Góc giải đáp Polyp túi mật là gì và có cần điều trị không?

Tham vấn bác sĩ
Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Xuân Thành

Bác sĩ Nội Khoa

Nhiều người khi khám sức khỏe định kỳ hoặc siêu âm ổ bụng tình cờ được thông báo có polyp túi mật thì rất lo lắng. Polyp túi mật là gì, có nguy hiểm không, có cần điều trị không? Tìm hiểu thông tin chi tiết trong bài viết dưới đây.

1. Polyp túi mật là gì?

Polyp túi mật là hiện tượng xuất hiện các khối u nhú mọc ra tại niêm mạc túi mật, tên gọi dễ hiểu hơn là u nhú vùng niêm mạc túi mật. Tỉ lệ xuất hiện của các u nhú ở nam và nữ là tương đương nhau và thường xuất hiện ở người trưởng thành. May mắn là đa phần các khối u nhú đều là lành tính, một số trường hợp nhỏ chuyển sang ác tính gây nguy hiểm đến tính mạng.

Polyp túi mật cũng được phân loại dựa trên đặc điểm và nguyên nhân gây ra, cụ thể có các loại như sau:

– Polyp Cholesterol: Đây là loại phổ biến nhất với tỉ lệ khoảng 50% trên tổng số các trường hợp có polyp túi mật. Về hình thức, chúng là các đốm vàng trên niêm mạc của túi mật với kích thước từ 2 – 10mm.

– Polyp cơ tuyến túi mật: Đây là loại polyp chiếm tỉ lệ 25% trên tổng số trường hợp, với kích thước lớn hơn nhiều, thường là 10 – 20mm.

– Polyp viêm: loại polyp này chiếm tỉ lệ khoảng 10%. Về hình thức, đây là những u nhú đơn độc, có cấu tạo từ những tế bào viêm, mô xơ… , kích thước khoảng 5 – 10 mm.

Một số loại polyp ít gặp hơn đó là polyp tuyến, các mô dị hình, u mỡ…

Polyp túi mật là gì có cần điều trị

Polyp túi mật là hiện tượng xuất hiện các khối u nhú mọc ra tại niêm mạc túi mật, hay thường gọi là u nhú niêm mạc túi mật.

2. Nguyên nhân xuất hiện polyp túi mật

Cho đến thời điểm hiện tại chưa có nghiên cứu nào khẳng định chính xác nguyên nhân gây ra polyp túi mật. Tuy nhiên, có rất nhiều yếu tố nguy cơ được cho là liên quan đến việc hình thành và phát triển của polyp túi mật, cụ thể là các vấn đề sức khỏe và thói quen ăn uống.

Thói quen ăn uống ảnh hưởng lớn đến sự hình thành của polyp túi mật. Các loại thực phẩm không có lợi như đồ ăn nhanh, đồ chiên rán dầu mỡ… khiến polyp túi mật xuất hiện nhiều hơn.

Một số nguyên nhân về sức khỏe được cho là làm tăng nguy cơ mắc polyp ở túi mật như là:

– Người có bệnh nền hoặc có tiền sử mắc các bệnh về gan, lớn tuổi (60 tuổi trở lên)

– Người có chỉ số mỡ máu cao, đường máu cao, bị thừa cân béo phì

– Người từng bị sỏi mật hoặc bị viêm túi mật đã điều trị nội khoa

Polyp túi mật là gì cần hiểu rõ

Nguyên nhân xuất hiện polyp túi mật có liên quan đến chế độ ăn uống không lành mạnh.

3. Polyp túi mật có cần điều trị không?

Polyp túi mật phần lớn là lành tính, tuy nhiên khi có kích thước lớn thì có thể tiến triển thành ung thư túi mật. Do đó, người có polyp ở túi mật cần thăm khám sớm để được xác định tình trạng bệnh và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Đối với các polyp có kích thước lớn, để ngăn chặn tiến triển ung thư thì thường có chỉ định phẫu thuật cắt bỏ túi mật.

