Răng đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định tính thẩm mỹ cùng quá trình ăn nhai hàng ngày của con người. Vì vậy trong thời kỳ trẻ thay răng, cha mẹ cần chú ý hơn về việc chăm sóc răng. Sau đây là một vài lưu ý chăm sóc răng cho bé thay răng.
Menu xem nhanh:
1. Độ tuổi bé thay răng
1.1 Bé thường thay răng lúc mấy tuổi?
Những chiếc răng đầu đời của bé sẽ mọc lên vào thời điểm khoảng 6 tháng tuổi. Cho tới giai đoạn 3 tuổi, hầu hết các bé đều sẽ có đủ 20 chiếc răng sữa. Sau đó, khi 5-6 tuổi, trẻ sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn thay răng.
Việc trẻ bắt đầu thay răng sữa vào thời điểm 5-6 tuổi hay sớm, muộn hơn còn tùy vào cơ địa khác nhau. Có những trẻ thay răng từ 4 tuổi hoặc tới 7-8 tuổi mới có dấu hiệu thay răng. Ngoài ra, thường thì bé gái sẽ có xu hướng thay răng trước bé trai với những chiếc răng sữa cửa hàm dưới đầu tiên.
1.2 Thứ tự thay răng
Thông thường, quá trình thay răng của trẻ sẽ tiến hành theo thứ tự sau:
– Trẻ 6-7 tuổi: Thay 2 răng cửa giữa ở vị trí hàm dưới và tới 2 răng cửa giữa ở hàm trên.
– Trẻ 7-8 tuổi: Thay 2 răng cửa hàm trên và tới 2 răng cửa hàm dưới.
– Trẻ 9-11 tuổi: Thay 2 răng hàm trên thứ nhất và tới 2 răng hàm dưới thứ nhất.
– Trẻ 10-12 tuổi: Thay 2 răng nanh hàm trên, 2 răng nanh hàm dưới, 2 răng hàm dưới thứ hai và tới 2 răng hàm trên thứ hai.
Tuy nhiên, đây chỉ là khung thời gian thay răng theo lý thuyết. Trên thực tế, tuổi thay răng của mỗi bé sẽ khác nhau. Tuy nhiên, nếu trẻ thay răng quá sớm hoặc quá muộn, cha mẹ cũng cần đưa trẻ tới thăm khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và khắc phục nếu có bất thường.
2. Dấu hiệu trẻ thay răng sữa
Khi có một chiếc răng sữa chuẩn bị rụng, ta sẽ nhận được những dấu hiệu cảnh báo:
– Nướu, lợi bị sưng đỏ lên.
– Trẻ sẽ có cảm giác phần chân răng hơi ngứa và đau.
– Phần chăn răng trắng hơn do đã có sẵn một chiếc răng nằm chờ thay thế ở đó.
– Răng sữa sẽ lung lay nhiều, cảm giác đau ngày càng gia tăng.
Thông qua những dấu hiệu trên, ta có thể nhận biết thời điểm bé chuẩn bị rụng răng sữa từ đó nắm được thời gian nhổ răng sữa phù hợp.
3. Cách phân biệt giữa răng sữa và răng vĩnh viễn
Trên thực tế, nhiều trẻ có những vị trí thiếu mầm răng vĩnh viễn bẩm sinh. Khi đó, răng sữa sẽ không rụng mà trở thành chiếc răng cố định. Ta có thể nhận biết tình trạng này qua một số điểm khác nhau giữa răng sữa và răng vĩnh viễn:
– Về men răng và ngà răng: Răng sữa có ngà răng và men răng trong suốt, mỏng. Phần buồn tủy lớn và sẽ không có dây thần kinh cảm giác nên răng sữa dễ bị sâu hơn. Với những răng vĩnh viễn, lớp men răng dày hơn, độ cứng tót, ít bị sâu răng hơn.
– Về màu sắc của răng: Răng sữa có cấu tạo chủ yếu từ thành phần vô cơ ít hơn những răng vĩnh viễn nên màu sắc sẽ trắng đục. Răng vĩnh viễn sẽ có màu sắc vàng và hơi trong hơn. Bên cạnh đó, ngoài răng cửa vĩnh viễn mới mọc sẽ có những nụ nhỏ ở rìa cắn. Những nụ này sẽ dần bằng phẳng sau quá trình ăn nhai.
– Về hình dáng răng và chân răng: Răng sữa sẽ có phần thân răng thấp hơn so với những răng trưởng thành. Bên cạnh đó, răng cửa cùng răng nanh sữa không thanh giống như răng vĩnh viễn. Ngoài ra, răng sữa thường sẽ có nhiều chân, chân dang rộng hơn.
4. Có nên tự thực hiện nhổ răng cho bé tại nhà?
Có nên tự nhổ răng cho con tại nhà không là câu hỏi được nhiều người đặt ra. Thực tế thì hiện nay nhiều bậc phụ huynh lựa chọn đưa con đến bệnh viện, cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ hỗ trợ nhổ răng sữa. Tuy nhiên cũng có nhiều cha mẹ chọn tự nhổ răng sữa cho trẻ tại nhà.
Việc nhổ răng tại nhà cho trẻ thường được dùng bằng tay hoặc chỉ. Cách làm này dễ khiến trẻ chảy máu chân răng, hình thành vết thương hở. Bên cạnh đó, nhổ răng sữa bằng chỉ hay bằng tay không đảm bảo vô tùng sẽ dễ gây nhiễm trùng. Do đó, việc nhổ răng tại nhà cho trẻ cần phải đảm bảo về độ vệ sinh, an toàn nếu không ta không nên thực hiện.
Trong trường hợp răng vĩnh viễn đã mọc lên nhưng răng sữa chưa có dấu hiệu lung lay, cha mẹ cần đưa trẻ tới gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ can thiệp chủ động nhổ răng để có thể lấy chỗ cho răng vĩnh viễn.
5. Những lưu ý chăm sóc răng cho bé thay răng
Ngoài việc nắm được thời điểm và quá trình thay răng ở trẻ, cha mẹ còn cần lưu ý về cách chăm sóc sao cho phù hợp:
5.1 Hướng dẫn trẻ thực hiện vệ sinh răng miệng phù hợp
Cha mẹ nên dạy trẻ cách đánh răng 2 lần mỗi ngày đúng cách. Bên cạnh đó, trẻ nên được học thói quen kết hợp sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ những thức ăn thừa mắc sâu trong kẽ răng.
5.2 Thăm khám nha khoa định kỳ
Trẻ cần được thăm khám nha khoa định kì để sức khỏe răng miệng luôn được kiểm soát. Đồng thời, bác sĩ sẽ tư vấn cách chăm sóc răng phù hợp theo tình trạng cụ thể.
5.3 Áp dụng phương pháp giảm đau phù hợp
Quá trình thay răng sữa của trẻ thường sẽ kèm theo cả những cơn đau nhức. Để giảm bớt tình trạng này, cha mẹ nên cho trẻ chườm lạnh hay dùng thuốc giảm đau theo chỉ định bác sĩ.
5.4 Tránh cho trẻ sử dụng những đồ ăn, thức uống không tốt cho răng
Trong giai đoạn thay răng, trẻ cần tránh những món ăn như đồ ăn quá nóng, quá lạnh, đồ ăn cứng, … hay các loại nước ngọt có ga, nước chứa nhiều đường, …
5.5 Giúp trẻ từ bỏ những thói quen xấu
Những thói quen xấu như mút tay, chống cằm, nhai đá, … ở trẻ có thể gây tác động không tốt tới quá trình mọc răng. Cha mẹ nên lưu ý để giúp trẻ loại bỏ.
Trên đây là những thông tin cần thiết về giai đoạn thay răng của trẻ cũng như lưu ý về chăm sóc răng cho thời kì bé thay răng. Qua đây, mong rằng các cha mẹ đã nắm được cách chăm sóc, hỗ trợ quá trình hình thành răng vĩnh viễn của trẻ.