Đột quỵ hay còn gọi tai biến mạch máu não là bệnh lý thần kinh vô cùng nguy hiểm. Cần cấp cứu kịp thời và chữa trị đúng cách, nếu không nguy cơ tử vong cao, khả năng tái phát tai biến lần tiếp theo và để lại nhiều di chứng nặng nề. Cùng tìm hiểu những sai lầm khi chữa tai biến mạch máu não mà nhiều người hay mắc phải và cách điều trị đúng.
Menu xem nhanh:
1. Vì sao cần phải chữa tai biến mạch máu não đúng cách?
Tỷ lệ tử vong khi bị tai biến mạch máu não khá cao (gần 50%). Nếu may mắn sống sót, thì người bệnh vẫn có khả năng đối mặt với nguy cơ tử vong (tai biến mạch máu não tái phát) và phải chịu nhiều di chứng nặng nề:
– Khoảng 20% trường hợp tử vong trong vòng 1 tháng, khoảng 5%-10% tử vong trong vòng 1 năm.
– Khoảng 10% hồi phục không di chứng. Gần 90% trường hợp sống sót sau tai biến phải chống chọi với di chứng, điển hình nhất là di chứng liệt vận động. Trong đó, khoảng 25-30% tự đi lại phục vụ bản thân được, khoảng 20-25% đi lại khó khăn cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt, khoảng 15-25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.
Để thấy rằng tai biến mạch máu não rất nguy hiểm và điều trị tai biến mạch máu não đúng cách là vô cùng quan trọng. Vừa giảm tỷ lệ tử vong cho người bệnh, vừa ngăn ngừa nguy cơ tai biến mạch máu não tái phát, đồng thời hạn chế tối đa các di chứng do tai biến mạch máu não gây ra, giúp người bệnh hồi phục nâng cao chất lượng cuộc sống.
2. Những sai lầm khi điều trị tai biến mạch máu não
2.1 Sai lầm khi chữa tai biến mạch máu não cấp
Khi cơn tai biến mạch máu não xảy ra với người thân hoặc người khác, nhiều người xung quanh rơi vào trạng thái lo lắng sợ hãi không biết nên làm gì.
Một số người lựa chọn xử trí theo phương pháp truyền miệng từ người khác như: chích nặn máu 10 đầu ngón tay, châm cứu, cho người bệnh uống các loại thuốc được quảng cáo là chữa đột quỵ hoặc phòng ngừa đột quỵ, cho người bệnh uống thuốc hạ huyết áp khi đang trong cơn đột quỵ,… Đây đều là những sai lầm chỉ làm trì hoãn, kéo dài thời gian người bệnh ở nhà mà không được đến viện, đánh mất “thời gian vàng” khi điều trị tai biến mạch máu não cấp là khoảng 3-4 giờ kể từ khi cơn tai biến mạch máu não xuất hiện.
Cách xử trí đúng với trường hợp tai biến mạch máu não cấp đó là:
– Gọi xe cấp hoặc bố trí xe ô tô chuẩn bị sẵn sàng đưa người bệnh đến viện.
– Bình tĩnh, đặt người bệnh nằm xuống mặt phẳng xoay đầu nghiêng sang một bên để nếu có đờm rãi ở miệng sẽ chảy ra ngoài không gây sặc phổi.
– Không cho người bệnh ăn uống bất cứ thứ gì, kể cả thuốc hạ huyết áp hay nước,…
– Đưa người bệnh ra xe cấp cứu đến cơ sở y tế gần nhất có xử trí người bị tai biến mạch máu não.
Lưu ý khi vận chuyển người bệnh tai biến mạch máu não cần nhanh chóng nhưng phải đúng cách, đó là: KHÔNG bế xốc bệnh nhân lên, mà NÊN phối hợp 2-3 người khiêng người bệnh nhẹ nhàng trên 1 mặt phẳng (nếu được có thể cho người bệnh nằm trên cáng để khiêng).
