Tiêm phòng HPV là một trong những mũi tiêm quan trọng để bảo vệ nữ giới khỏi nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung và các căn bệnh nguy hiểm do virus HPV gây ra. Dưới đây là những điều cần biết khi tiêm HPV mà nữ giới cần nắm được để việc tiêm phòng đạt hiệu quả cao.
Menu xem nhanh:
1. Những điều cần biết trước khi tiêm HPV ở nữ giới
Người đạt đủ điều kiện tiêm chủng vắc xin ngừa virus HPV phải thỏa mãn các tiêu chí sau:
– Nữ giới hoàn toàn khỏe mạnh, đang không phơi nhiễm các loại virus HPV.
– Trong vòng 1 tháng trước tiêm HPV không thực hiện tiêm vắc xin nào khác bất kỳ.
– Đang không sử dụng các loại thuốc có tác dụng ức chế miễn dịch. Cần sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ chuyên môn trước khi tiêm nếu đang sử dụng thuốc có khả năng ức chế miễn dịch.
– Nữ giới trong độ tuổi từ 9 đến 26 tuổi và chưa từng lây nhiễm virus HPV.
– Vắc xin HPV đạt hiệu quả ngừa bệnh cao nhất ở nữ giới chưa từng quan hệ tình dục. Tuy nhiên, nữ giới đã quan hệ vẫn có thể tiêm phòng HPV. Nhưng vắc xin sẽ không thể phát huy 100% dược tính ở đối tượng này.
Để đảm bảo vắc xin HPV được phát huy đầy đủ tác dụng và chủng ngừa toàn diện nhất, người tiêm nên tuân thủ những nguyên tắc trên trước khi thực hiện tiêm phòng.
Ngoài ra, chị em cũng cần lưu ý rằng vắc xin HPV không có khả năng loại bỏ hoàn toàn nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm về đường tình dục. Do đó, chị em vẫn cần xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh, giữ vệ sinh sạch sẽ và tầm soát ung thư cổ tử cung thường xuyên.
2. Những điều cần biết sau khi tiêm HPV
Sau khi tiêm phòng HPV, nữ giới cần lưu ý một số điều sau:
2.1. Kiêng mang thai
Chị em nên sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn để đảm bảo không mang thai ngay sau khi chủng ngừa vắc xin HPV. Bởi vắc xin có thể sẽ không đạt được hiệu quả ngừa bệnh tốt hoặc gây ảnh hưởng đến quá trình mang thai cũng như thai nhi.
Vậy có thể mang thai sau khi tiêm phòng HPV bao lâu?
– Nếu người tiêm phòng có ý định mang thai sau khi hoàn thành mũi tiêm vắc xin HPV thứ 3, thì thời gian hợp lý để thụ thai là 3 tháng sau tiêm mũi 3.
– Nếu trong trường hợp đang hoặc đã tiêm phòng các mũi vắc xin HPV rồi mới phát hiện đang mang thai thì mẹ bầu nên tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời, cần phải tiến hành các xét nghiệm, siêu âm và đi khám thai đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ.
2.2. Hạn chế quan hệ tình dục
Có rất nhiều thắc mắc về việc quan hệ tình dục sau tiêm vắc xin HPV. Có được quan hệ tình dục ngay sau tiêm không hay cần phải kiêng việc quan hệ tình dục trong bao lâu?
Câu trả lời đó là, trên thực tế không có khuyến cáo nào về việc quan hệ tình dục sau tiêm ảnh hưởng đến hiệu quả chất lượng của vắc xin HPV.
Tuy nhiên, khi vừa chủng ngừa vắc xin, thời điểm này vắc xin HPV chưa có khả năng tạo ra hệ miễn dịch mạnh mẽ bảo vệ cơ thể người tiêm khỏi việc lây nhiễm virus. Do đó, nếu quan hệ tình dục trong thời điểm này thì người tiêm vắc xin vẫn có khả năng lây nhiễm HPV. Bởi vậy, phương pháp để đảm bảo an toàn sức khỏe cũng như để vắc xin đạt hiệu quả chủng ngừa cao nhất, chị em nên hạn chế quan hệ ngay sau thời điểm vừa tiêm phòng.
2.3. Không tiêm HPV cho phụ nữ đang mang thai hay cho con bú
Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú không nên tiêm vắc xin ngừa virus HPV.
Vì ở giai đoạn này, kháng nguyên trong cơ thể người mẹ có khả năng làm ảnh hưởng đến thai nhi và có thể sinh ra các các hoạt chất khác trong sữa mẹ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con.
3. Trễ hẹn tiêm mũi nhắc lại có làm giảm hiệu quả của vắc xin không?
Hiện tại chưa có học thuyết nào chứng minh việc chễ hẹn mũi nhắc lại vắc xin HPV làm giảm hiệu quả vắc xin trên cơ thể người tiêm. Do vậy, trong trường hợp trễ mũi nhắc lại so với quy định, bạn có thể tiêm bổ sung ngay.
Tuy nhiên, với những bạn đang trong quá trình tiêm chủng hoặc chuẩn bị thực hiện tiêm chủng thì nên tuân thủ đúng phác đồ vắc xin để đạt được hiệu quả ngừa bệnh tốt nhất.
4. Tiêm mũi thứ hai sau 26 tuổi thì vắc xin có bị mất tác dụng?
Với mũi đầu tiên, vắc xin HPV cần được thực hiện trong thời gian quy định, còn các mũi sau chỉ cần thực hiện tiêm theo đúng phác đồ vẫn sẽ đạt được hiệu quả.
Tuy nhiên, hiệu quả đạt được của vắc xin vẫn là cao nhất khi hoàn thiện phác đồ tiêm ở nữ giới trong độ tuổi từ 9-26 tuổi.
5. Một số việc cần làm để phòng HPV hiệu quả
Dù đã tiêm phòng đầy đủ các mũi tiêm HPV, chị em vẫn cần thực hiện các biện pháp sau để đạt hiệu quả bảo vệ tốt nhất khỏi HPV, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh:
– Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, tránh tình trạng ẩm ướt để tạo điều kiện cho viêm nhiễm, nấm mốc phát triển.
– Sử dụng các biện pháp quan hệ an toàn và lành mạnh (như sử dụng bao cao su).
– Thay băng vệ sinh mới sạch sẽ đều đặn sau mỗi 4 giờ, vệ sinh sạch sẽ và hạn chế quan hệ tình dục để tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập trong chu kỳ kinh nguyệt.
– Ngoài ra, đời sống tinh thần cũng là một trong những yếu tố tạo cơ hội tiến triển cho bệnh tật mà các chị em cần lưu ý. Nên giữ cho đời sống tinh thần vui vẻ, giải tỏa căng thẳng, hạn chế hút thuốc lá hay lạm dụng các chất kích thích như cafein, rượu bia. Đồng thời, nên xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung các chất dinh dưỡng cho cơ thể cũng như luyện tập thể dục thể thao để cơ thể khỏe mạnh.
– Với các chị em đã từng quan hệ tình dục vẫn cần thăm khám phụ khoa định kỳ hàng năm, tầm soát ung thư cổ tử cung và xét nghiệm HPV thường xuyên nhằm phát hiện và điều trị kịp thời các các bệnh nguy hiểm.
Như vậy, bài viết vừa chia sẻ đến các bạn những điều cần biết khi tiêm HPV. Để được tư vấn chi tiết tiêm chủng bởi các bác sĩ chuyên khoa về lĩnh vực vắc xin, liên hệ ngay Phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI bạn nhé!