Rối loạn nhịp tim chỉ tình trạng nhịp tim bất thường, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh có thể gây nên một số triệu chứng như: hồi hộp, đánh trống ngực, đau tức ngực và khó thở. Để hiểu hơn rối loạn nhịp tim là gì cũng như triệu chứng cụ thể và phương pháp điều trị.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu chung rối loạn nhịp tim là gì?
1.1. Rối loạn nhịp tim là gì, có mấy loại?
Nhịp tim là số lần tim đập trong vòng một phút. Nhịp tim đập nhanh khi bạn tập thể dục, chạy, leo cầu thang hay đang cảm thấy hồi hộp, lo lắng. Nhịp tim đập chậm khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi hoặc khi ngủ.
Rối loạn nhịp tim là tình trạng nhịp đập hay tốc độ của tim hoạt động không bình thường. Biểu hiện là nhịp tim bất thường, đập quá nhanh hoặc quá chậm, có khi không đều lúc nhanh lúc chậm.
Ở một người trưởng thành có sức khỏe tim mạch tốt, nhịp tim nghỉ ngơi sẽ dao động trong khoảng 60 đến 90 nhịp/phút. Trường hợp tim nghỉ ngơi đập hơn 100 nhịp trên phút thì được xem là nhịp tim nhanh. Ngược lại nếu nhịp tim khi nghỉ ngơi ít hơn 60 nhịp trên phút được đánh giá là nhịp tim chậm.
Rối loạn nhịp bao gồm một số nhóm bệnh chính như sau:
– Rung tâm nhĩ
– Cuồng nhĩ
– Nhịp nhanh trên thất
– Nhịp nhanh thất
– Rung tâm thất:
– Nhịp tim chậm
– Hội chứng nút xoang
– Block tim
– Nhịp tim sớm.
1.2. Rối loạn nhịp tim là gì, có nguy hiểm không?
Một số trường hợp rối loạn nhịp tim nhẹ chưa ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên người bệnh không nên chủ quan mà không đi khám và điều trị sớm có thể đe dọa tính mạng và gây ra các biến chứng nguy hiểm bao gồm:
Đột quỵ
Người có nhịp tim rối loạn có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 5 lần người bình thường. Nguyên nhân là do khi rối loạn nhịp, máu không thể lưu thông đến các bộ phận trên cơ thể, từ đó làm tăng nguy cơ hình thành nên các cục máu đông. Những cục máu đông hình thành trong tâm nhĩ di chuyển lên não, làm tắc hoặc hẹp mạch máu dẫn đến đột quỵ.
Giảm khả năng gắng sức, ảnh hưởng sinh hoạt – vận động
Để di chuyển, vận động và làm việc, cơ thể cần được cung cấp máu có oxy đầy đủ và liên tục. Khi nhịp tim bị rối loạn, tim không thể đảm bảo bơm đủ máu đến các bộ phận khác khiến cơ thể mệt mỏi, yếu sức khi vận động. Nếu bệnh trở nặng, người bệnh còn cảm thấy mệt ngay cả khi đang nghỉ ngơi.
Suy tim
Nhịp tim rối loạn trong thời gian dài làm giảm khả năng bơm máu của tim, tim không được nuôi dưỡng đủ chất dễ gây ra tình trạng suy tim. Bên cạnh đó, hiệu quả bơm máu của tim bị giảm khiến tim phải co bóp liên tục, làm việc nhiều hơn để cung cấp đủ lượng máu ra tuần nơi đi nuôi khắp cơ thể. Đây cũng là yếu tố khiến chức năng tim suy yếu và dẫn đến biến chứng suy tim.
Đột tử
Một số trường hợp loạn nhịp tim không có triệu chứng rõ ràng hoặc triệu chứng chỉ thoáng qua. Tuy nhiên sau đó khi cơn loạn nhịp tái phát có thể gây ra đột tử. Đây là biến chứng nguy hiểm vì diễn biến âm thầm, khó kiểm soát.
