Những điều cần biết khi bị chấn thương phần mềm

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Lê Tú Anh

Bác sĩ Ngoại Tiêu Hóa

Chấn thương phần mềm là loại chấn thương rất thường gặp trong hoạt động sinh hoạt, tập luyện hàng ngày. Việc nhận diện đúng và xử trí hiệu quả với loại vết thương này sẽ giúp quá trình hồi phục vùng bị tổn thương nhanh hơn và tránh để lại biến chứng nghiêm trọng. 

Menu xem nhanh:

1. Nhận diện đúng chấn thương phần mềm

Chấn thương phần mềm được hiểu là những tổn thương liên quan đến dây chằng, gân, cơ, da, ảnh hưởng đến khả năng vận động và sinh hoạt của người bệnh. Triệu chứng nhận diện là đau, sưng, và có thể có bầm tím, vết rách da, phần mềm tại vị trí tổn thương.

Đa số các tổn thương phần mềm xảy ra do sự bất cẩn hoặc bị va chạm trong quá trình sinh hoạt, tập luyện. Nhưng đôi lúc cũng có thể xảy ra do tập luyện quá mức. Nếu được xử trí đúng thì vết thương phần mềm sẽ mau lành, ít để lại biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Thời gian hồi phục còn phụ thuộc vào loại vết thương (loại mô mềm), mức độ tổn thương, thể chất từng người (cơ địa).

Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì vết thương phần mềm hoàn toàn có thể để lại các biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh như: chảy máu, chảy máu nhiều dễ dẫn đến sốc, tổn thương thần kinh, cứng khớp, nhiễm trùng, cắt bỏ chi.

2. Các dạng chấn thương phần mềm thường gặp

2.1 Bầm tím – dạng chấn thương phần mềm thường gặp nhất

Đây là dạng tụ máu của mô, xuất hiện khi mao mạch bị tổn thương. Bạn có thể dễ dàng quan sát và nhận thấy vết bầm tím do sự biến đổi về màu sắc trên da. Phần lớn những vết bầm tím không nằm sâu dưới da. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nghiêm trọng vết bầm tím có thể liên quan đến mô dưới da, cơ hoặc xương.

chấn thương phần mềm gây bầm tím

Vết bầm tím xuất hiện dưới da là một dạng của chấn thương phần mềm.

2.2 Bong gân – dạng chấn thương phần mềm thường gặp

Xảy ra khi tình trạng dây chằng bị kéo căng hoặc rách. Thường gặp ở mắt cá chân, đầu gối, cổ tay. Biểu hiện là tình trạng đau nhức, bầm tím, sưng và viêm tại vị trí bị tổn thương. Bong gân được chia thành 3 mức độ là nhẹ, trung bình và nặng.

– Nhẹ: gân bị giãn nhẹ, có tổn thương ở một số sợi của dây chằng.

– Trung bình: dây chằng bị đứt một phần, khớp lỏng lẻo.

– Nặng: dây chằng đứt hoàn toàn.

bong gân là một dạng của chấn thương phần mềm

Bong gân là dạng chấn thương phần mềm thường hay gặp gây đau nhức, sưng chân, khó di chuyển.

2.3 Viêm gân

Xảy ra khi gân hoặc bao gân bị viêm hoặc kích ứng do căng thẳng. Triệu chứng là cảm giác sưng đau vùng gân bị tổn thương khi vận động.

2.4 Căng cơ

Chấn thương này thường xảy ra khi cơ, gân hoặc cả cơ và gân bị căng quá mức, dẫn tới rách một phần hoặc toàn bộ. Triệu chứng của căng cơ bao gồm: đau nhức, yếu cơ, có thể co giật cơ, sưng, viêm. Thường gặp ở các vận động viên thể thao hoặc do vận động đột ngột, quá sức.

2.5 Viêm bao hoạt dịch

Bao hoạt dịch có tác dụng giảm ma sát, giúp các khớp và xương hoạt động trơn tru. Khi bao hoạt dịch bị viêm sẽ gây sưng đau. Các vị trí dễ bị viêm bao hoạt dịch là vùng vai, hông, khuỷu tay, đầu gối và gót chân.

