Tai biến mạch máu não không chỉ gây ảnh hưởng đến não mà ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Nếu không được xử trí ngay, bệnh nhân rất dễ rơi vào hôn mê sâu, tàn phế hoặc tử vong.
Menu xem nhanh:
1. Tai biến mạch máu não là gì?
Tai biến mạch máu não (hay đột quỵ não) là khái niệm chỉ các triệu chứng thần kinh khu trú hơn là lan toả xảy ra đột ngột do bị vỡ hoặc tắc mạch máu não.
Các triệu chứng kéo dài trên 24 giờ, thậm chí dẫn đến tử vong mà không phải do nguyên nhân chấn thương sọ não.
Tai biến có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, có xu hướng trẻ hóa và tăng theo lứa tuổi, nhất là từ 50 tuổi trở lên. Đây là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 chỉ sau các bệnh lý tim mạch, là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
2. Các dạng tai biến thường gặp
Đột quỵ não hay tai biến thường tồn tại dưới một trong hai dạng sau:
– Đột quỵ thiếu máu não: hay còn gọi là nhồi máu não. Nguyên nhân là sự tắc nghẽn một động mạch do sự xuất hiện của cục máu đông. Đột quỵ thiếu máu não chiếm 75 – 85% các trường hợp đột quỵ.
– Đột quỵ chảy máu não: hay xuất huyết não. Chảy máu não xảy ra do do rách thành động mạch gây ra máu chảy vào trong hay xung quanh não. Có 2 loại xuất huyết não là: xuất huyết nhu mô hay trong não và xuất huyết khoang dưới nhện.
3. Các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân thường gặp của đột quỵ não
Tuổi tác, di truyền, tiền sử gia đình, dân tộc là những yếu tố gây đột quỵ não không thể thay đổi.
Các loại bệnh tật và thói quen sinh hoạt là những yếu tố có thể thay đổi được, cần phát hiện sớm và theo dõi để dự phòng tai biến. Cụ thể:
3.1. Các bệnh lý gây tai biến mạch máu não
– Tăng huyết áp: Khi huyết áp tăng cao có nghĩa là áp lực dòng máu mạnh hơn. Điều này dễ gây tổn thương thành mạch, làm tăng tính thấm của thành mạch đối với các các chất béo (cholesterol), tiểu cầu máu, chất thải tế bào, can-xi…, làm tăng khả năng hình thành các mảng xơ vữa trong lòng mạch. Các dạng tai biến từ đó mà hình thành.
– Bệnh tim: Nhiều bệnh lý tim mạch như rung nhĩ, viêm màng trong tim, hẹp van hai lá, nhồi máu cơ tim, phình thành thất, nhĩ trái, bệnh cơ tim, thông liên nhĩ…có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ thiếu máu não. Trong đó, rung nhĩ là nguy cơ quan trọng nhất và là yếu tố có thể điều trị dự phòng đột quỵ thiếu máu não được.
– Rối loạn lipid máu: Sự tăng lên của các LDL cholesterol (cholesterol xấu) và triglyceride, giảm HDL cholesterol (cholesterol tốt) là nguyên nhân làm tăng nguy cơ vữa xơ động mạch.
– Xơ vữa động mạch cảnh: Các mảng xơ vữa gây hẹp động mạch cảnh là một trong những nguyên nhân chính của nhồi máu não. Các tổn thương ở động mạch cảnh thường xảy ra ở nội mạc rồi đến trung mạc.
– Thiếu máu não thoảng qua: Thiếu máu não thoảng qua càng xuất hiện nhiều lần thì khả năng xuất hiện đột quỵ thiếu máu não càng lớn.
– Đột quỵ cũ: Bệnh nhân có tiền sử đột quỵ não có nhiều nguy cơ tái phát.
3.2. Tai biến mạch máu não do các thói quen không lành mạnh
– Hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ đột quỵ nói chung và đột quỵ nhồi máu não nói riêng. Nguyên nhân là do khói thuốc làm giảm nồng độ HDL cholesterol trong máu, gây tổn thương tế bào nội mạc động mạch, gây ra vữa xơ.