2. Các triệu chứng nổi bật của nhịp tim rối loạn
– Xuất hiện các cơn khó thở kèm cảm giác đau tức ngực, nặng ngực.
– Thở ngắn, thở dốc.
– Chóng mặt, choáng váng, cảm giác bị mất thăng bằng.
– Tim đập mạnh, dồn dập, đánh trống ngực.
– Thường xuyên cảm thấy hồi hộp, lo lắng và trong trạng thái bồn chồn.
– Tim ngừng đập vài giây rồi đập mạnh trở lại.
– Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, yếu sức và dễ hụt hơi.
– Ngất xỉu là triệu chứng cảnh báo bệnh chuyển nặng và gây nguy hiểm khi đang tham gia giao thông hay leo cầu thang.
Ngay khi xuất hiện các triệu chứng tim đập nhanh hoặc chậm bất thường, người bệnh cần thăm khám sớm để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
3. Các phương pháp chẩn đoán và ngăn ngừa rối loạn nhịp tim
3.1. Chẩn đoán rối loạn nhịp như thế nào?
– Khám lâm sàng:
Hỏi các thông tin triệu chứng bệnh nhân đang gặp phải.
Thông tin tiền sử gia đình bị rối loạn nhịp tim và các bệnh tim mạch nói chung.
Hỏi thông tin về chế độ ăn uống, lối sống, sinh hoạt hàng ngày.
– Khám cận lâm sàng, người bệnh có thể được thực hiện một trong những phương pháp sau
Điện tâm đồ
Chụp CT mạch vành
Siêu âm tim xem hình ảnh, cấu trúc và chuyển động tim
Điện tâm đồ ECG
3.2. Những biện pháp phòng ngừa rối loạn nhịp
Để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh rối loạn nhịp và bệnh tim mạch nói chung, nên thực hiện lối sống lành mạnh và chăm sóc sức khỏe tim mạch như:
Thực hiện chế độ ăn nâng cao sức khỏe tim
Tăng cường bổ sung trái cây, rau củ quả tươi và ngũ cốc nguyên hạt. Chỉ nên ăn da cầm bỏ da, đậu và thực phẩm chất béo. Đồng thời nên hạn chế các thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol cao như lòng đỏ trứng và các loại thịt đỏ. Thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán, thực phẩm quá mặn cũng nên đưa vào danh sách hạn chế.
Xây dựng và theo đuổi lối sống khoa học, lành mạnh
Duy trì việc tập luyện mỗi ngày, đều đặn từ 30-45 phút với môn tập phù hợp. Tập luyện giúp tăng cường thể lực và duy trì mức cân nặng phù hợp. Giảm cân giúp ổn định chỉ số cholesterol, huyết áp – đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến nhịp tim.
Bên cạnh đó nên hạn chế đồ uống có cồn và caffein, tránh hút thuốc kể cả thuốc lá điện tử. Luôn giữ tinh thần thoải mái, tránh để bị quá căng thẳng hay giận dữ khiến nhịp tim bị ảnh hưởng. Khi tức giận, cần ngồi nghỉ và hít thở sâu để nhịp tim bình ổn trở lại.
Luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi uống bất kỳ loại thuốc nào, một số loại thuốc có chứa chất kích thích khiến nhịp tim đập nhanh. Tốt nhất nên uống thuốc theo đơn của bác sĩ để đảm bảo sự an toàn.
Một số lưu ý cho bệnh nhân rối loạn nhịp tim
Người bệnh nên tập các phương pháp kiểm soát hơi thở và nhịp tim như hít thở sâu, thở chậm để nhịp tim ổn định.
Khi nhịp tim tăng nhanh hoặc cảm thấy khó chịu ở ngực, bệnh nhân nên ngồi nghỉ tại chỗ và nhờ sự hỗ trợ của người thân. Nếu sự khó chịu lặp đi lặp lại liên tục, bạn nên đi khám để xác định rõ tình trạng.
Hi vọng qua bài viết, bạn đọc đã hiểu được “rối loạn nhịp tim là gì” và có thêm kiến thức để điều trị cũng như phòng ngừa căn bệnh này.