Bệnh viêm thị thần kinh xảy ra khi dây thần kinh thị giác bị tổn thương. Biến chứng nặng nề nhất của bệnh có thể gây mất thị giác. Triệu chứng thường thấy là cơn đau nhức mắt khi mắt chuyển động, lâu dài mắt sẽ mất dần thị lực. Bài viết dưới đây của Thu Cúc TCI sẽ cho bạn biết rõ hơn về căn bệnh này.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh viêm thị thần kinh là gì?
Khi dây thần kinh thị giác xảy ra tình trạng viêm sẽ dẫn đến hệ quả thoái hóa và mất bao myelin từ đó gây bệnh. Bệnh từng được coi là dấu hiệu của xơ cứng rải rác và viêm tủy thị thần kinh. Tuy nhiên, tới nay các nhà khoa học và bác sĩ đã công nhận nó là bệnh lý riêng biệt về mắt. Bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị giác của bệnh nhân, có thể dẫn đến trường hợp xấu nhất là mù lòa. Bệnh nhân có thể mắc ở 1 bên mắt hoặc cả 2 bên mắt hoặc tiến triển xấu hơn từ bên này sang bên kia. Đặc biệt hơn là bệnh hoàn toàn có thể tái phát.
Bệnh có thể xảy đến do nhiều nguyên nhân, một trong số đó có thể kể đến như: các khối u, chấn thương,… Các nguyên nhân đều dẫn đến một số triệu chứng điển hình của bệnh như dưới đây.
2. Triệu chứng và dấu hiệu bệnh
Hiểu rõ về dấu hiệu, các triệu chứng thường gặp của bệnh là bạn đang chủ động phòng ngừa, phát hiện bệnh sớm:
– Bệnh nhân bị suy giảm thị lực một hoặc cả 2 bên mắt. Triệu chứng này tiến triển nhanh chóng, bệnh nhân gặp nhiều khó khăn và cảm giác khó chịu khi sinh hoạt. Dấu hiệu suy giảm thị lực có thể ở mức độ nhẹ hoặc mù lòa.
– Dấu hiệu rối loạn, mất khả năng nhận biết màu sắc: các màu sắc mờ nhạt, bệnh nhân khó phân biệt màu. Dấu hiệu này quan trọng và nghiêm trọng hơn nhìn mờ dần.
– Xuất hiện các cơn đau nhức khi chuyển động nhãn cầu. Bệnh nhân có thể cảm nhận thấy cơn đau trước khi xuất hiện dấu hiệu suy giảm thị lực.
– Thị lực giảm khi bệnh nhân hoạt động thể chất
– Các tổn khuyết thị trường mà bệnh nhân có thể mắc phải gây suy giảm thị lực: ám điểm trung tâm, cạnh trung tâm, ám điểm hình cung,…
– Mắt mắc bệnh giảm khả năng phản xạ với ánh sáng
Bên cạnh đó, bệnh còn đi kèm một số dấu hiệu của viêm tủy ngang cấp như:
– Liệt các cơ hô hấp hoặc các cơ vùng chi tiết
– Rối loạn cảm giác: bệnh nhân xuất hiện các cảm giác như kiến bò, tê bì, đau nhói ở các vị trí như cổ, lưng, ngực
– Một số bệnh nhân bị bí tiểu, táo bón
Bệnh nhân có thể dựa vào các bất thường của cơ thể để dự đoán khả năng mắc bệnh nhưng vẫn nên được thăm khám bởi bác sĩ bằng phương pháp soi đáy mắt để phát hiện các bất thường. Phương pháp này sẽ giúp các bác sĩ xác định chính xác vị trí viêm. Tuy nhiên một số trường hợp không được phát hiện bởi phương pháp này.
