc chắn rằng người bệnh có phải bị đột quỵ (tai biến mạch máu não) hay không.
2. Nguyên nhân gây tai biến mạch máu não
Để chẩn đoán nguyên nhân gây tai biến mạch máu não cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh. Dựa trên 2 dạng tai biến là nhũn não (thiếu máu não) và chảy máu não (xuất huyết não), bác sĩ sẽ tìm hiểu nguyên nhân gây tai biến.
Về lý thuyết, xuất huyết não hay chảy máu não là do vỡ động mạch ở não. Nguyên nhân có thể do huyết áp cao làm vỡ động mạch não hoặc do vỡ mạch não do dị dạng mạch máu não bẩm sinh. Nhũn não hay đột quỵ do thiếu máu não thường xảy ra do mạch máu não bị tắc nghẽn do nhiều lý do, trong đó nguyên nhân chính là xơ vữa động mạch, ngoài ra có thể do huyết khối (cục máu đông) được hình thành làm tắc nghẽn động mạch máu não.
3. Điều trị tai biến mạch máu não
Tai biến mạch máu não là trường hợp cần được cấp cứu kịp thời. Trong điều trị cấp cứu tai biến mạch máu não các bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh thở oxy, uống thuốc ổn định huyết áp, thuốc chống hiện tượng phù não, cung cấp vitamin và chất khoáng, thuốc chữa các bệnh đi kèm như tiểu đường, viêm phổi. Trong chăm sóc cấp cứu người bị tai biến mạch máu não việc hút đàm nhớt, vỗ lưng để tránh ứ đọng ở phổi, xoay xở chống loét có ý nghĩa rất quan trọng. Bên cạnh đó các bác sĩ còn cân nhắc sử dụng các loại thuốc như thuốc tiêu sợi huyết, phẫu thuật tái thông mạch máu.
4. Lưu ý khi chăm sóc người bị tai biến mạch máu não
4.1 Chăm sóc người bị tai biến mạch máu não cần lưu ý một số vấn đề sau
– Tình trạng liệt cơ hầu họng gây khó khăn khi nuốt, dễ bị sặc khi ăn uống dẫn đến tai biến hít vào phổi. Nếu nhẹ có thể viêm phổi, nặng hơn có thể gây nghẹt đường hô hấp, dẫn đến ngưng thở và tử vong. Trong trường hợp này, bạn nên xay nhỏ thức ăn, xay nhuyễn, lỏng để dễ nuốt nhưng phải nhớ là vẫn phải đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng. Nếu trong trường hợp xay nhuyễn mà vẫn không thể ăn được, bác sĩ sẽ cân nhắc đặt ống ăn từ mũi xuống dạ dày.
– Loét xương cụt: tình trạng này xảy ra nếu người bị tai biến bị liệt vận động phải nằm liệt một chỗ, không tự xoay xở được. Chính vì vậy, người chăm sóc nên xoay trở bệnh nhân thường xuyên để tránh nằm lâu gây hiện tượng loét xương.
– Nhiễm trùng phổi: người bị tai biến nằm nhiều dễ khiến đường bị hạn hẹp không thể hít thở sâu được, cộng với sự tiết nhiều đờm làm cho phổi thường xuyên bị ứ đọng dẫn đến nhiễm trùng. Để hạn chế biến chứng này, người chăm sóc nên cho người bệnh ngồi dậy, nhắc người bệnh hít thở sâu, vỗ lưng để thông đờm rãi.
– Đau khớp vao bên bị liệt: nên cho bệnh nhân ngồi dậy, khi đỡ ngồi thì nâng phía sau cổ không nên kéo tay bên liệt.
4.2 Phục hồi chức năng cho người bệnh tai biến mạch máu não
– Việc phục hồi chức năng cho người bị tai biến mạch máu não có ý nghĩa rất quan trọng, giúp kéo dài sự sống và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, chống teo cơ và cứng khớp tăng sức cơ.
– Phục hồi chức năng gồm các vấn đề chính sau: Nếu người bệnh liệt nặng thì nên tập thụ động tại giường bằng cách cử động các khớp ngón tay, ngón chân, khớp vai, khớp háng (tập mỗi lần từ 15-30 phút, ngày từ 2-3 lần). Nếu người bệnh bị liệt bán phần (vẫn còn cử động được nhưng khó khăn) cần sự trợ giúp cho người bệnh tập bình thường dưới hướng dẫn và sự trợ giúp của người chăm sóc người bệnh hoặc các dụng cụ hỗ trợ. Còn nếu trong trường hợp người bệnh liệt nhẹ, nên khuyên người bệnh tự tập luyện theo hướng dẫn của kỹ thuật viên vật lý trị liệu, sai vài lần tập cho thuần thục sẽ học thêm các bài tập nâng cao hơn.
5. Phòng ngừa tai biến mạch máu não và phòng ngừa tái phát
Nếu bạn đang hút thuốc lá thì nên bỏ ngay vì thuốc là nguy cơ chính gây bệnh mạch máu não dễ dẫn đến tai biến mạch máu não (do hình thành các mảng xơ vữa tích tụ ở thành mạch, cản trở dòng máu nuôi dưỡng não, lâu dần dẫn đến đột quỵ não).
Nếu đang bị bệnh cao huyết áp cần sử dụng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát chỉ số huyết áp về mức ổn định. Vì cao huyết áp cũng là yếu tố nguy cơ làm tăng tốc xơ vữa động mạch, tạo thuận lợi cho tình trạng nhũn não (tai biến mạch máu não do thiếu máu não) xảy ra.
Nếu bị tiểu đường cần điều trị theo đúng phác đồ, tuân thủ sử dụng thuốc và chế độ ăn uống kiêng khem theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để ổn định lượng đường huyết, không để số lượng hồng cầu trong máu quá cao dễ gây tai biến mạch máu não.
Người có yếu tố gia đình có bố/mẹ/người thân bị tai biến mạch máu não nên tầm soát đột quỵ để kịp thời phát hiện, cũng như có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.