Viêm khớp dạng thấp không chỉ gây đau đớn mà còn hạn chế khả năng vận động ở người bệnh. Việc hiểu rõ về bệnh lý cũng như cách trị viêm khớp dạng thấp sẽ giúp người bệnh cải thiện triệu chứng, duy trì cuộc sống bình thường.
Menu xem nhanh:
1. Khái quát về bệnh viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp hay còn gọi là thấp khớp, viêm đa khớp dạng thấp. Đây là bệnh lý mạn tính do rối loạn tự miễn trong cơ thể gây ra. Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các mô trong cơ thể, tạo ra phản ứng viêm khiến khớp bị sưng đau, xơ cứng. Viêm khớp dạng thấp có thể dẫn tới hủy xương, biến dạng khớp, ảnh hướng tới sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Theo thống kê, tỷ lệ người mắc viêm khớp dạng thấp ở các nước Châu Á chiếm khoảng 0,17 – 0,3%. Tại miền Bắc Việt Nam, tỷ lệ này rơi vào khoảng 0,28%. Bệnh phổ biến ở những người từ 20 đến 40 tuổi. Trong đó, tỷ lệ nữ giới bị bệnh thấp khớp nhiều gấp 2 – 3 lần nam giới.
Viêm khớp dạng thấp không thể chữa khỏi hoàn toàn. Những cách trị viêm khớp dạng thấp bằng biện pháp điều trị hữu hiệu hiện nay có thể làm chậm hoặc ngừng sự tiến triển của bệnh. Từ đó, hạn chế nguy cơ tàn phế và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.
2. Nguyên nhân sinh ra viêm khớp dạng thấp
Nguyên nhân sinh ra bệnh viêm khớp dạng thấp có thể được lý giải bằng cơ chế rối loạn miễn dịch. Cụ thể, hệ thống miễn dịch trong cơ thể tấn công lớp màng bao quanh khớp, dẫn đến viêm nhiễm. Màng hoạt dịch cũng được kéo dày lên, sưng phồng và chèn ép lên sụn và xương. Bên cạnh đó, gân và dây chằng có thể bị giãn, suy yếu dần làm biến dạng khớp.
Song đến thời điểm hiện tại, các chuyên gia y khoa vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gốc rễ gây nên tình trạng rối loạn này.
3. Những triệu chứng thường thấy ở người bị viêm khớp dạng thấp
Người bệnh viêm khớp dạng thấp sẽ có những dấu hiệu lâm sàng từ nhẹ đến nặng. Cụ thể như sau:
– Sưng, đau ở khu vực khớp bị tổn thương. Cơn đau thường tăng dần về đêm và gần sáng. Ngay cả khi người bệnh nghỉ ngơi, cảm giác đau vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm.
– Tràn dịch khớp gây sưng ở các mô mềm
– Khớp bị cứng, kéo dài trong khoảng 1 giờ đồng hồ.
– Cơ thể suy nhược, mệt mỏi.
– Trường hợp viêm khớp dạng thấp tiến triển nặng, người bệnh có thể bị sốt.
– Xuất hiện hạt thấp dưới da ở các vùng ngón tay, ngón chân, khuỷu tay, vùng chẩm.
– Khô kết mạc, thậm chí bệnh nặng hơn có thể gây nhuyễn củng mạc, viêm củng mạc.
– Phổi bị tổn thương: Ở nhu mô xuất hiện các nốt dạng thấp, hô hấp tắc nghẽn, xơ phổi kẽ lan tỏa, tràn dịch màng phổi.
– Tim mạch bị tổn thương: cơ tim, nhịp tim mất ổn định, viêm màng tim.
– Hội chứng Felty: Người bệnh có dấu hiệu giảm bạch cầu hạt, nhiễm khuẩn tái phát.
4. Những yếu tố nguy cơ và đối tượng dễ bị viêm khớp dạng thấp
Theo nghiên cứu, những yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh thấp khớp gồm:
– Giới tính: Nữ giới mắc bệnh viêm khớp dạng thấp nhiều hơn nam giới.
– Tuổi tác: Viêm khớp dạng thấp có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi. Tuy nhiên bệnh thường bắt đầu ở những người tuổi trung niên.
