Phù hoàng điểm mắt không phải là một bệnh lý. Phù hoàng điểm là hậu quả của nhiều tổn thương khác nhau ở mắt. Thông thường, rất ít người được chẩn đoán xác định bị phù hoàng điểm ngay từ đầu vì nó không có triệu chứng rầm rộ. Chính vì vậy, nắm được thông tin cơ bản về tình trạng này là cực kỳ cần thiết để phát hiện và điều trị kịp thời, hạn chế rủi ro cho thị lực.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm phù hoàng điểm
Nằm ở trung tâm võng mạc, hoàng điểm là bộ phận trực tiếp chịu trách nhiệm tiếp nhận ánh sáng từ môi trường bên ngoài, sau khi chúng đi qua giác mạc và thủy tinh thể và trước khi chúng đến dây thần kinh thị giác và não bộ. Phù hoàng điểm là thuật ngữ nhãn khoa được sử dụng để gọi tình trạng tích tụ dịch trong hoàng điểm.
2. Nguyên nhân phù hoàng điểm
Bất cứ tình trạng tích tụ dịch bất thường nào tại hoàng điểm đều dẫn đến tình trạng phù hoàng điểm. Thông thường, dịch này rò rỉ từ những tổn thương của hệ thống mạch máu nuôi dưỡng võng mạc. Theo đó, nguyên nhân chủ yếu gây tổn thương hệ thống mạch máu võng mạc là bệnh lý võng mạc tiểu đường – một biến chứng của đái tháo đường. Phù hoàng điểm mắt do đái tháo đường là nguyên nhân phổ biến nhất gây mù lòa ở bệnh nhân tiểu đường.
Ngoài ra, phù hoàng điểm còn có thể là do biến chứng phẫu thuật mắt, bệnh lý thoái hóa điểm vàng ở người cao tuổi và nhiều bệnh lý viêm nhiễm nhãn khoa khác.
– Phẫu thuật mắt: Phù hoàng điểm là nguy cơ của mọi phẫu thuật nhãn khoa, bao gồm: Phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể (1% – 3% bệnh nhân phẫu thuật đục thủy tinh thể có thể bị phù hoàng điểm mắt sau một vài tuần), phẫu thuật điều trị tăng nhãn áp, phẫu thuật điều trị các bệnh lý võng mạc. Nếu một mắt xuất hiện phù hoàng điểm, 50% khả năng mắt còn lại cũng sẽ xuất hiện tình trạng này. Phù hoàng điểm sau phẫu thuật mắt thường nhẹ, kéo dài và đáp ứng điều trị tích cực.
– Thoái hóa điểm vàng ở người cao tuổi: Là một bệnh lý đặc trưng bởi sự suy giảm chức năng của hoàng điểm. Trong thoái hóa điểm vàng do tăng sinh tân mạch, các tân mạch thường yếu, dễ tổn thương. Khi những tân mạch vỡ, dịch rò rỉ vào hoàng điểm và gây phù.
– Tắc nghẽn mạch máu võng mạc: Khi tĩnh mạch võng mạc tắc nghẽn, máu không thoát đúng cách mà rò rỉ vào võng mạc. Nếu máu chảy vào hoàng điểm, hoàng điểm sẽ phù. Mức độ rò rỉ hay mức độ phù hoàng điểm phụ thuộc tình trạng tắc nghẽn, số lượng tĩnh mạch tắc nghẽn và nhãn áp. Tắc nghẽn tĩnh mạch võng mạc thường là do xơ vữa động mạch do tuổi tác, bệnh lý tiểu đường, huyết áp cao và các bệnh lý nhãn khoa như tăng nhãn áp,…
– Bệnh lý viêm nhiễm nhãn cầu: Tiêu biểu là viêm màng bồ đào. Đây là bệnh lý không chỉ ảnh hưởng đến màng bồ đào mà còn tác động tới giác mạc, thủy tinh thể, võng mạc và thần kinh thị giác.