3. Sai lầm khi xử trí chấn thương phần mềm

Bôi mật gấu, bôi rượu gừng, chườm nóng, thoa dầu nóng, dùng rượu rửa vết thương, massage,… là những sai lầm thường hay gặp phải khi xử trí vết thương phần mềm. Các chuyên gia khuyến cáo bạn không nên áp dụng vì sẽ càng khiến vết thương lan rộng hơn, tăng nguy cơ nhiễm trùng và làm chậm quá trình phục hồi.

4. Cách xử trí khi bị chấn thương phần mềm

Để chẩn đoán chính xác xem có phải vết thương ở phần mềm hay không, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng, đôi khi có thể cần chụp chiếu (chủ yếu là chụp X quang) để loại trừ tổn thương ở xương. Nếu đúng là vết thương phần mềm, sẽ tiến hành xử trí theo các bước sau:

4.1 Rửa sạch, sát trùng

Dùng nước muối sinh lý để rửa sạch vết thương, giúp loại bỏ các bụi bẩn, dị vật. Ngoài ra, có thể tiếp tục phải rửa vết thương bằng dung dịch betadin, oxy già đối với những vết thương xử trí ban đầu và vết thương bẩn ở những ngày tiếp theo.

Còn đối với vết thương đang liền (đang lên da non) thì tuyệt đối không rửa bằng oxy già hay betadine mà phải rửa bằng nước muối sinh lý.

4.2 Áp dụng phương pháp “RICE”

R (rest): để phần vết thương được nghỉ ngơi

I (ice): chườm lạnh (cho đá lạnh vào trong một chiếc khăn, tuyệt đối không chườm trực tiếp đá lạnh lên vùng bị tổn thương vì dễ gây bỏng lạnh). Chườm trong khoảng 10-15 phút, mỗi lần chườm cần cách nhau khoảng 3-4 tiếng chứ không chườm liên tục. Cần thực hiện chườm trong vòng 48-72 giờ đầu kể từ khi bị tổn thương. Việc chườm lạnh này sẽ giúp giảm phù nề, giảm sưng.

C (compression): băng phần tổn thương lại bằng nẹp để giảm thiểu sưng tấy, đau nhức.

E (elevating): kê vùng tổn thương lên cao hơn so với tim để giảm sưng, đau.

RICE phương pháp sơ cứu chấn thương phần mềm

Phương pháp RICE giúp sơ cứu vết thương phần mềm đúng cách, hạn chế các biến chứng có thể xảy ra.

4.3 Khâu vết thương (nếu cần)

Đối với những vết thương hở dài hoặc sâu có thể cần phải khâu để tránh nguy cơ bị viêm nhiễm.

4.4 Tiêm phòng uốn ván

Bệnh uốn ván là một bệnh cấp tính, rất nguy hiểm (tỷ lệ tử vong cao) do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván. Với những vết thương hở như vết trầy xước, rách hở da tạo điều kiện thuận lợi để trực khuẩn uốn ván xâm nhập vào máu gây bệnh co giật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Chính vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo sau khi bị chấn thương trầy xước, rách hở da thì bạn nên đi tiêm phòng uốn ván càng sớm càng tốt.

4.5 Kê đơn thuốc

Tùy thuộc vào loại tổn thương là gì, mức độ nặng hay nhẹ mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc. Trong đó không thể thiếu các thuốc chống viêm giảm phù nề sau chấn thương phần mềm như aspirin, alphachymotrypsin, ibuprofen, naproxen.

4.6 Hẹn thay bằng và cắt chỉ

Việc thay bằng không chỉ đơn thuần là rửa vết thương rồi băng bó lại. Khi thay băng bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng hiện tại của vết thương xem đã đỡ chưa, có bị viêm nhiễm gì không, có cần can thiệp gì để giúp vùng tổn thương được nhanh chóng hồi phục. Vì vậy, bạn nên lựa chọn địa chỉ uy tín khi thay băng, để đảm bảo sự an toàn cho sức khỏe của bạn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital