Phunuvietnam.vn – Cảnh báo mới về “hóa chất vĩnh cửu” tràn ngập trong vật dụng hàng ngày: Có thể gây vô sinh nữ?

(Theo Phunuvietnam.vn) Hóa chất vĩnh cửu đã từng được chỉ ra là có nguy cơ gây ung thư và tiểu đường ở trẻ nhỏ. Gần đây, các nhà khoa học còn nhận ra rằng nó cũng làm tăng khả năng vô sinh ở nữ giới…

1. Hóa chất vĩnh cửu là gì?

Hóa chất vĩnh cửu là một nhóm các hợp chất công nghiệp thông thường không bị phân hủy khi thải ra môi trường. Con người tiếp xúc với các hóa chất này sau khi họ tiếp xúc với thực phẩm, đất hoặc hồ chứa nước.

Cảnh báo mới về "hóa chất vĩnh cửu" tràn ngập trong vật dụng hàng ngày: Có thể gây vô sinh nữ

Các nhà khoa học đã liên kết việc tiếp xúc với hóa chất vĩnh cửu được tìm thấy trong những vật dụng như dụng cụ nấu ăn chống dính với khả năng sinh con giảm (Ảnh minh họa: Daily Mail)

Những hóa chất này – được biết đến nhiều hơn là các chất per- và polyfluoroalkyl, hay PFAS – được thêm vào dụng cụ nấu nướng, thảm, hàng dệt và các mặt hàng khác để làm cho chúng có khả năng chống thấm nước và vết bẩn tốt hơn.

Các hóa chất này có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư thận và tinh hoàn, đồng thời gây tổn hại cho hệ thống miễn dịch, cũng như dị tật bẩm sinh, cân nặng khi sinh nhỏ hơn và giảm phản ứng vắc-xin ở trẻ em.

2. Những phát hiện gây sốc về “hóa chất vĩnh cửu”

Các nhà khoa học trong nhiều năm đã cảnh báo về sự nguy hiểm của các chất perfluoroalkyl, hay PFAS. Những “hóa chất vĩnh cửu” này – được đặt biệt danh như vậy vì chúng có thể tồn tại trong môi trường hàng nghìn năm – có liên quan đến mọi thứ bệnh từ ung thư đến vô sinh.

Nhưng bằng chứng mới nhất của các nhà nghiên cứu Mỹ và Singapore cho thấy tác động của PFAS đối với khả năng sinh sản thậm chí còn lớn hơn những gì người ta nghi ngờ. Họ phát hiện ra rằng những phụ nữ có một số loại PFAS trong máu đang cố gắng thụ thai có cơ hội mang thai và sinh con thấp hơn tới 40%.

Các nhà khoa học cho biết kết quả này sẽ là lời cảnh báo cho những phụ nữ muốn có con nên tránh xa các hóa chất được thêm vào mọi thứ từ dụng cụ nấu ăn, quần áo và đồ trang điểm vì đặc tính chống vết bẩn và nước của chúng.

Những phát hiện trên được công bố trên tạp chí Khoa học về Môi trường Toàn diện, tác giả chính của nghiên cứu Tiến sĩ Nathan Cohen, một chuyên gia về y học môi trường và sức khỏe cộng đồng từ tổ chức y tế Mount Sinai ở New York, cho biết đây sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh.

Ông nói: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi sẽ là lời cảnh báo cho phụ nữ ở khắp mọi nơi về tác hại tiềm ẩn của PFAS khi họ dự định thụ thai. Chúng ta có thể giảm thiểu phơi nhiễm PFAS bằng cách tránh các sản phẩm chứa PFAS”.

Các hóa chất này có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư thận và tinh hoàn, đồng thời gây tổn hại cho hệ thống miễn dịch, cũng như dị tật bẩm sinh (Ảnh minh họa: The Sun)

Đồng tác giả Tiến sĩ Damaskini Valvi cho biết nghiên cứu của họ là một trong những nghiên cứu đầu tiên cho thấy các hóa chất này có thể gây hại cho khả năng sinh sản của cả những phụ nữ khỏe mạnh. “PFAS có thể phá vỡ các hormone sinh sản của chúng ta và có liên quan đến việc dậy thì muộn cũng như tăng nguy cơ mắc bệnh lạc nội mạc tử cung và hội chứng buồng trứng đa nang trong một số nghiên cứu trước đây. Những gì nghiên cứu của chúng tôi bổ sung là PFAS cũng có thể làm giảm khả năng sinh sản ở những phụ nữ khỏe mạnh nói chung và người đang cố gắng thụ thai một cách tự nhiên nói riêng”.

PFAS là một loại hóa chất được biết đến nhiều hơn là các chất per- và polyfluoroalkyl. Chúng được tìm thấy trong rất nhiều vật dụng hàng ngày, từ đồ nấu nướng chống dính, quần áo, bao bì thực phẩm, thảm, sơn, đồ vệ sinh cá nhân và các sản phẩm dùng trong kỳ kinh nguyệt.

Các hóa chất, được sử dụng để làm cho bề mặt chống ố và chống nước, không bị phân hủy tự nhiên trong môi trường, do đó chúng có biệt danh là hóa chất vĩnh cửu.