– Tiền sử gia đình: Nếu gia đình từng có người bị viêm khớp dạng thấp, khả năng mắc bệnh của các thành viên khác cũng rất cao.
– Sử dụng thuốc lá thường xuyên.
– Phơi nhiễm môi trường: Một số phơi nhiễm như silica, amiăng có thể làm tăng nguy cơ hình thành viêm khớp dạng thấp.
– Béo phì, thừa cân: Những người béo phì, thừa cân – đặc biệt là phụ nữ dưới 55 tuổi, có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
5. Cách trị bệnh viêm khớp dạng thấp
Trên thực tế, bệnh viêm khớp dạng thấp là bệnh mạn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn. Các biện pháp điều trị hiện nay chỉ nhằm mục đích cải thiện triệu chứng, giúp người bệnh duy trì cuộc sống bình thường.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi được điều trị sớm với các thuốc chống thấp khớp thay đổi bệnh (DMARDs), các triệu chứng có khả năng thuyên giảm.
Các cách trị bệnh viêm khớp dạng thấp thường được sử dụng có thể kể đến như:
5.1. Cách trị viêm khớp dạng thấp bằng thuốc (nội khoa)
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, thời gian mắc bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng loại thuốc phù hợp.
Các loại thuốc có tác dụng giảm đau, cứng khớp thường dùng là:
– Thuốc giảm đau chống viêm như ibuprofen, aspirin hoặc naproxen
– Corticosteroid như prednisone
– Thuốc giảm đau gây nghiện
Đặc biệt, bác sĩ cũng có thể kê thêm loại thuốc mạnh hơn (DMARDs) cho bệnh nhân. Chúng hoạt động bằng cách can thiệp, ngăn chặn sự tấn công của hệ thống miễn dịch vào bên trong khớp.
Trường hợp tình trạng bệnh không được cải thiện sau khi sử dụng những loại thuốc trên, các bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng liệu pháp thuốc sinh học.
5.2. Cách trị viêm khớp dạng thấp bằng phẫu thuật
Nếu thuốc điều trị không phát huy tác dụng làm chậm quá trình phát triển của bênh, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cho người bệnh. Có 4 kiểu phẫu thuật viêm khớp dạng thấp có thể được thực hiện, bao gồm:
– Phẫu thuật nội soi: loại bỏ phần lớp màng bao quanh khớp bị viêm. Việc phẫu thuật nội soi có thể được thực hiện ở khu vực khuỷu tay, đầu gối, ngón tay hoặc hông.
– Phẫu thuật sửa chữa gân: Mục đích sửa chữa đường gân xung quanh khớp khỏi tình trạng vỡ, lỏng.
– Phẫu thuật chỉnh trục: Nhằm giúp người bệnh giảm đau, điều chỉnh hoặc cố định khớp.
– Thay thế toàn bộ khớp: Các bộ phận bị tổn thương của khớp sẽ được loại bỏ và thay thế bằng bộ phận làm bằng nhựa hoặc kim loại.
5.3. Điều trị hỗ trợ
Ngoài 2 cách trị viêm khớp dạng thấp nói trên, người bệnh có thể thực hiện các phương pháp điều trị hỗ trợ để cải thiện triệu chứng bệnh, hạn chế tổn thương. Cụ thể như sau:
– Dùng dụng cụ hỗ trợ di chuyển, giảm gánh nặng cho khớp
– Thực hiện các bài tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng của xương khớp
– Tập vận động nhẹ nhàng dưới sự hướng dẫn của chuyên viên, kỹ thuật viên để chống co rút gân, dính khớp, teo cơ.
Hi vọng bài viết trên đây có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh viêm khớp dạng thấp, nguyên nhân gây bệnh cũng như cách điều trị. Viêm khớp dạng thấp có diễn biến phức tạp, để lại nhiều hậu quả nặng nề và có thể dẫn tới biến chứng khó lường. Mỗi người cần chủ động bảo vệ sức khỏe chính mình và người thân bằng cách đi khám định kỳ và tới ngay cơ sở y tế khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường. Việc phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời giúp người bệnh hạn chế biến chứng nguy hiểm.