Vắc xin là phương pháp phòng ngừa bệnh dịch an toàn và hiệu quả nhất đối với con người. Trong đó, vắc xin phòng bệnh cúm là loại vắc xin cần được thực hiện mỗi năm, giúp bảo vệ con người khỏi những ảnh hưởng từ việc nhiễm virus cúm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn vì lo ngại các tác dụng phụ của việc tiêm vắc xin mà bỏ qua mũi tiêm quan trọng này. Một trong những câu hỏi thường được đặt ra nhất: “Tiêm vắc xin cúm có sốt không?”
Menu xem nhanh:
1. Liệu có bị sốt sau khi tiêm vắc xin cúm? Nếu không sốt, vắc xin có hiệu quả không?
Cúm là căn bệnh có thể tấn công mọi đối tượng, từ người lớn, trẻ nhỏ cho tới người già, phụ nữ mang thai hay phụ nữ đang cho con bú. Việc bị mắc bệnh cúm có thể dẫn đến nhiều hệ quả xấu, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe con người.
Cúm là bệnh lành tính, nhưng có nguy cơ cao biến chứng, trở thành viêm phổi, suy hô hấp. Với những người đã có sẵn vấn đề, bệnh lý về đường hô hấp, virus cúm tấn công có thể khiến cho những triệu chứng lâm sàng của bệnh càng nghiêm trọng hơn. Vì vậy, chúng ta, dù là đối tượng nào đi nữa cũng không thể chủ quan với cúm mùa.
Việc cần làm để phòng tránh bệnh cúm mùa chính là tiêm vắc xin phòng bệnh. Vắc xin cúm được khuyến cáo nên tiêm nhắc lại mỗi năm một lần và có thể tiêm cho trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi trở lên.
Tiêm vắc xin cúm, con người có thể phòng tránh được nguy cơ nhiễm virus cúm hay nguy cơ mắc các bệnh về cúm. Ngoài ra, với những người có sức khỏe kém, nhiều bệnh lý mãn tính, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp, khi tiêm phòng vắc xin cúm, triệu chứng của bệnh cũng sẽ giảm đi và không gây nguy hiểm cho người bệnh.
1.1. Sau khi tiêm vắc xin cúm có sốt không?
Vắc xin phòng bệnh cúm mùa được sử dụng phổ biến hiện nay là vắc xin Vaxigrip Tetra, nghiên cứu và phát triển tại Pháp. Tiêm vắc xin Vaxigrip Tetra, người dùng có thể phòng ngừa được 4 chủng virus cúm gồm: chủng cúm A (H1N1, H3N2) và chủng cúm B (Yamagata, Victoria).
Việc tiêm vắc xin cúm là cần thiết nhưng vẫn có rất nhiều người, vì lo ngại tác dụng phụ sau khi tiêm mà chủ quan, bỏ qua mũi tiêm này vào mỗi năm. Trong đó, có không ít người đặt câu hỏi: “Tiêm vắc xin cúm có sốt không?”
Câu trả lời là có. Thực tế, việc tiêm vắc xin phòng bệnh cúm hoàn toàn có thể gây ra một vài phản ứng sau tiêm, trong đó có sốt nhẹ. Theo các bác sĩ, đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường và có thể gặp phải khi tiêm bất cứ loại vắc xin nào, không riêng gì vắc xin phòng bệnh cúm.
Sốt, đau nhức người,… hay bất cứ triệu chứng bất thường nào xảy ra sau thực hiện tiêm chủng đều được gọi là phản ứng sau tiêm.
Vắc xin cúm được đưa vào cơ thể, cho hệ miễn dịch của chúng ta có cơ hội “tập trận” trước khi gặp phải virus cúm đích thực. Bởi lẽ, vắc xin được nghiên cứu và phát triển từ thành phần kháng nguyên đã chết hoặc bị suy yếu. Những nhà khoa học nghiên cứu vắc xin sẽ làm cho virus cúm mất khả năng hoạt động, gọi là virus bất hoạt, hoặc lấy đi một phần đặc trưng của chủng virus để tiêm nó vào cơ thể. Lúc này, hệ miễn dịch sẽ nhận tín hiệu và sản sinh ra kháng thể chống lại những “kẻ xâm nhập”.