Trong nghiên cứu của mình, các nhà nghiên cứu Mỹ và Singapore đã phân tích các mẫu máu lấy từ 1.032 phụ nữ. Tất cả họ đều đang cố gắng có con và có độ tuổi trung bình là 30, với các mẫu được lấy từ năm 2015 đến 2017.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích các mẫu cho 15 loại PFAS cụ thể và sau đó theo dõi từng phụ nữ trong ít nhất 1 năm để xem liệu họ có thụ thai thành công hay không. Họ nhận thấy mức độ phơi nhiễm PFAS cao hơn có liên quan đến việc giảm tỷ lệ có con.

Điều này đúng với cả hai loại PFAS riêng lẻ và khi các hiệu ứng của chúng được kết hợp.

Các nhà khoa học nhận thấy hỗn hợp của PFAS (các chất per- và polyfluoroalkyl) có liên quan đến tỷ lệ mang thai thấp hơn tới 40% trong vòng một năm và cũng có thể sinh non.

Tuy nhiên, vẫn cần những nghiên cứu sâu hơn để chứng minh rõ ràng mối liên quan này.

PFAS trước đây đã được chứng minh có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư thận và tinh hoàn. Các nghiên cứu cũng cho thấy chúng làm hỏng hệ thống miễn dịch và làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh. Có khoảng 5.000 loại hóa chất khác nhau.

PFAS khác với một nhóm hóa chất phổ biến khác được gọi là phthalates được sử dụng để làm cho nhựa bền hơn và có thể tìm thấy trong sàn nhà cũng như các sản phẩm như dầu gội đầu, xà phòng và keo xịt tóc. Tuy nhiên, điểm chung của chúng là những lo ngại về sức khỏe khi tiếp xúc trong cuộc sống hàng ngày, chúng có liên quan đến các loại ung thư, hen suyễn, ADHD và béo phì.

3. Làm thế nào để có thể tránh tiếp xúc với hóa chất vĩnh cửu?

Thực tế, chúng ta khó có thể tránh được “hóa chất vĩnh cửu” bởi chúng không được liệt kê cụ thể và không xác định được mức độ tồn tại của chúng. PFAS xuất hiện quá phổ biến trong môi trường sống xung quanh chúng ta, có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới. PFAS trong quần áo có thể xâm nhập cơ thể người qua một số con đường. Chúng dễ bay hơi nên có thể tách khỏi sản phẩm, sau đó lơ lửng trong không khí và bị hít vào phổi. Chúng cũng bám vào bụi hoặc hấp thụ qua da, đồng thời hiện diện ở nhiều nơi như trong nước, đất, không khí, thực phẩm, vật liệu trong nhà hoặc nơi làm việc.

Làm thế nào để có thể tránh tiếp xúc với hóa chất vĩnh cửu?

Cần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sinh hoạt nhằm hạn chế tối đa tiếp xúc với “hóa chất vĩnh cửu” ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chính vì hóa chất vĩnh cửu không thể phân hủy và tồn tại cực kỳ lâu trong môi trường. Thời gian trở lại đây, Liên minh Châu Âu đã có sự xem xét và đưa ra những đề xuất việc cấm sử dụng các loại “hóa chất vĩnh cửu” trong sản xuất bởi những tác hại của nó. Một số nước cũng đã đưa ra tuyên bố về việc hợp tác để hoàn thiện đề xuất này, lệnh cấm PFAS thực sự rất cần thiết để giảm lượng PFAS hiện diện trong môi trường thời gian dài. Đồng thời, thúc đẩy sản xuất các sản phẩm và quy trình an toàn cho sức khỏe.

Nhận thức được những ảnh hưởng nghiêm trọng của “hóa chất vĩnh cửu”, các bác sĩ Thu Cúc TCI đã đưa một số lời khuyên nhằm hạn chế phần nào tác động của chúng đến cơ thể chúng ta.

– Hãy tránh sử dụng các sản phẩm có chứa PFAS. Để làm được điều này, bạn có thể kiểm tra nhãn hiệu và nhận biết thành phần polytetrafluoroethylene, PTFE, hoặc các thành phần “fluoro” khác và tránh mua những sản phẩm có thành phần này.

– Nên tránh sử dụng các vật liệu bao gồm PFAS, chẳng hạn như: chất chống dính, chất chống thấm nước. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng các vật liệu như thép không gỉ, thủy tinh hoặc gốm sứ.

– Hạn chế sử dụng giấy gói thực phẩm, hộp nhựa xốp đựng đồ ăn nhanh hay màng bọc thực phẩm.

– Tránh các loại mỹ phẩm trang điểm, chăm sóc cơ thể được quảng cáo là “lì, thấm sâu và lâu trôi” vì chúng cũng chứa PFAS.

– Một cách khác để tránh tiếp xúc với PFAS là không uống nước khi chưa qua xử lý

Ngoài ra, hãy sử dụng các sản phẩm hữu cơ để giảm thiểu tiếp xúc với các chất độc hại.

Công tác hạn chế sự tác động của “hóa chất vĩnh cửu” đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội. Cần đưa ra những quy định chặt chẽ và thực hiện đồng bộ từ các cấp chính quyền đến địa phương, từ tập thể cho đến mỗi cá nhân. Điều quan trọng nhất là mỗi chúng ta cần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sinh hoạt nhằm hạn chế tối đa tiếp xúc với “hóa chất vĩnh cửu”, gây vô sinh cũng như các tác động tiêu cực đến sức khỏe.

Nguồn: Báo Phụ nữ Việt Nam

https://phunuvietnam.vn/canh-bao-moi-ve-hoa-chat-vinh-cuu-tran-ngap-trong-vat-dung-hang-ngay-co-the-gay-vo-sinh-nu-20230323210135742.htm

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital