Trong những tháng đầu đời, tiêm phòng cho trẻ sơ sinh giúp để phòng nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B,… Vậy cha mẹ đã nắm rõ được quy trình tiêm chủng cho trẻ hay chưa? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây để có quy trình tiêm chủng cho trẻ sơ sinh an toàn và hiệu quả nhé!
Menu xem nhanh:
1. Giá trị mà tiêm chủng mang lại cho trẻ sơ sinh
1.1. Công dụng của vắc xin mang lại
Ở những ngày đầu đời, hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh còn non yếu nên dễ bị các loại virus, vi khuẩn tấn công và gây bệnh. Vậy nên để bảo vệ trẻ khỏi nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, vắc xin được ra đời để giúp cơ thể tạo ra các kháng thể cần thiết. Vắc xin sẽ “huấn luyện” cho hệ miễn dịch ghi nhớ các tác nhân gây bệnh (virus. vi khuẩn). Từ đó, ngay lập tức tạo ra kháng thể khi phát hiện có sự xâm nhập trở lại vi khuẩn, virus.
Khi không được tiêm vắc xin, tiêm không đầy đủ hoặc tiêm muộn có thể khiến cho trẻ mắc rất nhiều bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm vì khi đó cơ thể chưa có kháng thể để tự bảo vệ mình. Các bệnh lý truyền nhiễm có thể gây nhiều biến chứng và cản trở sự phát triển của trẻ trong tương lai. Trong trường hợp xấu nhất, bệnh có thể dẫn đến trường hợp tử vong.
Chính vì vậy, việc tiêm vắc xin có ý nghĩa cực kì quan trong trong suốt quá trình phát triển của trẻ.
1.2. Hai mũi tiêm cần thiết cho trẻ khi trong giai đoạn sơ sinh
Trẻ sơ sinh sau khi chào đời cần tiêm ngay 2 mũi vắc xin viêm gan B sơ sinh, lao sơ sinh. Cả hai đều là những bệnh lý nguy hiểm có thể dẫn đến nhiều biến chứng cho trẻ. Cụ thể:
– Tiêm vắc xin viêm gan B được thực hiện trong vòng 24 giờ đầu sau khi trẻ sinh ra. Đây là khoảng “thời gian vàng” để vắc xin giúp cơ thể trẻ tạo ra sức đề kháng lại chống virus viêm gan B, bảo vệ trẻ không bị bệnh nếu có tình cờ nhiễm virus trong đời.
– Tiêm vắc xin lao cũng cần được thực hiện trong vòng 24 giờ sau sinh, giúp trẻ phòng tránh những tác nhân gây bệnh, tránh nhiều biến chứng nặng nề ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự phát triển của trẻ trong tương lai.
2. Toàn bộ quy trình tiêm chủng dành cho trẻ sơ sinh
2.1. Các bước chuẩn bị trước tiêm trong quy trình tiêm chủng cho trẻ sơ sinh
Chuẩn bị tại nhà
Trước khi cho bé đi tiêm phòng, cha mẹ cần chú ý chuẩn bị từ nhà như sau:
– Không nên cho trẻ bú quá no, tuy nhiên cũng không nên để bé đói, tránh tình trạng bé bị hạ đường huyết sau khi tiêm.
– Vệ sinh thân thể sạch sẽ cho trẻ để hạn chế nhiễm trùng.
– Mang theo sổ tiêm phòng của trẻ và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ sức khỏe trước khi đi tiêm phòng.
– Cho trẻ mặc trang phục đơn giản để bác sĩ dễ dàng thao tác trong quá trình khám và tiêm. Không mặc quần áo quá chật và cũng không nên ủ ấm quá nhiều.
Khám sàng lọc điều kiện sức khỏe trước khi tiêm chủng
Để chuẩn bị cho các mũi vắc xin tiêm chủng “đầu đời”, tất cả trẻ sơ sinh đều được khám sàng lọc trước tiêm và để bác sĩ hướng dẫn và chỉ định mũi tiêm phù hợp.
