Nuốt vướng và hôi miệng: Có phải do trào ngược dạ dày?

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Đỗ Thị Hương 

Bác sĩ Tiêu hóa - Nội soi

Nuốt vướng và hôi miệng là hai triệu chứng phổ biến mà nhiều người gặp phải. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có thể liên quan mật thiết đến trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về mối liên hệ giữa trào ngược dạ dày và các triệu chứng này, cũng như các biện pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả.

1. Nuốt vướng và hôi miệng biểu hiện như thế nào?

Nuốt vướng là cảm giác khó khăn hoặc cảm giác có gì đó mắc kẹt trong cổ họng khi nuốt thức ăn, nước uống hoặc thậm chí khi nuốt nước bọt. Các triệu chứng nuốt vướng gồm:

– Khó nuốt, cảm giác thức ăn không trôi qua được.

– Đau, khó chịu khi nuốt.

– Cảm giác có khối u hoặc vật thể lạ trong cổ họng.

– Ho hoặc sặc khi ăn hoặc uống.

Hôi miệng là tình trạng hơi thở có mùi khó chịu, thường do sự phát triển của vi khuẩn trong miệng hoặc các vấn đề khác trong cơ thể. Các triệu chứng hôi miệng có thể bao gồm:

– Hơi thở có mùi hôi, có thể nhận thấy khi nói chuyện hoặc thở ra.

– Vị khó chịu trong miệng.

– Cảm giác khô miệng hoặc lớp bám trắng trên lưỡi.

Nuốt vướng và hôi miệng là gì?

Nuốt vướng và hôi miệng là các triệu chứng rất phổ biến.

2. Nguyên nhân gây nuốt vướng, hôi miệng

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nuốt vướng và hôi miệng gồm:

– Dị vật trong thực quản

– Viêm amidan, viêm xoang, viêm họng,…

– Trào ngược axit dạ dày

– Các bệnh lý liên quan đến thần kinh và cơ gây ảnh hưởng đến chức năng nuốt

– Khối u thực quản

– Sâu răng, viêm nướu

– Vệ sinh miệng kém

– Rối loạn chức năng thực quản

– Một số loại thực phẩm gây kích ứng và đồ uống kích thích

– Thuốc lá

3. Mối liên hệ giữa GERD và nuốt vướng, hôi miệng

Có thể thấy trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là một trong những nguyên nhân gây nuốt vướng và hôi miệng. Trào ngược dạ dày – thực quản xảy ra khi axit dạ dày trào ngược lên trên thực quản.

Axit tồn tại lâu trong thực quản có thể gây viêm và kích ứng niêm mạc thực quản. Viêm thực quản này có thể dẫn đến sẹo và hẹp thực quản, gây khó khăn trong việc nuốt. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra cảm giác nuốt vướng ở người bị GERD.

Bên cạnh đó, axit dạ dày trào ngược lên thực quản và họng còn có thể gây ra mùi hôi. Axit dạ dày khi trào ngược lên có thể mang theo các vi khuẩn và thức ăn chưa tiêu hóa hết, gây ra mùi khó chịu trong khoang miệng. Điều này giải thích tại sao nhiều người bị GERD thường gặp phải vấn đề hôi miệng.

Ở những người bị nuốt vướng hôi miệng do GERD, các triệu chứng có thể đi kèm gồm: ợ nóng, khó tiêu, đầy bụng, ho khan…

GERD là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nuốt vướng và hôi miệng nhưng không phải tất cả các trường hợp xuất hiện các triệu chứng này đều bị bệnh trào ngược. Do đó cần chẩn đoán chính xác nguyên nhân để điều trị đúng hướng.

Mối liên hệ giữa bệnh GERD và tình trạng nuốt vướng, hôi miệng.

Axit dạ dày trào ngược lên thực quản có thể gây tổn thương thực quản, dẫn đến nuốt vướng và đem theo vi khuẩn lên họng gây hôi miệng.

4. Kiểm tra GERD có phải nguyên nhân gây nuốt vướng và hôi miệng không bằng cách nào?

Để chẩn đoán GERD, bác sĩ thường sẽ hỏi bệnh nhân về các triệu chứng và thực hiện một số phương pháp chẩn đoán như:

4.1 Nội soi tai – mũi – họng

Nội soi tai mũi họng là một phương pháp chẩn đoán quan trọng và hiệu quả để xác định nguyên nhân gây nuốt vướng và hôi miệng. Phương pháp này sử dụng một ống nội soi mỏng và linh hoạt có gắn camera để kiểm tra các khu vực tai, mũi và họng. Ống này có thể được đưa qua mũi hoặc miệng. Bác sĩ sẽ quan sát kỹ các vùng tai, mũi và họng trên màn hình được kết nối với camera để tìm kiếm các dấu hiệu viêm, sưng, khối u, sỏi amidan, hoặc bất kỳ bất thường nào khác có thể là nguyên nhân gây nuốt vướng và tình trạng hôi miệng.

