Ung thư cổ tử cung là một trong những căn bệnh ung thư có tỉ lệ mắc cao nhất hiện nay. Phụ nữ trong độ tuổi từ 40 – 60 tuổi là nhóm đối tượng dễ mắc nhất. Tiêm phòng HPV từ sớm là biện pháp hiệu quả nhất để chủ động phòng ngừa căn bệnh này. Tuy nhiên nhiều chị em vẫn còn băn khoăn về hiệu quả của vắc xin phòng ung thư cổ tử cung đối với những người đã có quan hệ tình dục. Vậy liệu có nên tiêm phòng HPV cho những đối tượng đã quan hệ tình dục không?
Menu xem nhanh:
1. Virus HPV gây ung thư cổ tử cung là gì?
HPV là một loại virus gây nên u nhú cho con người, tuy nhiên không phải cơ thể người bệnh nào cũng xuất hiện dấu hiệu rõ rệt nhiễm virus HPV.
Virus HPV lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục, tiếp xúc da tiếp da, niêm mạc miệng, hầu họng hoặc hậu môn của người mang virus HPV. Bên cạnh đó, virus HPV còn có khả năng lây lan qua các vật dụng y tế, đồ lót cá nhân, kim bấm sinh thiết…có chứa virus. Ngoài ra, virus HPV cũng có thể lây truyền từ mẹ sang trẻ sơ sinh trong lúc chuyển dạ, khiến trẻ mắc đa bướu gai đường hô hấp.
Hiện nay ung thư cổ tử cung do virus HPV chưa có thuốc đặc trị và chỉ có tiêm phòng vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng tránh virus HPV.
2. Tìm hiểu về vắc xin phòng virus HPV
2.1 Vắc xin phòng ung thư cổ tử cung là gì?
Vắc xin phòng ung thư cổ tử cung do virus HPV là vắc xin được phát minh nhằm chống lại sự tấn công của một số chủng HPV đặc biệt như type 6,11 gây bệnh sùi mào gà và type 16,18 gây ung thư cổ tử cung ở nữ giới. Vắc xin HPV có thể dùng được cho cả nam giới và nữ giới, nhưng được khuyến cáo cho nữ nhiều hơn.
2.2 Các loại vắc xin phòng HPV hiện nay
Tại Việt Nam hiện có 2 loại vắc xin ngừa HPV được Bộ y tế cấp phép sử dụng đó là vắc xin Gardasil (Mỹ) và vắc xin Cervarix (Bỉ). 2 loại vắc xin trên có khả năng làm giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung lên đến 90% và các bệnh lý tiền ung thư tới hơn 60%.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia tiêm chủng, cả 2 loại vắc xin trên đều được kiểm chứng an toàn và hiệu quả, quan trọng nhất là chị em cần để ý để tiêm đúng lịch và đủ liều các mũi vắc xin để đạt hiệu quả phòng ngừa bệnh cao nhất.
3. Có nên tiêm phòng vắc xin HPV khi đã quan hệ tình dục?
3.1 Có nên tiêm phòng HPV khi đã quan hệ tình dục?
Vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung có hiệu quả nhất khi người được tiêm chưa từng quan hệ tình dục. Tuy nhiên, ngay cả khi chị em đã có quan hệ thì vẫn cần phải chích ngừa vắc xin HPV vì có thể người bệnh vẫn chưa tiếp xúc với các loại virus khác có trong vắc xin. Trên thực tế, người bệnh có thể tái nhiễm virus HPV nhiều lần, nghĩa là sau khi cơ thể loại bỏ virus vẫn có khả năng bị nhiễm trở lại. Đề kháng tự nhiên của cơ thể không đủ mạnh để ngăn ngừa được sự tái nhiễm, nhưng vắc xin HPV thì hoàn toàn có khả năng này.
Ngoài ra virus HPV có rất nhiều chủng (type) khác nhau, vì vậy việc chị em trước đây đã từng nhiễm 1 type HPV nào đó thì vẫn hoàn toàn có thể tiêm ngừa vắc xin HPV để tránh được sự lây nhiễm từ các chủng HPV còn lại.
