Cấp cứu:0901793122
English
Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Thucuc | Hệ thống y tế TCI Hospital
Chăm sóc sức khoẻ trọn đời cho bạn
Tổng đài1900558892
Những điều cần biết về nguyên nhân ung thư tuyến tụy

Những điều cần biết về nguyên nhân ung thư tuyến tụy

Ung thư tuyến tụy là một trong những bệnh lý ung thư có tỷ lệ tử vong cao, tạo ra nhiều thách thức trong điều trị. Vậy đâu là nguyên nhân ung thư tuyến tụy và làm thế nào để chúng ta có thể chủ động phòng ngừa? Bài viết này sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan, giúp bạn hiểu rõ hơn và có biện pháp bảo vệ sức khỏe hiệu quả.

1. Tổng quan về ung thư tuyến tụy

1.1. Tuyến tụy là gì và chức năng của nó trong cơ thể

Tuyến tụy là một cơ quan quan trọng có hình dạng giống chiếc lá hoặc con cá, nằm sâu trong ổ bụng, ngay phía sau dạ dày và phía trước cột sống. Với kích thước tương đối nhỏ nhưng lại đóng vai trò cực kỳ thiết yếu trong hoạt động của cơ thể. Nó vừa là tuyến nội tiết (sản xuất hormone như insulin giúp điều hòa lượng đường trong máu), vừa là tuyến ngoại tiết (tiết ra enzyme hỗ trợ tiêu hóa thức ăn trong ruột non).

1.2. Ung thư tuyến tụy là gì?

Ung thư tuyến tụy xảy ra khi các tế bào bình thường trong tuyến tụy bắt đầu biến đổi bất thường, phát triển ngoài tầm kiểm soát và hình thành khối u. Các tế bào ung thư này có khả năng xâm lấn các mô khỏe mạnh xung quanh. Nếu không được kiểm soát, chúng có thể di căn đến các bộ phận khác của cơ thể như gan, phổi, hoặc các hạch bạch huyết, gây ra những tổn thương nghiêm trọng.

Điều đáng lo ngại của ung thư tụy là ở giai đoạn đầu, bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng hoặc rất mơ hồ, dễ bị nhầm với các bệnh lý thông thường khác. Điều này khiến việc phát hiện sớm trở nên vô cùng khó khăn, làm mất “thời điểm vàng” để điều trị hiệu quả.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ tử vong của ung thư tuyến tụy lên đến 95%, trở thành một trong những bệnh ung thư gây tử vong hàng đầu thế giới. Việc điều trị ung thư tuyến tụy hiệu quả nhất thường chỉ thực hiện được ở giai đoạn sớm, khi khối u chưa di căn và có thể phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn.

nguyên nhân ung thư tuyến tụy

Nâng cao nhận thức về các nguyên nhân và dấu hiệu bệnh là vô cùng quan trọng

2. 5 nguyên nhân ung thư tuyến tụy phổ biến

2.1. Nguyên nhân liên quan tới yếu tố di truyền và tiền sử gia đình

Di truyền đóng một vai trò đáng kể trong nguy cơ mắc ung thư tụy. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người có tiền sử gia đình trực hệ mắc ung thư tuyến tụy có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người bình thường.

Cụ thể, nếu có một thành viên trong gia đình mắc ung thư tuyến tụy, nguy cơ của bạn có thể tăng lên khoảng 50%. Con số này sẽ tăng gấp đôi nếu có hai hoặc nhiều hơn thành viên trong gia đình mắc bệnh.

2.2. Thói quen hút thuốc lá – Nguyên nhân ung thư tuyến tụy phổ biến

Thói quen hút thuốc lá được chứng minh là nguyên nhân ung thư tuyến tụy hàng đầu dẫn đến ung thư tụy. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 25% trường hợp ung thư tuyến tụy có liên quan đến thuốc lá. Khói thuốc chứa hàng nghìn chất độc, trong đó nhiều chất có khả năng gây biến đổi tế bào và dẫn đến ung thư.

Các chất độc hại trong khói thuốc như nitrosamine và hydrocarbon thơm đa vòng khi đi vào cơ thể sẽ gây tổn thương trực tiếp đến DNA của tế bào tuyến tụy, dẫn đến sự đột biến và hình thành khối u ác tính. Nguy cơ này tăng lên đáng kể ở những người hút thuốc lá lâu năm và hút nhiều. Ngay cả việc hít phải khói thuốc thụ động (hút thuốc lá bị động) cũng làm tăng nhẹ nguy cơ mắc bệnh.

ung thư tụy tăng lên đáng kể ở những người hút thuốc lá lâu năm

Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy cao gấp đôi so với những người không hút thuốc

2.3. Chế độ ăn uống không lành mạnh

Lối sống hiện đại với chế độ ăn uống thiếu cân bằng và tình trạng thừa cân, béo phì cũng là những yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ ung thư tụy.

