Việc xử lý hóc dị vật đường thở hiện nay chưa được phổ cập rộng rãi và đúng cách. Rất nhiều người vẫn còn đang chữa hóc dị vật một cách cảm tính. Điều này dẫn đến nhiều sai lầm trong việc điều trị và để lại những hậu quả lớn với người bị hóc dị vật.
Menu xem nhanh:
1. Loại bỏ ngay những sai lầm khi chữa dị vật đường thở
Hóc dị vật đường thở là hiện tượng được bắt gặp nhiều trong đời sống sinh hoạt. Trong đó, phần lớn đối tượng hóc dị vật là trẻ em, đặc biệt là các em bé. Điều này một phần do thói quen thường hay ngậm đồ, bỏ các đồ cầm nắm được vào miệng của các bé. Ngoài ra, cũng còn nhiều nguyên nhân gây hóc dị vật đường thở như: bị sặc khi đang ăn, vừa ăn vừa cười đùa, rối loạn phản xạ sau hôn mê, gây tê,…
Hóc dị vật được biểu hiện khá rõ ràng với phản ứng ho nhiều, đau tức vùng họng, nghẹn ở họng,… Một số phản ứng khác có thể kèm theo như: buồn nôn, nước bọt có màu hồng (do họng chảy máu), nóng đỏ khu vực họng. Khi gặp tình trạng hóc dị vật, chúng ta thường cảm giác khó chịu. Trẻ em khi bị hóc thường quấy khóc không ngừng. Đó cũng là dấu hiệu mà cha mẹ nên chú ý và nghi ngờ trẻ bị hóc khi đang cho con ăn.
Những sai lầm thường hay gặp phải với các tình huống chữa hóc dị vật điển hình là:
1.1. Dùng tay vuốt ngực để chữa dị vật
Phản ứng dùng tay vuốt ngực là điều rất dễ gặp khi chúng ta bị nghẹn. Khi bị hóc dị vật, cảm giác nghẹn thường xảy ra. Đó là cảm giác khiến chúng ta thường vuốt ngực như thói quen dân gian nhằm khiến dị vật được nuốt xuôi xuống. Các cha mẹ khi nhìn thấy con bị hóc hay bị nghẹn cũng thường vỗ lưng hoặc vuốt ngực trẻ. Đây là điều sai lầm khi xử lý hóc dị vật. Điều này có thể vô ích, hoặc có thể khiến dị vật đâm sâu vào họng hơn, gây những khó chịu hơn cho người bệnh.
1.2. Dùng tay móc dị vật đường thở
Nhiều người khi bị hóc dị vật thường dùng tay để móc dị vật họng. Tuy nhiên, hành động này được các chuyên gia Tai Mũi Họng cảnh báo là có thể gây ra nhiều vấn đề cho người bệnh. Việc dùng tay móc dị vật sẽ khiến dị vật bị đẩy sâu vào trong hơn, gây khó khăn cho việc gắp dị vật sau đó. Thêm nữa, khi dùng tay móc dị vật cũng có thể tạo ra những thương tổn cho vùng niêm mạc họng. Điều này có thể tạo cơ hội cho vấn đề viêm nhiễm phát triển và gây nhiều bệnh lý hô hấp.
1.3. Sử dụng các mẹo dân gian để xử lý khi hóc dị vật đường thở
Hiện nay, có khá nhiều mẹo được truyền tai trong vấn đề chữa hóc. Nhiều người cho rằng, khi bị hóc, ăn cơm, chuối,… với miếng lớn có thể khiến dị vật bị nuốt cùng thức ăn. Một số khác tin rằng: chanh, giấm hay những đồ có vị chua sẽ làm mềm một số dị vật, khiến dị vật dễ được nuốt hơn. Hay có nhiều người thì tin, việc dùng dầu ô liu như một chất bôi trơn khiến dị vật dễ ra khỏi vị trí hóc và thuận tiện di chuyển xuống dạ dày. Tuy nhiên, điều này có thể khiến tăng tình trạng nghẹn, triệu chứng dị vật cũng khó chịu hơn.
Thay vì sử dụng những thói quen về việc chữa hóc dị vật và không kiểm soát được kết quả, chúng ta nên trang bị cho bản thân những kiến thức sơ bộ để có thể xử lý hóc dị vật đúng cách.
2. Cần làm gì khi gặp tình huống hóc dị vật đường thở
Hóc dị vật đường thở có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến người bị hóc. Đồng thời, dị vật đâm vào niêm mạc họng sẽ gây tình trạng viêm nhiễm, áp xe nguy hiểm. Thậm chí, dị vật có thể đâm thủng thành họng, ảnh hưởng đến phổi, phế quản,… Nguy hiểm hơn, trong một số tình huống, dị vật lớn có thể làm tắc nghẽn đường thở, gây tắc thở và có thể dẫn đến tử vong nếu không được sơ cứu kịp thời.
Khi bị hóc dị vật, cần sớm đến các cơ sở y khoa Tai Mũi Họng để được kiểm tra dị vật và lấy dị vật đúng cách. Thông thường, các bác sĩ có thể thực hiện nghiệm pháp Heimlich cũng như các sơ cứu để đẩy dị vật khỏi đường thở của bệnh nhân.
Trong các trường hợp cần tiến hành gắp dị vật, bác sĩ sẽ kiểm tra hình dạng dị vật, kích thước cũng như những vấn đề ảnh hưởng của dị vật với niêm mạc họng cũng như các cơ quan khác. Việc gắp dị vật sẽ kết hợp với ống nội soi để các thao tác được thực hiện chính xác.
Trong các trường hợp dị vật đâm thủng niêm mạc họng, việc phẫu thuật mở cánh từ nếp cổ là phương pháp cân nhắc thực hiện. Việc phẫu thuật ngoại khoa này giúp xử lý viêm nhiễm, áp xe, phần tế bào hoại tử và gắp dị vật ra đúng cách. Sau phẫu thuật, việc điều trị hậu phẫu cũng cần chú ý để tránh những tổn thương và viêm nhiễm có thể xảy ra.
3. Đề phòng để tránh hóc dị vật đường thở
Bên cạnh việc tìm phương pháp điều trị, thì phòng tránh hóc dị vật là điều cần chú ý hàng đầu. Để tránh khả năng bị hóc dị vật, cần cẩn trọng chú ý những thói quen trong ăn uống. Nên bỏ thói quen vừa dùng cơm, vừa uống nước. Đảm bảo việc nhai kỹ xử lý thức ăn trước khi nuốt. Đồng thời, không nên cười đùa trong khi ăn uống. Ngoài ra, khi cho các bé ăn, cần đảm bảo thức ăn được loại bỏ xương cũng như các vật cứng.
Với những người mới phẫu thuật, cần được ăn các loại thức ăn dạng lỏng, tránh xương hay các thức ăn cứng trong bữa ăn. Điều này không chỉ hạn chế việc bị hóc, mà còn tốt cho dạ dày và hệ tiêu hóa của người bệnh.
Với người bị vấn đề hẹp thanh quản, nên đến các cơ sở y tế để được điều trị phù hợp.
Như vậy, hóc dị vật là vấn đề có thể đề phòng và giải quyết nhanh chóng. Điều quan trọng là cần sớm điều trị để tránh những ảnh hưởng và biến chứng mà hóc dị vật gây ra. Bên cạnh đó, cần xử lý hóc dị vật đường thở phù hợp, tránh những sai lầm trong điều trị để dẫn đến những hệ quả xấu. Trong những trường hợp cấp cứu, các chuyên viên y tế sẽ hướng dẫn những bước sơ cứu phù hợp cho bệnh nhân.