Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng răng hàn bị đau. Tùy vào thời điểm răng bị đau ngay sau khi thực hiện hàn hoặc đau sau một thời gian dài, chúng ta phần nào có thể xác định nguyên nhân gây đau. Tuy nhiên để có chẩn đoán chính xác nhất thì vẫn cần có sự thăm khám, kiểm tra của nha sĩ, từ đó có phương pháp khắc phục thích hợp.
Menu xem nhanh:
1. Xác định giai đoạn răng hàn bị đau
Hàn răng là kỹ thuật nha khoa được sử dụng để thay thế các mô răng bị sâu, hỏng bằng vật liệu nhân tạo như Amalgam hoặc Composite, với mục đích tái tạo và khôi phục lại hình dáng và chức năng của răng. Kỹ thuật này có thể áp dụng cho tất cả các răng, kể cả các răng chịu áp lực nhiều từ hoạt động nhai như răng hàm. Tuy nhiên, các lỗ sâu hoặc vùng sứt mẻ cần đảm bảo kích thước không quá lớn.
Mặc dù hàn trám lỗ sâu, mẻ răng là một kỹ thuật nha khoa phổ biến và dễ thực hiện gần như tại bất cứ nha khoa nào, nhưng đôi lúc cũng xảy ra sai sót trong quá trình thực hiện và xuất hiện những biến chứng không ngờ trước. Trong đó phổ biến nhất là tình trạng răng hàn bị đau, thường xảy ra vào 2 thời điểm và tại mỗi thời điểm sẽ có những điểm đặc trưng và cách xử lý khác nhau.
1.1 Đau nhức ngay sau khi hàn răng
Răng vừa mới hàn sẽ nhạy cảm hơn bình thường và rất dễ bị ê buốt khi tiếp xúc với không khí, thực phẩm có nhiệt độ nóng lạnh bất thường và nhất là áp lực từ hoạt động ăn nhai.
Nếu tình trạng đau nhức răng xảy ra vào thời điểm này thì đây là điều hết sức bình thường nên không cần phải quá lo lắng. Sau khi hàn răng, đau nhức sẽ thường chỉ xuất hiện trong vài ngày đầu tiên và sẽ giảm dần rồi hết hẳn vào những ngày sau đó.
1.2 Răng hàn bị đau sau một thời gian
Nếu sau một tuần tình trạng đau nhức, ê buốt tại răng vừa hàn của bạn vẫn chưa suy giảm thì bạn cần trở lại nha khoa để bác sĩ kiểm tra tình trạng miếng trám, xác định nguyên nhân gây nên đau nhức và có biện pháp khắc phục phù hợp.
Đối với các trường hợp bệnh nhân hàn răng khá lâu, kéo dài khoảng 2-3 năm nhưng đến hiện tại mới có dấu hiệu đau nhức răng thì việc đến nha khoa thăm khám lại vẫn cần thiết vì có thể miếng trám răng quá cũ và cần thực hiện trám lại.
Những trường hợp chưa thể sắp xếp đến nha khoa ngay tại thời điểm đau nhức để được thăm khám, người bệnh cần lưu ý tránh ăn nhai ở phía hàm có răng bị đau, hạn chế ăn các loại thực phẩm có nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh để tránh làm tổn thương các mô răng đang nhạy cảm.
2. Những nguyên nhân gây đau nhức răng hàn
2.1. Bác sĩ có tay nghề không cao
Đây là một trong những nguyên nhân gần như là phổ biến nhất khiến răng bị đau nhức ngay sau khi trám. Hầu hết trường hợp này xảy ra do người bệnh mắc phải các bệnh lý răng miệng như: sâu răng, viêm tủy,… nhưng bác sĩ bỏ qua không điều trị hoặc điều trị chưa triệt để mà đã tiến hành hàn trám răng, điều này khiến việc đau nhức là điều không thể tránh khỏi.
Một nguyên nhân nữa liên quan đến nha sĩ thực hiện trám răng nữa là có thể thay nghề của nha sĩ chưa cao, hàn răng không đúng kỹ thuật nên làm cho chiếc răng vừa điều trị bị cao hơn chiếc răng bên cạnh. Tình trạng này sẽ làm tăng áp lực khi nhai lên chiếc răng vừa hàn trám, còn chưa ổn định, từ đó gây nên tình trạng nứt miếng trám răng khi ăn và sinh ra đau nhức do thức ăn lọt vào hố điều trị.
2.2 Vật liệu hàn răng không đạt chất lượng
Nguyên nhân này thường hay xảy ra khi người bệnh chọn phải nha khoa nhỏ, không có tên tuổi và kém uy tín. Tại những cơ sở này, vì muốn chạy theo lợi nhuận, họ có thể sử dụng các vật liệu trám răng chất lượng kém, không đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, do đó miếng trám sẽ rất nhanh bị nứt, tạo điều kiện cho thức ăn dính dắt vào, lâu ngày không những gây đau nhức mà còn làm xuất hiện hôi miệng và các bệnh lý răng miệng khác.
Ngoài ra có một vài trường hợp bệnh nhân có cơ địa bị dị ứng với vật liệu hàn răng cũng có thể sinh ra đau nhức, ê buốt.
2.3 Chăm sóc răng tại nhà không tốt
Chế độ chăm sóc và vệ sinh răng miệng tại nhà của bạn cũng ảnh hưởng rất lớn đến kết quả và độ bền của khu vực hàn răng. Một chế độ chăm sóc tốt, không ăn, cắn các thức ăn cứng là cách giúp duy trì độ bền của răng đã hàn.