– Chế độ ăn uống: Việc thường xuyên tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, đồ chiên rán, thịt đỏ, giàu chất béo bão hòa và cholesterol có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa và gây tổn thương tế bào, làm tăng nguy cơ mắc ung thư.

– Thừa cân và béo phì: đặc biệt tích mỡ quanh vùng bụng, được cho là làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy lên khoảng 20% so với bình thường.

– Uống rượu bia quá mức: Tiêu thụ rượu bia trong thời gian dài, có thể gây viêm tụy mãn tính. Viêm tụy mãn tính là một yếu tố nguy cơ lớn của ung thư tuyến tụy, bởi tình trạng viêm kéo dài có thể dẫn đến thay đổi bất thường trong tế bào tuyến tụy

2.4. Bệnh lý nền mạn tính – Nguyên nhân ung thư tuyến tụy phổ biến

– Tiểu đường type 2: Người bệnh tiểu đường thường có nguy cơ cao hơn, có thể do tình trạng kháng insulin và nồng độ glucose trong máu cao kéo dài có thể gây tổn thương tế bào tụy.

– Viêm tụy mãn tính: Đây là tình trạng viêm kéo dài của tuyến tụy, thường do uống rượu bia quá mức, sỏi mật, hoặc các yếu tố di truyền. Tình trạng viêm kéo dài làm biến đổi cấu trúc mô tụy, từ đó hình thành ung thư.

– Tiền sử ung thư khác: Người từng điều trị ung thư ở cơ quan khác như ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư đại trực tràng, có nguy cơ phát triển ung thư tuyến tụy do ảnh hưởng của gen hoặc liệu pháp điều trị.

2.5. Môi trường sống xung quanh – Nguyên nhân ung thư tuyến tụy phổ biến

Tiếp xúc lâu dài với các chất độc hại như thuốc trừ sâu, dung môi công nghiệp, dầu khoáng… có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy. Tỷ lệ mắc ung thư tụy các ngành này cao hơn mức trung bình. Ngoài ra, ô nhiễm không khí và nguồn nước cũng là các yếu tố tiềm ẩn gây ảnh hưởng xấu đến tế bào tụy.

3. Những lưu ý để phát hiện sớm và phòng ngừa

3.1. Tầm soát định kỳ và vai trò của chẩn đoán sớm

Vì ung thư tuyến tụy thường được phát hiện muộn, việc chủ động tìm hiểu các giải pháp phát hiện sớm và áp dụng các biện pháp phòng ngừa là vô cùng cần thiết. Tầm soát định kỳ đóng vai trò cực kỳ quan trọng, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao (tiền sử gia đình, viêm tụy mãn tính, đột biến gen…). Mục tiêu của việc sàng lọc là phát hiện khối u ngay từ khi còn rất nhỏ, chưa có triệu chứng và chưa di căn, giúp tăng đáng kể khả năng điều trị thành công.

Người mắc ung thư tụy nên đi tầm soát định kỳ

Thăm khám sức khỏe định kỳ là bước đầu tầm soát ung thư

3.2. Thay đổi lối sống giúp giảm nguy cơ ung thư tuyến tụy

Bạn có thể chủ động phòng ngừa ung thư tuyến tụy bằng cách thay đổi những thói quen hàng ngày

– Nói không với thuốc lá: Bỏ thuốc lá và tránh xa môi trường có khói thuốc giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tụy cũng như nhiều bệnh ung thư khác.

– Duy trì cân nặng khỏe mạnh: thông qua chế độ ăn và tập luyện thể dục đều đặn. Ưu tiên thực phẩm tươi, sạch, ít chất béo và nhiều chất xơ.

– Hạn chế rượu bia: Kiểm soát lượng rượu bia tiêu thụ hoặc tốt nhất là không uống rượu bia. Điều này giúp ngăn ngừa viêm tụy mãn tính và các tổn thương khác cho tuyến tụy.

– Hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại: Nếu công việc yêu cầu phải tiếp xúc với hóa chất, hãy đảm bảo tuân thủ các quy định an toàn lao động, sử dụng đồ bảo hộ cần thiết để giảm thiểu phơi nhiễm.

Ung thư tuyến tụy là căn bệnh khó phát hiện nếu không được chẩn đoán sớm. Việc hiểu rõ các nguyên nhân ung thư tuyến tụy và chủ động tầm soát định kỳ sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe tốt hơn. Nếu bạn nằm trong nhóm có yếu tố nguy cơ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn về các biện pháp phòng ngừa phù hợp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Liên hệ ngay: 0936388288 để được tư vấn chi tiết!

Middle2 – Banner Ung bướu
Bài viết liên quan
Dấu hiệu ung thư tụy ở người tiểu đường

Dấu hiệu ung thư tụy ở người tiểu đường

Nhiều trường hợp ung thư tụy được phát hiện muộn ở bệnh nhân tiểu đường, do các dấu hiệu ung thư tụy dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với biến chứng thông thường. Vậy, làm thế nào để nhận biết sớm những tín hiệu này? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn […]
1900558892
zaloChat