Gan nhiễm mỡ là tình trạng chất béo tích tụ vượt ngưỡng 5% tổng trọng lượng gan. Bệnh phổ biến hơn ở người bị béo phì, nghiện rượu hoặc bị tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid. Phương pháp chẩn đoán gan nhiễm mỡ hay không, cách điều trị bệnh sẽ được giải đáp trong bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Hiểu đúng về gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ là tình trạng bệnh lý khi gan tích tụ quá nhiều mỡ khiến chức năng gan suy giảm. Đây là bệnh lý gan mật phổ biến ở nước ta và trên thế giới, ảnh hưởng đến những người béo phì, người nghiện rượu và người mắc các bệnh mạn tính.
Việc phát hiện sớm và điều trị phù hợp rất quan trọng để duy trì sức khỏe gan, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm xảy ra. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành xơ gan, ung thư gan và suy gan.
Theo chuyên gia, hầu hết người bệnh gan nhiễm mỡ thường không biết họ mắc bệnh vì ở giai đoạn đầu bệnh không gây ra các triệu chứng đặc biệt. Tuy nhiên, khi bệnh trở nặng có thể gây ra một số triệu chứng như sau:
– Đau bụng bên hạ sườn phải
– Luôn trong trạng thái đầy bụng, ấm ách khó chịu
– Buồn nôn
– Chán ăn
– Sút cân không rõ lý do
– Vàng da, vàng mắt
– Sưng bụng
– Phù chân
– Mệt mỏi kéo dài
– Rối loạn tâm thần
– Nổi mề đay, mẩn ngứa kéo dài
2. Cách để chẩn đoán có bị gan nhiễm mỡ hay không?
2.1. Chẩn đoán gan nhiễm mỡ hay không thông qua thăm khám lâm sàng
Khi đến khám, bạn sẽ được hỏi chi tiết về tiền sử uống rượu bia bao gồm:
– Mức độ
– Hàm lượng
– Thời gian sử dụng
Những thông tin này sẽ giúp bác sĩ phân biệt gan nhiễm mỡ do rượu hoặc gan nhiễm mỡ không do rượu. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ được hỏi về thói quen ăn uống, các loại thuốc đang sử dụng và một số thông tin liên quan đến bệnh.
Tiếp đó, bác sĩ sẽ kiểm tra các triệu chứng khác như gan to, vàng da, vàng mắt, …
2.2. Một số biện pháp khác để chẩn đoán gan nhiễm mỡ hay không
Các xét nghiệm sau được dùng để phát hiện, chẩn đoán gan nhiễm mỡ, cụ thể như sau:
Kiểm tra cholesterol, triglycerid trong máu, định lượng men gan AST, ALT, GGT xem có tăng lên không. Nếu nghi ngờ gan nhiễm mỡ tiến triển thành xơ gan, cần xét nghiệm máu để kiểm tra Bilirubin, Albumin, đông máu cơ bản, protein máu.
– Xét nghiệm Virus viêm gan
Việc làm này để kiểm tra có bị viêm gan B, C hay không để ngăn ngừa viêm gan virus hoặc có hướng điều trị thích hợp.
– Siêu âm ổ bụng
Siêu âm kiểm tra hình ảnh gan tăng âm là biện pháp xác định có bị gan nhiễm mỡ hay không.
Bên cạnh đó, để chẩn đoán chính xác hơn, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh chụp cộng hưởng từ MRI gan hoặc thực hiện sinh thiết.
3. Phương pháp điều trị, cải thiện gan nhiễm mỡ
3.1. Phương pháp điều trị không dùng thuốc (cải thiện lối sống, chế độ ăn uống)
Với gan nhiễm mỡ nhẹ, phương pháp điều trị chính là điều chỉnh lối sống và chế độ dinh dưỡng, cụ thể như:
– Giảm cân: giúp giảm chất béo, viêm và sẹo tồn tại ở gan. Người bệnh chỉ cần giảm 3%-5% trọng lượng cơ thể cũng đã cải thiện lượng mỡ tích tụ.
