Menu xem nhanh:
Thế nào là rách sừng sau sụn chêm trong?
Sụn chêm nằm lót giữa đầu dưới xương đùi và đầu trên xương chầy là hai tấm sụn có đặc tính bền, dai, và đàn hồi. Có hai sụn chêm nằm ở phía trong và phía ngoài khớp gọi là sụn chêm trong và sụn chêm ngoài. Mỗi sụn chêm có ba phần: sừng trước, sừng sau và thân giữa. Sụn chêm trong được phân chia 3 vùng dựa theo tính chất cấp máu:
Vùng giàu mạch máu nuôi: Chiếm 1/3 ngoài (bờ bao khớp), vùng này có đầy đủ mạch máu nuôi, rách vùng này dễ phục hồi nếu phát hiện sớm và điều trị đúng.
Vùng trung gian: Ở 1/3 giữa, mạch máu bắt đầu giảm dần, tổn thương có thể lành khi điều trị đúng nhưng kết quả thấp hơn vùng 1/3 ngoài.
Vùng vô mạch: 1/3 trong (bờ tự do), không có mạch nuôi, rách ở đây không có khả năng phục hồi, thường phải cắt bỏ phần rách.
Tình trạng rách sừng sau sụn chêm trong xảy ra khi bộ phận sừng sau sụn chêm trong bị rách do chấn thương, tai nạn… Đây là vùng vô mạch, không có mạch nuôi nên tổn thương xảy ra ở đây sẽ không thể phục hồi. Biện pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật cắt bỏ phần sụn chêm bị rách.
Các kiểu rách sụn chêm khác nhau
Trong các trường hợp chấn thương, sụn chêm sẽ bị rách theo nhiều kiểu khác nhau. Các kiểu rách được phân biệt dựa theo từng hình dạng và vị trí chỗ rách. Các dạng rách sụn chêm nói chung, trong đó có rách sụn chêm trong thường gặp bao gồm:
-Theo vị trí: rách sừng trước, sừng sau, thân; rách vùng vô mạch, vùng có mạch nuôi.
-Theo hình dạng: rách hình nan hoa, hình mỏ, hình quai vali, rách dọc, rách ngang….
-Rách phức tạp.
Nguyên nhân gây rách sừng sau sụn chêm trong
Ở người trẻ: Rách sụn chêm thường xảy ra đột ngột sau một chấn thương trong trạng thái gối gấp (ngồi xổm) đồng thời chân bị vặn xoắn, thường gặp trong chấn thương thể thao, tai nạn giao thông.
Ở người có tuổi: Rách sụn chêm thường do thoái hóa. Bệnh nhân ngồi ghế và đứng lên đột ngột trong tư thế bất lợi, chân hơi vặn, cũng có thể gây rách sụn chêm. Rách sụn chêm ở người già thường kèm theo bong và mòn sụn khớp.
Dấu hiệu nhận biết rách sừng sau sụn chêm trong
Khi sụn chêm rách, có các dấu hiệu sau xảy ra:
– Có thể nghe thấy âm thanh giống như tiếng nổ nhỏ ở vị trí rách ngay khi xảy ra chấn thương.
-Ngay sau khi sụn chêm bị rách, đa số bệnh nhân vẫn bước đi hoặc vận động bình thường như trước đó. Tuy nhiên, khoảng 2-3 ngày sau gối dần dần sưng lên và cảm giác mất linh hoạt gối.
-Các triệu chứng thường gặp khác của rách sụn chêm: đau gối; sưng và hạn chế vận động gối; khớp gối bị kẹt, hoặc có tiếng lục cục trong khớp khi vận động; gối không thể gấp duỗi hết tầm; khi khám: ấn vào khe khớp bệnh nhân đau; thực hiện nghiệm pháp Mac Murray và Appley cho kết quả dương tính.