Việc thường xuyên dùng răng cắn vật cứng, cạy mở nắp chai, cắn mở bao bì thực phẩm hoặc nhai đá, nhai sụn,… không những đem lại nguy cơ vỡ mẻ răng lành mà còn ảnh hưởng lớn miếng trám. Đối với tình trạng nhẹ thì có thể gây nứt mẻ nhỏ tại miếng trám, nặng hơn miếng trám sẽ vỡ vụn, bung bật ra khỏi vị trí, thậm chí có thể răng gốc cũng sứt mẻ thêm..
3. Răng hàn bị đau nhức cần làm gì?
3.1 Đến nha khoa kiểm tra
Tùy vào thời điểm cũng như mức độ đau răng và thời gian bị đau, người bệnh có thể xác định xem mình có cần phải đến nha khoa để kiểm tra không:
– Đau ngay sau khi thực hiện kỹ thuật hàn trám tại nha khoa: Đây là tình trạng bình thường nên chưa cần phải đi kiểm tra lại. Thường người bệnh sẽ chỉ đau trong khoảng từ 1 – 2 ngày đầu, sau đó sẽ giảm dần và hết đau hẳn. Để giảm đau và khó chịu, người bệnh chỉ cần thực hiện chườm đá tại nhà hoặc các phương thức theo lời khuyên của nha sĩ.
– Đau kéo dài trong hơn 1 tuần sau hàn răng: Lúc này người bệnh cần đến nha khoa thăm khám sớm nhất có thể vì nguyên nhân gây đau có thể do sai sót trong quá trình thực hiện, sai lệch trong kỹ thuật thực hiện hoặc vật liệu hàn răng không phù hợp với cơ địa của bệnh nhân.
– Đau xảy ra sau 2-3 năm hàn răng: Người bệnh cũng nên đi khám răng để kiểm tra lại vị trí hàn do ở điều kiện bình thường, độ bền của miếng trám cũng chỉ kéo dài từ 2 – 3 năm. Bên cạnh đó, trong thời gian này có khả năng việc chăm sóc và vệ sinh răng tại nhà không đúng cách đã làm ảnh hưởng đến độ bền của chiếc răng hàn. Nha sĩ sẽ kiểm tra và tùy thuộc vào tình trạng răng để đưa ra các giải pháp phù hợp cho bệnh nhân.
3.2 Cách điều trị răng hàn bị đau
Chỉ có bác sĩ mới có thể xác định chính xác và rõ ràng nguyên nhân gây ê buốt, đau nhức sau khi trám răng. Chính vì vậy, khi gặp vấn đề với răng đã hàn, người bệnh nên đến nha khoa để bác sĩ khám và có biện pháp điều trị phù hợp.
– Nếu do dị ứng với vật liệu trám: Nha sĩ sẽ tư vấn sử dụng loại vật liệu trám khác, phù hợp hơn với người bệnh, thường là Composite – loại vật liệu trám đã được chứng minh là vô cùng lành tính với cơ thể người.
– Nếu do hàn răng sai kỹ thuật nên ảnh hưởng đến khớp cắn hoặc do miếng trám bị vỡ: Nha sĩ sẽ tháo bỏ hoàn toàn miếng trám cũ và thực hiện lại quy trình hàn răng đầy đủ như khi hàn răng mới cho bạn.
– Nếu do nguyên nhân bệnh lý: Nha sĩ cũng sẽ tháo bỏ vật liệu hàn răng cũ, đồng thời điều trị dứt điểm các bệnh lý răng miệng đang mắc phải và loại bỏ hoàn toàn các tác nhân gây đau. Sau đó bệnh nhân có thể lựa chọn hàn lại hoặc bọc sứ tùy theo tình trạng cụ thể của chiếc răng và tư vấn của nha sĩ.
4. Chăm sóc răng sau khi hàn
Để hạn chế và giảm tình trạng đau răng sau khi hàn, người bệnh cần có chế độ chăm sóc răng và ăn uống phù hợp:
– Chườm lạnh/đá tại vùng bị đau nhức.
– Chải răng 2 lần/ngày với bàn chải lông mềm và dùng kem đánh răng có chứa hàm lượng Fluor thích hợp để đảm bảo hiệu quả làm sạch mảng bám và ngăn sự phát triển của vi khuẩn.
– Súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng chuyên dụng sau khi đánh răng để loại bỏ những vi khuẩn gây hại có trong khoang miệng..
– Thay tăm tre nhọn bằng sử dụng chỉ nha khoa khi lấy thức ăn thừa trong kẽ răng hoặc dùng máy tăm nước.
– Không cắn, nhai vào những đồ vật quá cứng như nắp chai, đầu bút, móng tay hoặc nhai đá, ăn sụn vì rất có thể khiến miếng trám bị nứt, vỡ.
– Khám răng định kỳ 3 – 6 tháng/lần tại nha khoa uy tín để kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe răng miệng. Đồng thời, nha sĩ cũng sẽ kiểm tra miếng trám xem có gặp vấn đề không, từ đó sẽ đưa ra phương án xử lý kịp thời.
Hy vọng những thông tin trên đây đã phần nào giúp bạn biết thêm về hàn răng và những nguyên nhân khiến răng hàn bị đau. Nếu bạn gặp tình trạng đau nhức răng đã hàn, đừng ngại đến nha sĩ để được chẩn đoán chính xác nhất, từ đó đưa ra phương pháp tối ưu và kết quả điều trị tốt nhất có thể.