– Tuyệt đối không uống rượu bia và đồ uống có cồn, hạn chế hút thuốc.
– Về chế độ ăn uống, người bệnh nên hạn chế thực phẩm có hàm lượng fructose và cholesterol cao, tăng cường ăn rau xanh và trái cây tươi.
– Thay đổi lối sống: tăng cường vận động, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, từ 5-6 ngày/tuần.
– Giảm cholesterol, kiểm soát lượng đường trong máu theo tư vấn của bác sĩ.
– Tiêm phòng viêm gan A, B, bệnh cúm, …
3.2. Phương pháp dùng thuốc
Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc cải thiện, điều trị bệnh gan nhiễm mỡ. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh nên các loại thuốc sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh, sức đề kháng từng người.
Một số trường hợp bác sĩ có thể khuyên bạn nên tiêm chủng ngừa virus viêm gan A, B để ngăn ngừa virus làm tổn thương gan.
3.3. Khi bị bệnh gan nhiễm mỡ, người bệnh nên sinh hoạt như thế nào?
Theo chuyên gia, bạn có thể kiểm soát tình trạng bệnh nếu lưu ý và tuân thủ một số điều sau:
– Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn biến của triệu chứng, biến chứng để có hướng xử lý kịp thời.
– Tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, không tự ý uống thuốc không được chỉ định và không được tự ý bỏ thuốc, tăng liều lượng thuốc trong đơn được kê.
– Tập thể dục, vận động đều đặn (ít nhất 30 phút mỗi ngày).
– Kiểm soát bệnh tiểu đường (nếu người bệnh bị đồng thời 2 bệnh).
– Luôn xin ý kiến bác sĩ về loại thuốc có thể khiến gan tổn thương, ví dụ như acetaminophen và một số thuốc dành cho bệnh tiểu đường và cholesterol cao.
– Giảm cân để cải thiện chỉ số BMI nếu bạn bị thừa cân/béo phì.
4. Gợi ý gan nhiễm mỡ nên uống gì?
Chuyên gia gợi ý một số loại nước phù hợp với người bệnh gan nhiễm mỡ, cụ thể như sau:
4.1. Nước ép bưởi
Nước ép bưởi chứa nhiều vitamin với công dụng giải độc, thải độc gan cho người có hàm lượng mỡ trong gan cao. Uống nước ép bưởi thường xuyên sẽ hỗ trợ tái tạo gan, bảo vệ tế bào mô được khỏe mạnh, tăng cường tính bền của thành mạch và giảm mỡ gan, mỡ máu hiệu quả.
4.2. Trà xanh
Trà xanh có rất nhiều tác dụng tốt với sức khỏe con người, cụ thể như:
– Thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể
– Đốt cháy chất béo dư thừa
– Chống viêm
– Chống vi khuẩn
– Loại bỏ gốc tự do
– Củng cố hệ miễn dịch nhờ hợp chất chống oxy hóa
– Người bệnh có thể dùng từ 2 đến 3 ly để hỗ trợ cải thiện gan nhiễm mỡ hiệu quả hơn.
4.3. Trà atiso
Người bị gan nhiễm mỡ nên uống trà atiso thường xuyên. Thành phần trong atiso có chứa hàm lượng lớn chất chống oxy hóa đem đến một số công dụng như:
– Hỗ trợ giải độc
– Giảm lượng mỡ thừa
– Phục hồi chức năng gan
4.4. Nước ép củ dền
Củ dền đỏ chứa hàm lượng lớn chất chống oxy hóa betalain, chất xơ và nhiều khoáng chất thiết yếu giúp chống ung thư, chống viêm. Với người có hàm lượng mỡ tích tụ trong gan cao nên uống nước ép củ dền để hỗ trợ chức năng giải độc gan, cải thiện quá trình đào thải mỡ thừa.