Gan nhiễm mỡ không do rượu là tình trạng tích tụ chất béo trong gan ở những người không hoặc ít khi sử dụng rượu bia. Theo thống kê, bệnh lý này ảnh hưởng tới 25% dân số thế giới. Tình trạng này đang tăng nhanh do số lượng người béo phì ngày càng lớn.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu là gì?
Gan nhiễm mỡ xảy ra khi mỡ tích tụ trong các tế bào gan vượt quá mức bình thường (dưới 5%), gây ảnh hưởng đến chức năng của gan. Bệnh thường được chia thành 2 loại là gan nhiễm mỡ do rượu và không do rượu. Trong đó, gan nhiễm mỡ không do rượu là trường hợp mà nguyên nhân gây bệnh không liên quan đến việc sử dụng đồ uống có cồn. Thay vào đó, tình trạng gan nhiễm mỡ khởi phát do các yếu tố như thừa cân, béo phì, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường type 2 và tăng men gan kéo dài.
Gan nhiễm mỡ nhóm này là nguyên nhân chính khiến men gan tăng cao. Bệnh nhân cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để ngăn những hậu quả nặng nề. Theo khảo sát, khoảng 12 – 40% người bệnh gan nhiễm mỡ không liên quan đến cồn sẽ bị viêm gan. Khoảng 15 – 25% bệnh nhân viêm gan có nguy cơ cao bị xơ gan.
Ngoài ra, việc tích tụ chất béo trong gan cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như huyết áp cao, tiểu đường hoặc các bệnh lý tim mạch.
2. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh và cách chẩn đoán chính xác
2.1. Những người có nguy cơ cao bị gan nhiễm mỡ không do rượu
– Người thừa cân, béo phì: Thừa cân và béo phì là những yếu tố hàng đầu khiến gan bị thừa mỡ. Lượng mỡ trong cơ thể tăng cao, đặc biệt là mỡ bụng, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chất béo tích tụ trong gan. Theo ước tính, có tới 90% người mắc bệnh này bị béo phì.
– Người bị rối loạn mỡ máu: Một số người bị rối loạn mỡ máu (có mức cholesterol cao và triglyceride cao) dễ bị dư thừa mỡ trong gan không do rượu.
– Đái tháo đường type 2: Sự không cân bằng chất đường trong cơ thể dẫn đến tích tụ mỡ trong trong gan.
– Tăng men gan kéo dài: Tình trạng tăng men gan kéo dài như viêm gan mạn tính, viêm gan virus B hoặc C, cũng có thể dẫn đến tích tụ mỡ trong gan.
2.2. Những phương pháp chẩn đoán gan nhiễm mỡ không do rượu
Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và yếu tố nguy cơ của bệnh như tiền sử thừa cân, béo phì, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường type 2 và tăng men gan. Bên cạnh đó, các biện pháp xét nghiệm, chụp chiếu giúp kết quả chẩn đoán chính xác hơn có thể được sử dụng gồm:
– Xét nghiệm máu: Phương pháp đánh giá mức độ gan nhiễm mỡ và chức năng gan, bao gồm đo mức đường huyết, cholesterol, triglyceride và các chỉ số chức năng gan.
– Siêu âm gan: Đây là phương pháp sử dụng hình ảnh giúp phát hiện các dấu hiệu của gan nhiễm mỡ và ước lượng tỷ lệ mỡ trong gan.
– Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác: Ngoài siêu âm, các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT scan) cũng có thể được sử dụng để đánh giá mức độ nhiễm mỡ của gan.
3. Phòng ngừa gan tích mỡ không do rượu
3.1. Thực hiện lối sống khoa học
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, hãy duy trì một chế độ ăn uống cân đối và lành mạnh. Hạn chế tiêu thụ đường, chất béo và thức ăn chế biến sẵn. Thay vào đó nên tăng cường rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và các nguồn protein giàu chất xơ. Hãy cân nhắc tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để có một chế độ ăn phù hợp với nhu cầu cơ thể của bạn.
Nếu bạn bị thừa cân hoặc béo phì, giảm cân là một biện pháp quan trọng để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ. Nên tuân thủ một phương pháp giảm cân lành mạnh bằng cách kết hợp chế độ ăn cân đối và tập thể dục thường xuyên. Không giảm cân quá đà bằng các biện pháp tiêu cực. Với những người đã giảm cân thành công, cần duy trì cân nặng phù hợp.
Thực hiện các hoạt động thể chất đều đặn không chỉ giúp giảm cân mà còn có thể giảm mỡ trong cơ thể và cải thiện chức năng gan. Hãy bắt đầu với các hoạt động theo sở thích như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, yoga hoặc tham gia các lớp thể dục. Mỗi người hãy tạo thói quen tập thể dục 30 phút mỗi ngày.
Ngoài ra, các chất chống oxy hóa như vitamin E và vitamin C có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe gan mật. Các chuyên gia khuyến nghị nên bổ sung 800 IU vitamin E/ngày với những người không bị đái tháo đường để cải thiện chức năng gan.
3.2. Điều trị các bệnh lý liên quan cùng chuyên gia
Nếu bạn có các bệnh lý liên quan như rối loạn mỡ máu hoặc đái tháo đường type 2, hãy điều chỉnh chế độ ăn uống và uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát tốt hơn các yếu tố nguy cơ liên quan đến gan nhiễm mỡ.
Điều quan trọng là người bệnh cần nghiêm túc tuân thủ phác đồ điều trị và lịch tái khám của bác sĩ để theo dõi sự phát triển của bệnh. Không nên tự ý điều trị tại nhà bằng các phương pháp dân gian hoặc mua thuốc mà không có đơn kê của bác sĩ. Việc sử dụng thuốc tùy tiện có thể gây nguy hại tới sức khỏe và khiến bệnh tiến triển nặng hơn.
3.3. Đến bệnh viện thăm khám nếu xuất hiện triệu chứng bất thường
Không nên chủ quan trước bệnh gan nhiễm mỡ bởi đây có thể là nguyên nhân gây ra những bệnh lý nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan. Người bị nhiễm mỡ gan không do rượu thường không có những triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, mỗi người cần chủ động thăm khám bác sĩ nếu nhận thấy những dấu hiệu bất thường như giảm cân, vàng da, mệt mỏi, đầy hơi hoặc đau bụng. Đây có thể là biểu hiện cảnh báo tình trạng gan nhiễm mỡ. Bác sĩ sẽ tư vấn phác đồ điều trị phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe từng người.