4.2 Nội soi thực quản – dạ dày – đại tràng

Nội soi là phương pháp quan sát, tìm kiếm các tổn thương ở thực quản, dạ dày, đại tràng nhờ ống nội soi mềm có gắn camera. Nội soi giúp phát hiện các tổn thương, viêm loét hoặc hẹp thực quản có thể gây ra nuốt vướng.

4.3 Đo áp lực thực quản – Ứng dụng trong chẩn đoán nuốt vướng và hôi miệng

Đây là kỹ thuật thăm dò chức năng chuyên sâu đánh giá các bệnh lý ở thực quản thông qua kiểm tra các rối loạn chức năng của thực quản và vùng nối dạ dày – thực quản, “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán Achalasia hay các nguyên nhân của rối loạn nuốt. Đồng thời, phương pháp này cũng giúp các bác sĩ khẳng định triệu chứng nuốt vướng, hôi miệng có phải do GERD hay không để có hướng điều trị phù hợp.

Phương pháp này được thực hiện dựa trên việc đo lường áp lực và chuyển động của thực quản khi nuốt. Một ống nhỏ gắn cảm biến sẽ được đặt vào thực quản qua mũi để ghi nhận các chỉ số áp lực tại đây.

Chẩn đoán nuốt vướng, hơi thở có mùi

Đo HRM là phương pháp chẩn đoán nuốt vướng đang được ứng dụng tại Thu Cúc TCI.

4.4 Đo pH thực quản 24 giờ

Đo pH trở kháng thực quản 24 giờ (24-hour pH monitoring) là “tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Phương pháp này giúp chẩn đoán có hay không tình trạng trào ngược dạ dày ở bệnh nhân bị nuốt vướng kèm hôi miệng dựa vào đánh giá độ pH hay lượng axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản trong vòng 24 giờ, cũng như mối liên hệ giữa trào ngược dạ dày và các triệu chứng, trong đó hôi miệng và nuốt vướng.

Với phương pháp này, ống thông nhỏ sẽ được đưa qua mũi vào thực quản. Ống thông này kết nối với một thiết bị theo dõi bên ngoài, ghi lại độ pH và trở kháng điện trong 24 giờ. Trong quá trình này, bệnh nhân có thể về nhà và sinh hoạt bình thường. Sau 24 giờ, bệnh nhân quay lại gặp bác sĩ để tháo ống thông và lấy kết quả.

4.5 Chụp X-quang thực quản

Chụp X-quang với thuốc cản quang có thể giúp xác định tình trạng hẹp thực quản, thoát vị hoành hoặc sự hiện diện của dị vật. Bệnh nhân sẽ uống một dung dịch chứa chất cản quang (barium), sau đó chụp X-quang để quan sát hình ảnh thực quản và dạ dày.

4.6 Các xét nghiệm có thể được dùng trong chẩn đoán nuốt vướng và hôi miệng

Các bác sĩ có thể tiến hành xét nghiệm máu để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc viêm hat xét nghiệm vi khuẩn Helicobacter pylori để xác định sự hiện diện của vi khuẩn này.

5. Điều trị

Việc điều trị nuốt vướng và hôi miệng do GERD thường bao gồm:

– Thay đổi lối sống: Tránh ăn thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, không nằm ngay sau khi ăn, giảm cân nếu thừa cân, và nâng đầu giường khi ngủ.

– Thuốc: Các loại thuốc kháng axit, thuốc ức chế bơm proton (PPI), hoặc thuốc kháng H2 để giảm sản xuất axit dạ dày.

– Phẫu thuật: Trong một số trường hợp nặng, phẫu thuật có thể được xem xét để tăng cường cơ vòng dưới thực quản.

Ngoài ra, một số phương pháp khác có thể giúp cải thiện và phòng ngừa hôi miệng nuốt vướng như:

– Duy trì chế độ ăn uống hợp lý: Tránh các loại thức ăn cay nóng, dầu mỡ, socola, cà phê, rượu bia…

– Thay đổi lối sống: Ăn thành nhiều bữa nhỏ, nằm sau khi ăn ít nhất 2-3 giờ, nâng cao đầu giường khi ngủ.

– Chăm sóc răng miệng: Đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày, sử dụng chỉ nha khoa, súc miệng bằng nước muối hoặc dung dịch súc miệng, khám răng định kỳ

Nuốt vướng và hôi miệng có thể là những dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc phải trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Việc nhận biết và điều trị sớm các triệu chứng này là rất quan trọng để tránh các biến chứng nghiêm trọng. Bằng cách thay đổi lối sống, duy trì chế độ ăn uống hợp lý và chăm sóc răng miệng tốt, bạn có thể giảm nguy cơ mắc GERD và cải thiện chất lượng cuộc sống. Nếu bạn gặp phải các triệu chứng kéo dài, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital