Tai biến mạch máu não được điều trị kịp thời có thể cứu sống người bệnh và hạn chế biến chứng, giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn.
Menu xem nhanh:
1. Thế nào là tai biến mạch máu não?
Tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ não là do lượng máu lên não bị ngưng đột ngột gây thiếu máu não. Bệnh có thể khiến một người đang khỏe mạnh gục xuống đột ngột, liệt nửa người, hôn mê, thậm chí dẫn đến tử vong.
Tai biến mạch máu não có thể gặp ở bất kỳ ai, tuy nhiên bệnh thường gặp nhất ở người cao tuổi. Tai biến mạch máu não được điều trị kịp thời sẽ giúp nâng cao tiên lượng cho người bệnh.
2. Nguyên nhân gây tai biến mạch máu não
Thiếu máu não thường xảy ra bởi 2 nguyên nhân:
– Do động mạch não bị tắc, mạch máu não bị xơ vữa và làm lòng mạch hẹp dần cản trở dòng máu đi nuôi dưỡng não, mảng xơ vữa động mạch di chuyển từ những vị trí khác đến động mạch não và gây tắc mạch.
– Do tăng huyết áp đột ngột gây vỡ mạch máu làm vỡ động mạch não hoặc do dị dạng động mạch não. Tăng huyết áp là nguyên nhân chủ chốt gây xuất huyết não, làm tăng nguy cơ đột quỵ não.Tuy nhiên, không chỉ những người có huyết áp cao, những người có huyết áp thấp cũng có khả năng gây tai biến mạch máu não, trong đó phần lớn là nhồi máu não, chiếm khoảng 30%.
Đái tháo đường cũng là một loại bệnh có khả năng làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não. Theo các số liệu thống kê đã cho thấy, thiếu máu não tăng dần theo tuổi, tuổi càng cao càng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, đái tháo đường huyết áp thấp. Trong đó những người cao tuổi là nam giới có nguy cơ cao hơn so với nữ giới.
Ngoài ra, những người thường xuyên uống rượu, bia, chất gây nghiện (thuốc lá, cà phê, trà đặc,…) cũng nguy cơ tai biến mạch máu não cơn hơn người bình thường.
3. Cách nhận biết cơn tai biến mạch máu não
Tai biến mạch máu não nếu phát hiện sớm vẫn có thể chữa được và hạn chế các di chứng sau tai biến. Biểu hiện sớm nhất của tai biến mạch máu não là đau đầu dữ dội, nói khó, miệng méo, nhân trung lệch sang một bên, mắt mờ. Trong cơn tai biến triệu chứng phổ biến gặp là một cánh tay hoặc một chân sẽ dần yếu đi và bị tê liệt, cầm nắm khó khăn, đi đứng không vững, có thể ngã khuỵu đột ngột.
Nếu phát hiện người bệnh có triệu chứng đau đột ngột ở cánh tay, một chân, một bên mặt… kèm theo triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, nôn, đi lại khó khăn, tiểu không tự chủ…không nên coi thường. Lúc này hãy nghĩ tới cơn tai biến mạch máu não, nhất là đối với những người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch hoặc huyết áp thấp mạn tính.
4. Di chứng do tai biến mạch máu não
Các biến chứng sau đột quỵ nhau tùy thuộc nhiều yếu tố như nguyên nhân gây ra tai biến, thời gian cấp cứu kịp thời, phương pháp điều trị phù hợp hay không… Người bệnh càng được cấp cứu càng sớm thì càng tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm bấy nhiêu.
Một số biến chứng do tai biến mạch máu não thường thấy bao gồm:
– Phù não
– Động kinh
– Huyết khối tĩnh mạch sâu
– Liệt một bên chân, tay hoặc cả hai bên
– Mất khả năng vận động
– Rối loạn nuốt
– Xẹp phổi
– Viêm phổi
– Đau vai
– Nhiễm trùng đường tiết niệu
– Co cứng cơ
– Lo âu, căng thẳng quá mức
– Rối loạn giấc ngủ
– Trầm cảm
Thông thường, cần ít nhất 30 ngày để người bị tai biến mạch máu não hồi phục. Tuy nhiên, một số trường hợp biến chứng này kéo dài vĩnh viễn. Người bệnh chỉ có thể được can thiệp để làm giảm các triệu chứng, nhưng không thể hồi phục hoàn toàn.
5. Tai biến mạch máu não được điều trị thế nào?
5.1. Tiêu chuẩn lâm sàng xác định bệnh
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, để xác định người bệnh bị tai biến mạch máu não cần 3 tiêu chuẩn lâm sàng sau đây:
– Có triệu chứng của thần kinh khu trú
– Các biểu hiện bệnh xảy ra đột ngột.
– Không bị chấn thương sọ não
Nếu có đủ 3 tiêu chuẩn trên, khả năng người bệnh mắc tai biến mạch máu não đến 95-99%. Lúc này, bác sĩ có thể tiến hành chụp não cắt lớp vi tính hay chụp cộng hưởng từ não. Qua các bước chẩn đoán hình ảnh, có thể xác định nguyên nhân tai biến do tắc nghẽn mạch máu hay xuất huyết não để có phương pháp điều trị phù hợp.
5.2. Nguyên tắc điều trị bệnh
Nguyên tắc chung để điều trị tai biến, đột quỵ là cấp cứu kịp thời và can thiệp chính xác. Điều này nhằm hạn chế biến chứng và giảm thiểu nguy cơ tử vong cho người bệnh. Khi người bệnh xuất hiện triệu chứng tai biến, cần lập tức gọi xe cấp cứu để đưa người bệnh đến bệnh viện. Ngoài ra, cần lưu ý giữ người bệnh không bị té ngã và đặt người bệnh nằm nghiêng nhằm bảo vệ đường thở.
Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn uống gì trước và trong khi đi cấp cứu. Bên cạnh đó, không thân không tự ý điều trị bằng châm cứu, bấm huyệt hay đánh gió… Đồng thời, không nên cho người xảy ra tai biến uống thuốc huyết áp hay các loại thuốc khác.
Lúc này, những người xung quanh chỉ nên theo dõi biểu hiện người bệnh có xuất hiện tình trạng co giật, méo miệng, nôn mửa… hay không. Khi đến bệnh viện, các bác sĩ sẽ can thiệp cấp cứu và chẩn đoán bệnh lý mà người bệnh gặp phải.
Tai biến mạch máu não được điều trị kịp thời có thể cứu sống người bệnh và hạn chế biến chứng, giúp người bệnh phục hồi nhanh và phòng ngừa đột quỵ tái phát. Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc có thắc mắc cần giải đáp về, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 1900 55 88 92 hoặc hotline: 0936 388 288.