– Uống rượu bia: các nghiên cứu cho thấy rượu bia là yếu tố quan trọng gây ra các dạng đột quỵ não. Đột quỵ thường xảy ra ở những người bị ngộ độc rượu và nghiện rượu mạn tính.
– Thừa cân, béo phì: Béo phì là yếu tố nguy cơ của hầu hết các bệnh tim mạch. Do đó, đây có thể là nguyên nhân thứ phát của đột quỵ thiếu máu não.
– Lười vận động: Lối sống tĩnh tại, ngồi nhiều, ít vận động làm tăng tích tụ chất béo và các loại cholesterol xấu trong máu, gây thiếu máu.
– Sử dụng thuốc tránh thai: sử dụng thuốc tránh thai kéo dài có thể dẫn đến tình trạng tắc nghẽn tĩnh mạch nội sọ.
4. Biểu hiện lâm sàng của đột quỵ não
Các biểu hiện này được tóm gọn bằng công thức F.A.S.T:
F= face: Méo miệng, cười nhe răng.
A = arm: Đột ngột tê yếu, liệt tay chân.
S = speech: Không hiểu lời nói, không nói chuyện đươc hoặc hạn chế khả năng sử dụng ngôn ngữ.
T = time: Các triệu chứng xảy ra đột ngột, cần được xử trí ngay.
Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có thể xuất hiện một số triệu chứng khác như:
– Nhìn mờ, giảm thị lực
– Chóng mặt không rõ nguyên nhân
– Đau đầu dữ dội
Dựa vào các dấu hiệu nhận biết đột quỵ não như trên, có thể làm một số “phép thử” nhanh để xác định có phải bệnh nhân bị đột quỵ não hay không. Cụ thể: đề nghị bệnh nhân giơ cao 2 tay, lặp lại một câu nói…. Nếu bệnh nhân không thể thực hiện được các hành động này, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay.
Tại các cơ sở uy tín, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán chính xác nhờ trang thiết bị hiện đại và bác sĩ giàu kinh nghiệm.
5. Xử trí ban đầu và thời gian vàng điều trị đột quỵ não
– Sơ cứu nhanh chóng: để bệnh nhân nằm ở nơi thông thoáng, đảm bảo hô hấp tốt.
– Đặt bệnh nhân nằm cao đầu khoảng 30 – 40 cm, nới lỏng quần áo, kiểm tra huyết áp.
– Không tự ý xoa đầu, cạo gió, châm cứu hay tùy tiện cho bệnh nhân uống thuốc.
– Gọi cấp cứu hoặc đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Bệnh nhân nên được cấp cứu và điều trị trong vòng 4,5 – 6 giờ sau khi xảy ra đột quỵ. Nếu không sẽ rất dễ tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề.
6. Dự phòng tai biến mạch máu não
Để phòng ngừa đột quỵ não, bệnh nhân cần giảm các yếu tố nguy cơ bằng cách kiểm soát tốt các chỉ số sức khỏe bao gồm:
– Huyết áp tâm trương và tăng huyết áp tâm thu, đảm bảo huyết áp luôn ổn định hoặc được xử lý kịp thời khi có dấu hiệu bất thường.
– Điều trị tốt đái tháo đường sẽ làm giảm khả năng đột quỵ thiếu máu não.
– Điều trị rối loạn nhịp tim cũng góp phần làm giảm nguy cơ đột quỵ thiếu máu não.
Bên cạnh đó, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế chất béo, rượu bia, thường xuyên tập thể dục…cũng góp phần ngăn ngừa đột quỵ não.
Ngay khi thấy xuất hiện các dấu hiệu của bệnh, bạn hãy nhanh chóng đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được khám bởi đội ngũ bác sĩ đầu ngành, được tư vấn cách chăm sóc sức khỏe bởi đội ngũ nhân viên y tế chuyên nghiệp. Từ đó giúp phòng ngừa tai biến một cách hiệu quả.