Khi tiêm mũi sơ sinh, trẻ đang ở giai đoạn dưới 1 tháng tuổi, khi thăm khám sàng lọc, cần chú ý đến
– Tuổi thai khi đẻ.
– Tuổi thai hiệu chỉnh.
– Cân nặng của trẻ.
– Chức năng của các cơ quan.
– Các bệnh lý cấp tính, nghi ngờ mắc các bệnh suy giảm miễn dịch, phơi nhiễm HIV,…
Khi khám nếu phát hiện các biểu hiện bất thường ở trẻ, bác sĩ sẽ chỉ định cần tạm hoãn tiêm. Chỉ tiếp tục tiêm phòng khi trẻ đủ khỏe mạnh và đảm bảo điều kiện tiêm chủng.
Cụ thể như sau:
– Xuất hiện tình trạng suy giảm chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tim, suy tuần hoàn, suy thận, suy gan,…).
– Nghi ngờ mắc hoặc mắc suy giảm miễn dịch bẩm sinh, chưa xác định được mức độ hoặc suy giảm miễn dịch thể nặng.
– Phát hiện mắc các bệnh lý cấp tính, bệnh nhiễm trùng.
– Sốt hơn 38 độ C hoặc kiểm tra hạ thân nhiệt dưới 35,5 độ C.
– Trẻ có cân nặng dưới cần chuyển khám sàng lọc, tiêm chủng tại bệnh viện để theo dõi.
2.2. Khi thực hiện tiêm cho trẻ cần lưu ý những điều gì?
Sau bước thăm khám, cha mẹ sẽ được hướng dẫn đưa trẻ vào tiêm theo số phòng đã được chỉ định và theo số thứ tự tại phòng tiêm.
Khi tiêm chủng cho trẻ, cha mẹ sẽ được bác sĩ/y tá cho quan sát, kiểm tra ngày sản xuất, hãng vắc xin, loại vắc xin trước khi tiêm. Sau khi kiểm tra đầy đủ các thông tin, trẻ sẽ được thực hiện tiêm chủng theo đúng liều lượng quy định của vắc xin.
2.3. Lưu ý sau khi hoàn thành quy trình tiêm chủng cho trẻ sơ sinh
Sau khi tiêm xong, cha mẹ nên cho trẻ ở lại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi phản ứng sau khi tiêm vắc xin. Nếu xuất hiện bất kỳ biểu hiện bất thường nào, cha mẹ nên báo ngay cho nhân viên y tế để có thể kịp thời xử trí..
Sau 30 phút cần theo dõi nếu không có gì bất thường, khi đó cha mẹ cho trẻ kiểm tra sức khỏe lại trước khi ra về.
Về nhà, cha mẹ nên tiếp tục theo dõi biểu hiện của trẻ. Cụ thể:
– Theo thân nhiệt của trẻ tại nhà ít nhất 1 ngày sau khi tiêm phòng và các biểu hiện tinh thần, nhiệt độ, ăn ngủ, nhịp thở, tình trạng phát ban ở da (nếu có), phản ứng tại chỗ tiêm,…
– Trẻ có thể có một số phản ứng thông thường sau tiêm như sốt nhẹ ( dưới 38,5°C), đau hoặc sưng nhẹ tại vị trí tiêm và quấy khóc. Những phản ứng này có thể tự khỏi trong vòng 1 ngày nên không cần quá lo lắng. Khi trẻ bị sốt, cần cặp nhiệt độ 2 đến 4 giờ/lần và sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Nếu xuất hiện tình trạng trẻ sốt trên 38 độ, vết tiêm sưng tấy trên 48 giờ hoặc các biểu hiện bất thường khác không có ở trên, cần đưa trẻ tới bệnh viện để khám và điều trị kịp thời.
Mong rằng những thông tin trên đã cung cấp cho các bậc phụ huynh một số kiến thức cần thiết trong việc tiêm chủng cho trẻ sơ sinh. Từ đó có thể chủ động trong việc đảm bảo quá trình tiêm phòng cho trẻ an toàn và hiệu quả.