3.2 Bị sùi mào gà có tiêm phòng HPV được không?
Sùi mào gà là bệnh lý khi bộ phận sinh dục xuất hiện những nốt mụn cóc. Những nốt mụn này có hình dạng như nốt sùi nhỏ, nhiều trường hợp mụn cóc li ti rất bé và khó có thể trông thấy được. Bệnh sùi mào gà ở cơ quan sinh dục là bệnh lý khá phổ biến lây truyền qua quan hệ tình dục, nguyên nhân gây ra bệnh sùi mào gà khởi phát từ sự xâm nhập của virus HPV (Human Papiloma). Virus HPV ngoài gây ra bệnh sùi mào gà còn khiến cho người bệnh có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.
Việc tiêm phòng HPV không có tác dụng tương đương như thuốc điều trị bệnh sùi mào gà, ung thư cổ tử cung, mụn cóc sinh dục…Vì vậy khi không may mắc phải sùi mào gà, chị em nên tới các cơ sở y tế khám chuyên khoa da liễu và thực hiện xét nghiệm HPV, nếu chưa nhiễm các type HPV thì có thể thực hiện tiêm phòng các mũi vắc xin HPV.
Trong trường hợp chị em đã được bác sĩ chẩn đoán sùi mào gà và đang điều trị theo phác đồ thì có thể tiêm vắc xin HPV để phòng ngừa sự tái phát của bệnh và kết hợp hỗ trợ chữa bệnh theo chỉ dẫn của bác sĩ.
4. Một số tác dụng phụ khi tiêm vắc xin HPV
Theo các chuyên gia tiêm chủng, vắc xin dù an toàn và tốt cỡ nào cũng có khả năng gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Bởi vì bản chất của tiêm phòng là mang virus bị bất hoạt để đưa vào cơ thể người được tiêm, vì vậy cơ thể sẽ tự động phản ứng để chống lại những virus lạ này. Tùy vào cơ địa mỗi người sẽ có những phản ứng sau tiêm khác nhau, nhưng hầu hết sẽ gặp các hiện tượng như sốt nhẹ, sưng đau hoặc nổi mẩn đỏ xung quanh vùng tiêm.
Cũng có một số trường hợp có phản ứng với vắc xin mạnh hơn như co giật, sốc phản vệ, sốt cao, thậm chí tử vong. Trên thực tế cùng tiêm một lọ vắc xin hoặc 1 lô vắc xin nhưng tùy người sẽ có phản ứng sau tiêm khác nhau. Điều này không phải do chất lượng vắc xin mà là do cơ địa và phản ứng của mỗi người.
Cần lưu ý vắc xin phòng HPV không phòng ngừa được tất cả các chủng HPV. Vì vậy mặc dù đã được tiêm phòng HPV nhưng chị em vẫn cần thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung hàng năm để phòng ngừa nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung từ các chủng HPV khác.
5. Phác đồ tiêm phòng vắc xin HPV
Theo khuyến cáo của Bộ y tế, vắc xin phòng HPV ngừa ung thư cổ tử cung được chỉ định với phác đồ tiêm 3 mũi cho cả trẻ em gái và phụ nữ từ 9 đến 45 tuổi.
Lịch tiêm cụ thể theo phác đồ là 0 – 2- 6 tháng: Mũi thứ 2 sau mũi đầu 2 tháng, mũi thứ 3 cách mũi đầu 6 tháng. Nếu vì 1 vài lý do không tiêm được theo đúng phác đồ trên thì có thể linh động tiêm theo hướng dẫn của bác sĩ nhưng vẫn phải đảm bảo mũi thứ 2 cách mũi đầu ít nhất 1 tháng và mũi cuối cùng cách mũi 2 tối thiểu 3 tháng
Trên đây là những thông tin về việc tiêm phòng HPV, quý khách hàng nếu cần tư vấn chi tiết về các mũi vắc xin và lịch tiêm phòng, vui lòng liên hệ tới tổng đài của Hệ thống Y Tế Thu Cúc TCI để được giải đáp thắc mắc.