Khi khối u mũi nhỏ có thể không gây ra vấn đề gì và không được chú ý. Nhưng khi polyp mũi lớn hơn có thể chặn đường mũi, viêm xoang và gây ra khó thở, mất khứu giác, viêm xoang thường xuyên. Chính vì thế, việc hiểu đúng và điều trị kịp thời polyp mũi sẽ giúp cải thiện sớm tình trạng bệnh.
Menu xem nhanh:
Polyp mũi là gì?
Polyp mũi hình thành từ lớp niêm mạc của mũi hoặc của các xoang – là 4 khoang trống trên và sau mũi, thường do hậu quả của viêm mũi dị ứng, viêm xoang mạn tính không được điều trị triệt để hoặc do phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại các vi nấm.
Có thể có một hoặc nhiều polyp, từng chùm như chùm nho, thường mềm và có ánh ngọc trai, đặc như thạch. Bệnh thường gặp nhiều ở người trên 40 và ở trẻ em mắc các bệnh như hen phế quản, viêm mũi, xoang dị ứng do nấm, viêm xoang mạn, sổ mũi mùa và xơ nang phổi.
Dấu hiệu nào cảnh báo mắc polyp mũi?
Khi có polyp mũi, người bệnh thường có các triệu chứng giống như viêm mũi, viêm xoang: nghẹt mũi, khó thở, chảy nước mũi liên tục, thay đổi về khứu giác…
Polyp phát triển một cách chậm chạp, gây nghẹt mũi từ 1 bên hoặc 2 bên. Lúc đầu người bệnh ít chú ý nhưng khi polyp lớn dần lúc đó có cảm giác khó chịu nhất là khi phải thở bằng miệng.
Ngoài ra, người bệnh sẽ thấy những dấu hiệu kèm theo như cảm giác nặng đầu, chảy nước mũi màu xanh hay vàng, đặc, đôi khi có mùi hôi. Thỉnh thoảng có sốt nhẹ, ho có đờm. Khứu giác cũng giảm dần và có thể hoàn toàn không ngửi được mùi.
Bệnh có gây biến chứng gì không?
Thông thường khi polyp mũi nhỏ và đơn độc không gây ra vấn đề gì nghiêm trọng, ít khi gây biến chứng, nhưng nếu polyp lớn hoặc nhiều polyp nhỏ (đa polyp) có thể gây những biến chứng như: Viêm xoang cấp hoặc mạn tính, khó thở tắc nghẽn lúc ngủ, biến đổi cấu trúc của mặt gây song thị (nhìn đôi) hoặc 2 mắt xa nhau bất thường. Biến chứng này hiếm gặp và thường xảy ra nhất ở những bệnh nhân xơ nang phổi.
Làm thế nào để chẩn đoán bệnh?
Ngoài việc căn cứ vào các biểu hiện lâm sàng, các bác sĩ sẽ chỉ định làm một số xét nghiệm và kiểm tra cần thiết nhằm chẩn đoán đúng bệnh.
Nội soi mũi: Bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ có gắn máy quay vào sâu trong mũi, giúp bác sĩ quan sát bên trong mũi.
Chụp CT: Máy chụp cắt lớp là một loại hình ảnh X – ray cho phép bác sĩ để xác định vị trí polyp mũi và bất thường khác liên quan đến viêm mạn tính. Phương pháp này cũng giúp phát hiện các dị vật bất thường có thể có trong khoang mũi, như một sự phát triển ung thư.
Khi nào cần điều trị?
Vì polyp mũi có các triệu chứng gần giống như viêm mũi, viêm xoang hoặc cảm cúm,… nên người bệnh thường không nhận biết được. Tuy nhiên các triệu chứng của cảm cúm thường sẽ hết đi sau một tuần trong khi các triệu chứng của polyp không giảm đi. Người bệnh cần đến các cơ sở y tế, bệnh viện có chuyên khoa Tai mũi họng để được phát hiện và điều trị thích hợp.
Điều trị bệnh polyp mũi có 2 phương pháp chính là dùng thuốc và phẫu thuật.
Những trường hợp dùng thuốc là những polyp còn nhỏ. Các thuốc được dùng để điều trị bệnh như thuốc xịt mũi corticosteroid giúp giảm viêm hoặc corticosteroid dạng uống, chẳng hạn như prednisone.
Người bệnh cần tuân thủ theo đúng đơn thuốc điều trị của bác sĩ. Không tự ý thay đổi đơn thuốc hoặc ngừng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Đối với những polyp lớn gây khó thở, giảm hoặc mất khứu giác, ù tai… hoặc biến chứng cần phải phẫu thuật nội soi để cắt polyp và mổ xoang tạo sự thông thoáng trong mũi xoang và giảm khả năng tái phát polyp.
Bệnh viện Thu Cúc có điều trị polyp mũi không?
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc có hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại kết hợp với tay nghề cao của các bác sĩ Ngoại khoa, chuyên khoa Tai mũi họng sẽ giúp điều trị hiệu quả polyp mũi.
Bệnh viện đã điều trị thành công nhiều trường hợp phẫu thuật nội soi cắt polyp mũi, an toàn, không đau, không chảy máu, ngăn ngừa nguy cơ tái phát bệnh.
Bệnh polyp mũi có thể phòng ngừa?
Cách tốt nhất giảm sự hình thành polyp mũi là điều trị triệt để các bệnh viêm mũi, viêm xoang, tránh tiếp xúc với dị ứng nguyên và các chất gây ô nhiễm, đeo khẩu trang trong môi trường có nhiều bụi.
Thường xuyên vệ sinh mũi, rửa mũi bằng nước muối sinh lý. Tránh xa các chất kích thích như thuốc lá, hóa chất.