2.2 Sai lầm khi chữa tai biến mạch máu não
Nhiều người bước đầu may mắn thoát khỏi “cửa tử” vì được đưa đến viện kịp thời. Nhưng sau đó, nếu chủ quan bỏ qua hoặc điều trị sau tai biến mạch máu não sai cách thì cơn tai biến mạch máu não vẫn có thể tái lại với mức độ nguy hiểm lần sau cao hơn lần đầu.
Một số sai lầm thường gặp khi xử trí sau tai biến mạch máu não đó là:
– Cho người bệnh uống thuốc được quảng cáo là giúp phòng ngừa và điều trị đột quỵ mà không chú ý đến các biện pháp tập luyện, phục hồi chức năng, chế độ ăn uống và kiểm soát các chỉ số sức khỏe thường xuyên.
– Lạm dụng thuốc điều trị tai biến mạch máu não: các loại thuốc chống đông, thuốc điều trị huyết áp, thuốc giãn cơ, thuốc điều chỉnh hàm lượng cholesterol trong máu,… cần sử dụng với liều lượng theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý tăng hoặc giảm hoặc bỏ giữa chừng. Nhiều người lạm dụng các loại thuốc này, cho rằng khi sử dụng với liều lượng cao hoặc thường xuyên sẽ giúp tăng khả năng phục hồi và bảo vệ tốt hơn cho người bệnh, điều này là hoàn toàn sai lầm.
– Chỉ trú trọng vật lý trị liệu phục hồi chức năng mà không quan tâm đến thuốc: Nhiều người sau cơn tai biến mạch máu não chân tay tê cứng, khó cử động, đi lại khó khăn,… có thể áp dụng biện pháp châm cứu để tăng tốc độ phục hồi nhưng điều này chỉ nên thực hiện sau khi người bệnh đã được đưa đến viện cấp cứu và xử trí qua cơn đột quỵ cấp. Nhiều người hiện nay chỉ chú trọng điều trị phục hồi chức năng như châm cứu, vật lý trị liệu cho người bệnh mà không chú trọng sử dụng thuốc (điều trị nội khoa), điều khiến hiệu quả điều trị không được cao, kéo dài thời gian phục hồi của người bệnh.
3. Chữa tai biến mạch máu não đúng cách
Các chuyên gia khuyên rằng, để điều trị tai biến mạch máu não cần kết hợp giữa điều trị nội khoa và phương pháp vật lý trị liệu để phục hồi chức năng, vì điều này sẽ giúp bệnh nhân phục hồi một cách nhanh nhất.
Bên cạnh đó, cần kiểm soát thật tốt chỉ số huyết áp: người bệnh cần phải theo dõi huyết áp thường xuyên và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để huyết áp ổn định.
Đối với tình trạng mỡ trong máu (hàm lượng cholesterol trong máu cao), cần theo dõi định kỳ và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để ngăn ngừa mỡ máu cao khiến tai biến mạch máu não tái phát lần nữa.
Ngoài ra, chế độ ăn uống và tập luyện cũng vô cùng quan trọng như: ăn uống khoa học (đủ chất, đúng giờ, thực phẩm ăn lành mạnh, hạn chế tối đa đồ ăn nhanh và các đồ ăn nhiều dầu mỡ), uống đủ nước, từ bỏ hoặc hạn chế tối đa bia rượu chất kích thích, tập thể dục thường xuyên với các bài tập phù hợp giúp giãn cơ như chạy bộ, đi bộ, kéo xà, tập thở, tập các động tác cho cơ lực giãn,..
Nhóm đối tượng có yếu tố nguy cơ cao như: hay bị đau đầu mất ngủ, người từng bị tai biến mạch máu não, mỡ máu cao, thiếu máu não thoáng qua, dị dạng mạch máu não, từng bị chấn thương ở đầu, gia đình có người bị tai biến mạch máu não, … Nên đi thăm khám sức khỏe định kỳ với bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được tầm soát, điều trị và phòng ngừa tai biến mạch máu não.