Vùng hạ đồi của não bộ sẽ có chức năng nhận biết sự xâm nhập của virus “giả” này. Khi virus xâm nhập, vùng hạ đồi lập tức nhận lệnh, tìm đến tác nhân đe dọa cơ thể và điều chỉnh thân nhiệt tăng cao hơn bình thường. Từ đó, triệu chứng sốt xảy ra sau khi thực hiện tiêm chủng.
Sốt là phản ứng khi cơ thể bị nhiễm trùng, báo hiệu hệ miễn dịch đang làm việc và cơ thể đang bị tổn thương. Tương tự như vậy, đó cũng là phản ứng có thể gặp khi vắc xin tiêm vào cơ thể.
1.2. Sau tiêm vắc xin cúm có sốt không? Liệu không bị sốt, vắc xin có hiệu quả không?
Như vậy, sẽ có rất nhiều ý kiến cho rằng nếu sau tiêm không bị sốt, tức hệ miễn dịch của cơ thể không hoạt động và vắc xin sẽ không có hiệu quả, không giúp cơ thể tạo ra kháng thể cần thiết. Thế nhưng, chúng ta không cần lo ngại về vấn đề này. Khi hệ miễn dịch bắt đầu nhận diện được “kẻ xâm nhập”, chúng sẽ cho ra những phản khác nhau.
Vắc xin vẫn sẽ kích thích cơ thể tạo ra một lượng kháng thể nhất định nhưng thời gian để tạo ra kháng thể đủ cho mỗi người sẽ khác nhau. Vì vậy, có những người bị sốt sau tiêm, có những người không bị sốt, thay vào đó có thể là đau mỏi, buồn nôn,… hoặc thậm chí không phát hiện triệu chứng nào. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của vắc xin vẫn là hiệu quả phòng bệnh cho từng người.
2. Khi bị sốt sau tiêm vắc xin cúm, cần chăm sóc như thế nào?
Sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh cúm, bạn có thể bị sốt nhẹ, sốt cao tùy vào hoạt động của hệ miễn dịch. Tuy nhiên, những phản ứng sau tiêm này chỉ mang tính tạm thời. Theo các bác sĩ, chuyên gia, phản ứng phụ sau tiêm vắc xin phòng bệnh cúm chỉ kéo dài khoảng từ 24 đến 48 giờ và không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của con người.
Kèm theo đó, nhiều người có thể gặp phải triệu chứng đau, sưng đỏ tại vùng tiêm, cơ mỏi, choáng váng,… Để giúp người bị sốt sau tiêm cải thiện tình trạng, chúng ta có thể áp dụng một số lưu ý sau trong quá trình chăm sóc:
– Để người thân nằm nghỉ ở nơi thoáng mát, nên mặc đồ thoải mái, quần áo rộng.
– Lau người hoặc chườm khăn ấm cho người bị sốt để giúp họ hạ nhiệt dần dần.
– Nếu thân nhiệt của họ cao hơn 39 độ C, chúng ta có thể cho họ sử dụng thuốc hạ sốt. Nếu họ sốt cao, chúng ta cần giúp họ bổ sung thêm nước bằng cách bổ sung điện giải trong cơ thể, dùng oresol, ăn cháo nấu với muối loãng để bù nước và điện giải.
– Đảm bảo bữa ăn cung cấp đủ dinh dưỡng cho người bị sốt. Người bị sốt sau tiêm nên ăn đồ lỏng để dễ tiêu hóa, ăn cháo, súp và thật nhiều trái cây để hỗ trợ hệ miễn dịch của cơ thể, giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi trạng thái ổn định tốt hơn.
Trong trường hợp thân nhiệt lên cao và không giảm, bạn nên đưa người thân, người nhà tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được hỗ trợ, tránh tự tiện sử dụng thuốc, dùng hạ sốt quá liều.
Trên đây là những thông tin về việc tiêm vắc xin cúm có bị sốt không. Việc tiêm vắc xin phòng bệnh cúm mùa là cần thiết và nên được tiêm nhắc lại hàng năm. Các phản ứng phụ xảy ra sau tiêm chủng là điều không thể tránh khỏi, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Bạn hãy lựa chọn một cơ sở tiêm chủng phù hợp, chất lượng để tiến hành tiêm chủng và được hướng dẫn chi tiết về lịch tiêm, những lưu ý chăm sóc sức khỏe sau tiêm.