Chỉnh hình vách ngăn mũi là phẫu thuật được thực hiện giúp đưa vách ngăn mũi về đúng vị trí, đảm bảo cho đường thở được lưu thông cũng như ngăn ngừa các vấn đề ảnh hưởng đến sức khoẻ tổng thể.
Menu xem nhanh:
1. Chỉnh hình vách ngăn mũi là phẫu thuật gì?
Vách ngăn của mũi là một bộ phận nằm ở giữa và giúp chia đôi hốc mũi, có chiều dài khoảng 8cm, từ tiền đình mũi đến vòm họng mũi. Trên thực tế, các trường hợp vách ngăn mũi bị vẹo thường gặp và đa số là do bẩm sinh, có thể thực hiện mổ hoặc không cần mổ vẹo vách ngăn mũi. Khi còn nhỏ, biểu hiện của vẹo vách ngăn mũi không rõ rệt, tuy nhiên khi cơ thể lớn hơn thì biểu hiện ngày càng rõ hơn.
Phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn của mũi được thực hiện bằng cách xén sụn và xương vách ngăn niêm mạc để giúp tạo ra một vách ngăn thẳng. Mục đích của phẫu thuật này chính là giúp đặt lại vị trí vách ngăn vào phần trung vị, tại đường giữa của 2 bên mũi. Sau khi thực hiện xong, người bệnh sẽ được lưu thông đường thở và thở dễ dàng hơn.
2. Đối tượng chỉnh hình vách ngăn mũi
Loại phẫu thuật này được thực hiện với đối tượng có dị hình vách ngăn, khiến cản trở thông khí của mũi, sự dẫn lưu của mũi xoang, kích thích nhức đầu và đường vào của phẫu thuật nội soi mũi xoang. Bên cạnh đó, đối tượng có dị hình gây viêm xoang cũng được chỉ định thực hiện phẫu thuật này.
Tuy nhiên, phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn sẽ chống chỉ định thực hiện cho đối tượng đang bị viêm mũi xoang cấp và thường không được khuyến cáo với trẻ dưới 16 tuổi (trừ trường hợp chấn thương).
3. Quy trình chỉnh hình vách ngăn mũi
3.1 Vô cảm
Người bệnh được thực hiện tiền mê và gây mê (hoặc gây tê cục bộ dưới niêm mạc). Nếu có điều kiện, người bệnh có thể thực hiện gây mê nội khí quản – một phương pháp được sử dụng phổ biến tại các cơ sở y tế hiện nay. Phương pháp này có nhiều ưu điểm nổi bật như giúp thông thoáng đường hô hấp, hút khí quản dễ dàng và kiểm soát tốt được hô hấp trong suốt thời gian phẫu thuật diễn ra. Dưới tác dụng của thuốc gây mê, người bệnh sẽ mất ý thức tạm thời nhưng vẫn có thể tự thở hoặc thở máy qua nội khí quản.
3.2 Thực hiện kỹ thuật
Bác sĩ thực hiện lần lượt 7 thì dưới đây:
– Thì 1: Tiến hành rạch niêm mạc
Một đường rạch sẽ kéo dài từ niêm mạc vách ngăn cho tới màng sụn, đường này hơi cong từ sống mũi cho tới sàn mũi, cách tiền đình một khoảng 1 – 1.5cm.
– Thì 2: Bóc tách phần niêm mạc
Nhẹ nhàng bóc tách phần niêm mạc, màng sụn ra khỏi sụn. Sau đó, sụn sẽ được rạch đứt và tiếp tục làm tương tự với bên đối diện.
– Thì 3: Bộc lộ ra phần ngăn sụn và xương
Dùng banh để banh hai mặt niêm mạc sang 2 bên để cho phần sụn và xương vách ngăn được nằm vào chính giữa.
– Thì 4: Cắt bỏ đi sụn vách ngăn bị vẹo
Nếu phần sụn vách ngăn có thể sử dụng lại được thì đặt lại với tiêu chí cố gắng bảo vệ sụn tối đa.
– Thì 5: Cắt bỏ phần xương vẹo hoặc gai gờ của vách ngăn.
– Thì 6: Phần chân của vách ngăn được đục bỏ.
– Thì 7: Đặt lại niêm mạc và khâu phục hồi.
3.3 Hậu phẫu
Sau khi thực hiện chỉnh hình, bệnh nhân sẽ được theo dõi thể trạng, đo mạch, huyết áp, nhiệt độ để xem có bất thường gì không. Ngoài ra, bác sĩ cũng kê thêm một số loại thuốc kháng sinh, giảm đau và kháng viêm để thúc đẩy quá trình lành thương diễn ra nhanh hơn. Sau khoảng 3 ngày, bệnh nhân sẽ được rút bấc và phim nhựa.
Bệnh nhân sẽ có một số những biểu hiện như chảy một ít máu trong mũi hoặc miệng, bị mệt, đau họng, ngạt mũi, khát nước, có cảm giác cảm cúm trong vòng 1 – 2 tuần đầu. Đây là những biểu hiện bình thường sau khi thực hiện kỹ thuật. Tuy nhiên, nếu máu chảy liên tục không ngừng thì cần phải đi khám ngay để bác sĩ kiểm tra và có biện pháp điều trị kịp thời.
Hy vọng rằng bài viết trên của chúng tôi đã cung cấp thông tin hữu ích về chỉnh hình vách ngăn mũi. Cần lưu ý, để phẫu thuật đạt được hiệu quả và không gây ra biến chứng, bạn cần lựa chọn các cơ sở y tế uy tín với đội ngũ bác sĩ tay nghề cao và giàu kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại.