Suy tim độ 1 là mức độ nhẹ nhất của suy tim, không cần quá lo lắng tuy nhiên cũng không nên chủ quan trước giai đoạn này nếu không muốn nhận những hậu quả đáng tiếc. Vậy, suy tim độ 1 là gì, có cần điều trị không và điều trị như thế nào?
Menu xem nhanh:
1. Suy tim độ 1 là gì?
Suy tim là tình trạng cơ của tim, giảm khả năng co bóp khiến tim không bơm máu tốt như bình thường. Các bệnh lý tim mạch như bệnh mạch vành, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim là những nguyên nhân khiến tim co bóp không hiệu quả.
Có nhiều mức độ suy tim và ở mỗi cấp độ, bệnh sẽ có những triệu chứng, mức độ ảnh hưởng đến cơ thể và cách điều trị khác nhau.
Dựa vào mức độ hạn chế của các hoạt động thể chất của người bệnh suy tim, Hiệp hội Tim mạch New York (NYHA) chia suy tim thành 4 cấp độ. Trong đó, suy tim độ 1 là mức độ nhẹ nhất. Ở đó, người bệnh không cảm thấy bị mệt mỏi quá mức, đánh trống ngực hay khó thở khi hoạt động thể chất. Do vậy họ vẫn có thể vận động như bình thường mà không xuất hiện các dấu hiệu của suy tim.
Trong khi đó ở các cấp độ sau, bệnh nhân thường ít nhiều có sự hạn chế khả năng hoạt động thể chất. Cụ thể, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng suy tim khi thực hiện các vận động nhẹ nhàng, gắng sức, thậm chí cả khi nghỉ ngơi.
2. Suy tim độ 1 có nguy hiểm không, có cần điều trị không?
Suy tim độ 1 thường chưa nguy hiểm và cũng ít ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm và kiểm soát tốt sẽ khiến chức năng tim ngày càng suy yếu, suy tim tiến triển sang giai đoạn nặng hơn. Khi đó, chất lượng sống sẽ giảm sút nghiêm trọng và người bệnh có nguy cơ gặp nhiều biến chứng như phù phổi cấp, rối loạn nhịp tim, suy thận, suy gan, nhồi máu cơ tim, đột quỵ,…
Hơn nữa suy tim ở cấp độ 1 rất khó phát hiện bệnh bởi các triệu chứng thường không biểu hiện chưa rõ ràng. Thông thường, người bệnh chỉ vô tình được chẩn đoán suy tim độ 1 khi khám định kỳ hoặc chẩn đoán và điều trị các bệnh lý khác. Điều này khiến cho bệnh tuy ở mức độ nhẹ nhất nhưng lại tiềm ẩn những nguy cơ không nhỏ đối với sức khỏe.
Vì vậy, hãy luôn theo dõi sức khỏe tim mạch để phát hiện sớm suy tim ngay từ giai đoạn đầu. Đặc biệt nếu bạn thuộc nhóm nguy cao như có tiền sử tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh động mạch vành, sốt thấp khớp, gia đình có người thân mắc bệnh tim mạch, uống nhiều rượu, dùng thuốc điều trị ung thư… thì nên thăm khám chuyên khoa Tim mạch thường xuyên.
3. Cách điều trị suy tim độ 1
Đối với các trường hợp suy tim nhẹ, mục tiêu điều trị là giúp ngăn suy tim tiến triển nặng hơn. Các biện pháp chủ yếu là thực hiện lối sống bao gồm chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh, tập luyện để tăng cường sức khỏe.
3.1 Xây dựng chế độ ăn uống lành
Chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng có lợi cho việc giữ gìn một trái tim khỏe mạnh và nâng cao sức khỏe nói chung. Nguyên tắc cơ bản là:
– Ăn đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng
– Tăng cường bổ sung kali
– Giảm muối trong khẩu phần ăn
– Hạn chế các thực phẩm nhiều cholesterol
Các thực phẩm nên bổ sung
– Thực phẩm giàu tinh bột, đặc biệt là khoai tây, bánh mì, gạo hoặc mì ống…
– Thực phẩm giàu protein, tiểu biểu như các loại đậu, thịt, cá, trứng, sữa…
– Rau củ, trái cây tươi
– Dầu thực vật như dầu hướng dương, dầu ô liu, các loại hạt, bơ thực vật.
Các thực phẩm nên hạn chế
– Các món ăn và thực phẩm chứa nhiều natri: muối ăn, đồ đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn
– Các chất đường, bột ngọt, mỡ, da, nội tạng động vật…
– Các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, nước có ga…
– Uống nước vừa đủ vì nạp quá nhiều chất lỏng vào cơ thể có thể gây phù và giữ nước
Cách ăn:
– Ưu tiên trong khẩu phần ăn các dạng thức ăn mềm, dễ tiêu hóa
– Chế biến kiểu luộc, hấp thay vì chiên, xào nhiều
– Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, tránh ăn quá no, quá nhiều trong một bữa, bữa tối nên trước giờ đi ngủ ít nhất 2 giờ.
3.2 Sinh hoạt lành mạnh
– Không thức quá khuya
– Ngừng uống rượu bia, hút thuốc lá, ma túy,…
– Nghỉ ngơi điều độ, kiểm soát cảm xúc, tránh căng thẳng, lao lực,…
– Giảm cân nếu cần thiết, khi có tình trạng thừa cân, béo phì
3.3 Tập thể dục thường xuyên
Tập luyện thường xuyên để tăng cường sự dẻo dai cho tim và toàn cơ thể. Ở mức độ suy tim nhẹ nhất, người bệnh có thể lựa chọn các bộ môn như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi,… tuy nhiên nên chú ý chọn cường độ sao cho phù hợp để không gây thêm gánh nặng cho tim.
4. Khi nào cần điều trị y tế cho bệnh nhân suy tim nhẹ?
Nếu người bị suy tim độ 1 nhưng có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường, béo phì, tiền sử gia đình bị bệnh cơ tim thì cần xem xét việc điều trị bằng thuốc.
Tùy vào từng trường hợp bệnh nhân, bác sĩ có thể kê các loại thuốc giúp điều trị các bệnh lý đi kèm và phòng ngừa biến chứng gồm:
– Thuốc ức chế men chuyển angiotensin và chẹn các thụ thể angiotensin II
– Thuốc điều trị tăng huyết áp
– Thuốc điều trị tiểu đường
– Thuốc hạ mỡ máu
Để việc sử dụng thuốc đạt hiệu quả cao, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ đơn thuốc, uống đủ liều, đúng giờ, không tự ý giảm liều hay ngừng thuốc.
Trường hợp người bệnh được chẩn đoán suy tim độ 1, đã áp dụng các biện pháp điều trị nhưng bệnh nhân có các triệu chứng tăng nặng thì cần đến gặp bác sĩ ngay. Vì điều này chứng tỏ việc đáp ứng điều trị kém hoặc bệnh đã nặng thêm.
Trên đây là những thông tin về bệnh suy tim độ 1, hi vọng đã giúp bạn hiểu thêm về căn bệnh này cũng như cách xử trí khi được chẩn đoán mắc bệnh. Để phát hiện và kiểm soát bệnh suy tim kịp thời từ giai đoạn đầu, hãy chủ động thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Tim mạch sớm. Nếu có nhu cầu thăm khám, vui lòng liên hệ hotline để được tư vấn và đặt lịch.