– Các bệnh lý viêm nhiễm và rối loạn miễn dịch như tình trạng nhiễm Cytomegalovirus, hoại tử võng mạc, u hạt Sarcoidosis, hội chứng Behcet, bệnh lý Toxoplasmosis, bệnh lý Eales và hội chứng Vogt-Koyanagi-Harada,… cũng có thể gây phù và phá hủy các mô trong hoàng điểm.
3. Triệu chứng phù hoàng điểm
Phù hoàng điểm mắt thường không có biểu hiện rõ ràng ở giai đoạn sớm. Khi phù hoàng điểm phát triển tiêu cực mạnh mẽ, chức năng thị giác ở trung tâm thị trường của bệnh nhân sẽ suy giảm, hình ảnh thu được ở khu vực này sẽ bị mờ hoặc bị gợn sóng; bệnh nhân không nhận thức được hoặc nhận thức sai lệch màu sắc.
4. Chẩn đoán phù hoàng điểm
Nếu những dấu hiệu bất thường phía trên xuất hiện, bệnh nhân phải đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa mắt uy tín gần nhất. Tại đó, chuyên gia nhãn khoa sẽ tiến hành chẩn đoán xác định phù hoàng điểm ở bệnh nhân thông qua: Kiểm tra thị lực, kiểm tra mắt khi giãn đồng tử, chụp mạch huỳnh quang, chụp cắt lớp quang học OCT, lưới Amsler.
5. Điều trị phù hoàng điểm
Các chiến lược điều trị phù hoàng điểm hiệu quả nhất từ trước đến nay đều tập trung điều trị nguyên nhân cơ bản gây phù trước rồi mới điều trị tổn thương võng mạc sau.
Trong quá khứ, phương pháp điều trị phù hoàng điểm mắt tiêu chuẩn là quang hóa bằng laser, sử dụng laser để bịt kín các mạch máu bị rò rỉ ở võng mạc. Tuy nhiên, trong các thử nghiệm lâm sàng về điều trị phù hoàng điểm gần đây, chuyên gia nhãn khoa đã chuyển từ quang hóa bằng laser sang tiêm Anti-VEGF nội nhãn. Theo đó, Anti-VEGF là thuốc ngăn chặn hoạt động của các yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF). Được biết, những yếu tố này thúc đẩy tăng sinh tân mạch – nguyên nhân cơ bản gây rò rỉ dịch và phù hoàng điểm.
Trường hợp phù hoàng điểm do các bệnh lý viêm nhiễm nhãn khoa gây ra, phương pháp điều trị chính sẽ là sử dụng Corticosteroid (Steroid) dạng nhỏ, uống hoặc tiêm. Ở dạng tiêm, chuyên gia nhãn khoa có thể tiêm vào hoặc tiêm xung quanh mắt bệnh nhân. Nếu tình trạng phù hoàng điểm không đáp ứng Corticosteroid (Steroid) hoặc bệnh nhân gặp tác dụng phụ, chuyên gia nhãn khoa có thể sẽ chỉ định thuốc chống viêm không Steroid (NSAIDs) thay thế.
Nếu phù hoàng điểm khởi phát do các vấn đề liên quan đến thủy tinh thể, phẫu thuật cắt dịch kính có thể hạn chế tình trạng này. Phẫu thuật cắt dịch kính cũng có thể sẽ được chuyên gia nhãn khoa chỉ định nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Hầu hết các phẫu thuật cắt dịch kính là phẫu thuật ngoại trú, tức là bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày.
Phía trên là toàn bộ thông tin về phù hoàng điểm mắt mà bạn cần ghi nhớ. Hy vọng rằng với chúng, nếu không may bị phù hoàng điểm, bạn vẫn có thể nhanh chóng nhận biết để kịp thời thăm khám và điều trị. Nếu còn băn khoăn, liên hệ ngay Thu Cúc TCI để được giải đáp chi tiết mọi thắc mắc một cách nhanh chóng, bạn nhé!