3.1. Điều trị các polyp lành tính kích thước nhỏ

Đối với người có polyp túi mật, việc điều trị tập trung ở chế độ ăn uống và luyện tập. Rất ít khi phải dùng thuốc vì polyp thường không gây ra triệu chứng gì.

– Chế độ ăn uống cần chú trọng tính thanh đạm như những người mắc tim mạch hoặc huyết áp cao, nguyên tắc là nhằm giảm cholesterol xấu trong máu.

– Các loại thực phẩm tốt có tác dụng làm giảm cholesterol bao gồm: các loại đậu, hạt, chất béo từ thực vật, ăn cá nhiều thay vì ăn thịt, yến mạch… Người bệnh ăn nhạt, ăn chín uống sôi, không dùng những chất kích thích như rượu, bia, cà phê; khuyến khích uống trà xanh vì trong trà xanh có chứa những hợp chất chống oxy hóa có thể làm giảm cholesterol xấu trong máu.

– Ngoài chế độ ăn uống, người có polyp túi mật nên tích cực vận động hằng ngày với các bài tập đơn giản nhằm giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt, đồng thời giảm tình trạng béo phì ảnh hưởng xấu đến sức khỏe túi mật.

Kích thước túi mật nếu bé hơn 1.5 cm thường được theo dõi và thăm khám định kỳ kết hợp chế độ ăn uống và tập luyện. Nếu tình trạng ổn định thì không có chỉ định cắt bỏ túi mật.

Polyp túi mật là gì điều trị ra sao

Mắc polyp túi mật cần chú trọng cải thiện chế độ ăn uống và sinh hoạt.

3.2. Polyp túi mật kích thước lớn hoặc polyp ác tính

Polyp ác tính có thể được chẩn đoán dựa trên hình ảnh thấy polyp có chân lan rộng, có hình dạng kỳ lạ không đều đặn, polyp phát triển quá nhanh… Khi đó, cần có chỉ định cắt bỏ túi mật để tránh tế bào ung thư lan rộng sang cơ quan khác. Các polyp túi mật có kích thước lớn cũng có thể được tư vấn cắt bỏ để phòng ngừa ung thư. Trên thực tế, không có được thăm dò nào chuẩn xác bản chất của polyp là lành hay ác nếu chưa thực hiện phẫu thuật, do đó thường các bác sĩ sẽ có phác đồ xử trí là:

– Nếu có polyp mà bệnh nhân không xuất hiện các triệu chứng đau sốt, mỏi mệt thì định kỳ kiểm tra 6 tháng 1 lần.

– Nếu polyp kích thước lớn, cần thực hiện các xét nghiệm máu hoặc các phương pháp chẩn đoán khác, nếu bệnh nhân đau sốt thì cần phẫu thuật sớm. Với phẫu thuật cắt bỏ, bệnh nhân có thể lựa chọn phương pháp mổ mở hoặc mổ nội soi (với sức khỏe đáp ứng được các điều kiện phẫu thuật). Hiện nay, mổ nội soi là biện pháp được lựa chọn hàng đầu do có nhiều lợi thế so với mổ mở. Mổ nội soi chỉ rạch vết nhỏ trên bụng, ít xâm lấn, bệnh nhân ít đau hơn hẳn, hồi phục nhanh hơn và ít biến chứng sau quá trình phẫu thuật.

4. Kết luận

Bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu rõ polyp túi mật là gì cùng những thông tin cần thiết khác. Bạn nên đi khám sức khỏe định kỳ hằng năm để kịp thời phát hiện các polyp và được bác sĩ tư vấn cách xử trí hiệu quả. Trường hợp phải cắt bỏ túi mật để điều trị polyp cũng không cần quá lo lắng, cơ thể chúng ta vẫn tiêu hóa và hoạt động bình thường.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital