Chứng sa sút trí tuệ thể Lewy là dạng sa sút trí tuệ phổ biến thứ 3, sau sa sút trí tuệ mạch máu và bệnh Alzheimer. Bệnh gây ảnh hưởng lớn đến khả năng nhận thức và vận động của người bệnh. Cùng tìm hiểu nguyên nhân và các biểu hiện của căn bệnh này, cùng với cách phòng ngừa và điều trị hiệu quả nhé.
Menu xem nhanh:
1. Sa sút trí tuệ thể Lewy là bệnh gì?
Sa sút trí tuệ là hội chứng suy giảm nhận thức, suy giảm trí nhớ, suy nghĩ, hành vi và khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày. Có nhiều thể bệnh sa sút trí tuệ khác nhau.
Chứng sa sút trí tuệ thể Lewy (LBD) là dạng sa sút trí tuệ phổ biến thứ 3, sau sa sút trí tuệ mạch máu và bệnh Alzheimer. Bệnh tiến triển nặng dần và gây ảnh hưởng lớn đến khả năng nhận thức và vận động của người bệnh.
Các thống kê cho thấy ở Hoa Kỳ, chứng bệnh này đang gây ảnh hưởng đến khoảng 1,4 triệu người cũng như là gia đình của họ.
2. Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra loại sa sút trí tuệ này
2.1 Nguyên nhân gây sa sút trí tuệ thể Lewy
Theo các nhà khoa học, LBD xảy ra là do sự tích tụ, lắng đọng alpha-synuclein – một khối chất protein trong não. Theo Viện Lão khoa Quốc gia Hoa Kỳ (NIA), alpha-synuclein đóng vai trò quan trọng, đặt biệt là ở các khớp thần kinh. Ở những người bị bệnh này, các thể Lewy hình thành bên trong các khớp thần kinh, khiến các tế bào thần kinh hoạt động kém hiệu quả, thậm chí chết đi.
Khi xuất hiện, alpha-synuclein ngăn cản việc tạo ra acetylcholin và dopamin – 2 chất quan trọng đối với hoạt động và chức năng của não. Trong đó, acetylcholin thường liên quan đến trí nhớ và khả năng học tập. Còn dopamin ảnh hưởng đến khả năng di chuyển, tâm trạng và giấc ngủ.
2.2 Các yếu tố nguy cơ gây sa sút trí tuệ thể Lewy
– Tuổi tác: Chứng LBD thường xảy ra ở độ tuổi từ 50 – 85. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng chứng sa sút trí tuệ ở dạng này phát triển cao nhất từ 70-79 tuổi.
– Bệnh Parkinson: Các nghiên cứu cho thấy khoảng 40% bệnh nhân mắc bệnh Parkinson sẽ phát triển sa sút trí tuệ do bệnh Parkinson. Chứng bệnh này thường xảy ra sau khoảng 10 đến 15 năm từ người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson.
– Trình độ học vấn: Thời gian học tập càng ngắn thì nguy cơ mắc chứng LBD càng cao.
– Trầm cảm: Nguy cơ phát triển chứng LBD có xu hướng gia tăng ở những người bị trầm cảm và lo âu.
– Ăn uống: Một số nghiên cứu cho thấy những người thường xuyên tiêu thụ caffein có nguy cơ thấp mắc chứng bệnh này.
– Di truyền: Khoảng 10% trường hợp LBD có liên quan đến di truyền. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh thì nguy cơ mắc bệnh khi còn trẻ sẽ cao hơn người bình thường.
– Tăng động: Một nghiên cứu đăng trên tạp chí European Journal of Neurology cho thấy, gần 50% số người bệnh tham gia nghiên cứu có rối loạn tăng động giảm chú ý.
– Giới tính: Đàn ông có tỉ lệ mắc bệnh cao gấp phụ nữ 2 lần.