3. Nguyên nhân chính gây bệnh
Một trong những điều mà bệnh nhân luôn băn khoăn khi mắc bệnh đó là vì sao mình lại mắc bệnh? Nguyên nhân gây bệnh là gì? Vậy, việc hiểu nguyên nhân gây bệnh sẽ khiến bệnh nhân có kiến thức phòng ngừa sớm và cảnh giác với bệnh trong mọi hoàn cảnh. Dưới đây là một số nguyên nhân chủ yếu gây bệnh:
– Do nhiễm trùng: bệnh nhân có thể mắc bệnh khi bị nhiễm trùng ở các cơ quan khác gây ảnh hưởng đến thần kinh. Một số trường hợp nhiễm trùng bệnh nhân cần chú ý cảnh giác như: vi khuẩn giang mai, virus viêm gan B,…
– Tiểu đường: bệnh tiểu đường là bệnh nền gây hại lớn đến thị giác. Ngoài đục thủy tinh thể thì bệnh còn khiến người bệnh có nguy cơ cao mắc viêm thị thần kinh.
– Do quá trình lão hóa tự nhiên, các bệnh nhân lớn tuổi (>70 tuổi) có nguy cơ mắc viêm động mạch nội sọ khiến máu lưu thông kém, ảnh hưởng đến dây thần kinh.
Các nguyên nhân gây bệnh vẫn đang được làm rõ hơn để quá trình điều trị bệnh diễn ra suôn sẻ và đạt hiệu quả cao nhất cho bệnh nhân.
4. Phương pháp điều trị bệnh viêm thị thần kinh
4.1. Chẩn đoán bệnh
Bệnh nhân được chỉ định làm các xét nghiệm, thăm khám để phát hiện bệnh:
– Chụp cộng hưởng từ MRI: phát hiện tình trạng viêm và các tổn thương thần kinh trung tâm. Đây là phương thức chẩn đoán bệnh hiện đại,có độ nhạy và đem lại hiệu quả cao.
– Khi vẫn còn nghi ngờ về việc bệnh nhân có mắc hay không, bác sĩ có thể tiến hành làm điện thế gợi thị giác
Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể được chỉ định làm các kiểm tra để loại trừ khả năng mắc bệnh như kiểm tra chức năng tuyến giáp. Tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ có các chỉ định phù hợp.
4.2. Phương pháp điều trị bệnh
Bệnh khó điều trị dứt điểm, điều trị bệnh chủ yếu giúp ngăn ngừa và ngăn chặn bệnh phát triển nặng.
– Sử dụng corticosteroid: thuốc giúp trì hoãn khởi phát đa xơ cứng. Phương pháp này cho thấy có hiệu quả trong thời gian dài, có thể lên đến 2 năm.
– Thay huyết tương loại bỏ phức hợp kháng nguyên kháng thể gây viêm thị thần kinh
– Điều trị kết hợp với các triệu chứng bất thường khác
Nhiều bệnh nhân cho phản ứng và kết quả tốt với phương pháp sử dụng corticosteroid lấy lại được thị lực và giảm các cơn đau nhức. Nhưng số khác lại không cho thấy kết quả, do vậy cần sử dụng kế hợp các phương pháp khác như đã nêu. Do vậy, việc điều trị không chỉ phụ thuộc vào tình trạng của bệnh mà còn phụ thuộc vào cơ thể của bệnh nhân. Việc điều trị cần được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa Mắt có kinh nghiệm lâu năm. Hãy lựa chọn các cơ sở y tế bảo vệ đôi mắt của mình.
Có thể thấy, đây là bệnh về mắt nặng và khó điều trị dứt điểm. Hơn nữa bất cứ độ tuổi, đối tượng nào cũng có thể mắc phải. Biến chứng của bệnh có thể lấy đi ánh sáng đôi mắt của bạn. Vì vậy, đừng chủ quan mà hãy khám mắt định kỳ hàng năm và điều trị bệnh sớm ngăn chặn bệnh phát triển ngay khi phát hiện bệnh. Tại chuyên khoa Mắt Thu Cúc TCi có các gói khám đa dạng sẽ giúp bạn sớm phát hiện các bệnh lý để đưa ra hướng điều trị phù hợp và kịp thời nhất.