3. Triệu chứng của sa sút trí tuệ dạng Lewy
Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của sa sút trí tuệ thường nhẹ và không rõ ràng. Các dấu hiệu đầu tiên của bệnh gồm: ảo giác thị giác, nghe hoặc ngửi kém. Trong đó, ảo giác thị giác ảnh hưởng đến hơn 80% người mắc loại sa sút trí tuệ này.
Các biểu hiện trở nên rõ ràng hơn theo thời gian bao gồm các triệu chứng về nhận thức, vận động và giấc ngủ:
3.1 Các triệu chứng về nhận thức
Người bệnh có thể gặp các vấn đề nhận thức như lú lẫn, lơ mơ và ngủ lịm đi, khó tập trung, giảm trí nhớ…
Các triệu chứng của sa sút trí tuệ cũng có thể gây khó khăn cho người bệnh trong việc diễn đạt, sử dụng ngôn ngữ, ghi nhớ các con số, lên kế hoạch, giải quyết vấn đề. Một số người bị mất định vị trong không gian.
3.2 Triệu chứng vận động
Các bất thường về vận động ở những người bị sa sút trí tuệ dạng Lewy gồm: khó nuốt, hay té ngã, khó phối hợp các động tác, đi chậm, viết chữ nhỏ hơn, co cứng cơ, giọng nói yếu đi.
3.3 Triệu chứng về giấc ngủ
Khó ngủ là tình trạng thường xảy ra ở những người bị sa sút trí tuệ thể này. Người bệnh có thể có biểu hiện của hội chứng chân không yên, tăng chuyển động khi ngủ, ngã khỏi giường, mơ, nói chuyện khi ngủ, mộng du,…
3.4 Các triệu chứng về hành vi và tâm trạng
Protein lắng đọng trong não của những người mắc bệnh sa sút trí tuệ dạng này cũng gây ra các hành vi và tâm trạng bất ổn như: ảo tưởng, trầm cảm, bồn chồn, lo âu…
Ngoài ra những thay đổi với cơ thể và não bộ ở những người mắc bệnh này có thể dẫn tới các triệu chứng như táo bón, hoa mắt, chóng mặt, ngất, mất vị giác hoặc khứu giác, giảm ham muốn, tiểu tiện không tự chủ.
4. Chẩn đoán
Để chẩn đoán chứng sa sút trí tuệ dạng này các bác sĩ cần khai thác các triệu chứng mà người bệnh gặp phải, sử dụng các bài tập và câu hỏi để đánh giá về tinh thần.
Ngoài ra, các xét nghiệm máu, phương pháp MRI, CT scan có thể được sử dụng để phân biệt với các bệnh lý có dấu hiệu tương tự.
5. Điều trị
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp nào cụ thể để điều trị bệnh sa sút trí tuệ dạng này. Việc điều trị căn bệnh này chủ yếu nhằm giúp kiểm soát triệu chứng. Phương pháp điều trị bao gồm:
5.1 Điều trị bằng thuốc
Người bệnh có thể được các bác sĩ chuyên khoa kê cho một số loại thuốc giúp giảm ảo giác, lú lẫn, lơ mơ, cải thiện các vấn đề di chuyển và giấc ngủ.
5.2 Các phương pháp trị liệu
Vật lý trị liệu, các liệu pháp ngôn ngữ có thể giúp cải thiện các vấn đề về vận động, giao tiếp.Các hoạt động và bài tập được thiết kế riêng có thể giúp bệnh nhân cải thiện trí nhớ, kĩ năng giải quyết vấn đề và khả năng ngôn ngữ.
Những thông tin về bệnh sa sút trí tuệ dạng thể Lewy trên đây hi vọng có thể giúp bạn hiểu hơn về căn bệnh này, từ đó nhận diện sớm và điều trị hiệu quả. Khi thấy các triệu chứng bất thường về nhận thức và vận động, bạn cần thăm khám sớm chuyên khoa Nội thần kinh để được chẩn đoán và điều trị chính xác, hiệu quả.