Xử lý hóc dị vật không nhanh chóng và kịp thời có thể dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Tuy nhiên, rất nhiều người trong chúng ta không ý thức điều này và còn chậm trễ với các tình huống hóc. Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây về tình huống hóc dị vật để trạng bị cho mình những kiến thức cần thiết và hiểu hơn về việc cần chữa hóc sớm, kịp thời, tránh những vấn đề nguy hiểm xảy ra.
Menu xem nhanh:
1. Hóc dị vật
Hóc dị vật là một trong những tai nạn rất dễ bắt gặp trong đời sống. Đó là thuật ngữ nhằm gọi, mô tả chung cho tình huống một vật lạ đột ngột xuất hiện, bị giữa lại ở đường ăn uống hoặc đường thở. Hóc dị vật có thể xảy ra ở mọi đối tượng và lứa tuổi, nhưng dễ bắt gặp nhất ở trẻ nhỏ.
1.1. Nguyên nhân gây hóc
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình huống hóc dị vật xung quanh chúng ta:
– Cười đùa, không tập trung trong ăn uống, ăn uống vội vàng và vô tình nuốt phải dị vật khi ăn.
– Bị sặc khi ăn và phản ứng không điều kiện là nuốt vội đồ đang trong khoang miệng xuống khi chưa nhai kỹ, trong đó có xương động vật hoặc dị vật không lường trước.
– Trẻ em chưa có ý thức, thường cho vào miệng mọi đồ vật khi cầm nắm được.
– Thói quen ngậm đồ (có thể là khi chơi, học, suy nghĩ hay trong các hoàn cảnh khác) và vô tình nuốt luôn đồ ngậm.
– Trẻ hiếu động nhét đồ vật vào mũi hoặc miệng rồi vô tình trở thành dị vật
– Chuẩn bị thức ăn không kỹ càng, còn xương hoặc dị vật cho trẻ hoặc các cụ già không đủ răng.
– Người mới trải qua gây mê phẫu thuật nhưng lại được cho ăn đồ khô, cứng.
– Cấu tạo hầu họng hẹp nên dễ dàng bị hóc, dù với những thức ăn bình thường như hạt đỗ luộc,..
– Dị vật mũi bỏ quên vô tình rơi xuống hầu họng.
1.2. Những nguy hiểm từ vấn đề hóc dị vật
Chúng ta khá quen với những tình huống như hóc xương, vô tình nuốt phải hòn bi, mảnh đồ chơi,… nên thường nghĩ hóc là tình trạng đơn giản. Nhưng thực tế, rất nhiều trường hợp chữa hóc sai cách hoặc không chữa hóc kịp thời để lại nhiều vấn đề:
– Các dị vật đâm vào thành họng, niêm mạc thực quản trong quá trình cố lấy ra và gây viêm nhiễm, thậm chí gây áp xe, hoại tử niêm mạc.
– Dị vật rơi vào khu vực đường thở, gây viêm nhiễm áp xe các bộ phận và chèn ép đường thở, hoặc rơi vào khu vực lỗ thở gây khó thở, nghẹt thở, tắc thở. Các biến chứng hô hấp như viêm phổi, áp xe phổi cũng dễ xuất hiện trong các tai nạn này.
– Cố nuốt dị vật có thể gây đau và có thể khiến dị vật ăn uống trở thành dị vật đường tiêu hóa, gây tắc ruột, đâm vào thành ruột,… Khi đó, người bị hóc có thể đối mặt với biến chứng nhiễm trùng, chảy máu thành ruột, viêm phúc mạc,… nguy hiểm đến tính mạng người bị hóc nếu không được cấp cứu kịp thời.
Với tình trạng hóc dị vật, các bác sĩ cũng khuyến cáo: các dị vật, nhất là dị vật nhọn sắc khi lọt vào hệ thống đường thở hoặc khoang bụng là mối nguy hiểm tiềm ẩn rất lớn, có thể gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng. Chính vì thế, đối mặt với trường hợp hóc, không nên cố ăn thật nhiều để nuốt dị vật xuống. Đây cũng là sai phầm phổ biến của rất nhiều người khi chữa hóc.
2. Xử lý hóc dị vật nhanh, kịp thời, đúng cách
2.1. Nhận biết nhanh để xử lý tình trạng hóc dị vật
Tùy theo từng tình huống mà những dấu hiệu nhận biết hóc dị vật với mỗi người có thể khác nhau. Với tình trạng nhẹ, dị vật hóc có thể gây đau, khó nuốt, nghẹn ứ, buồn nôn, chảy nước dãi,… nhưng người bệnh có thể hô hấp thông thường. Những dấu hiệu sau đây cảnh báo tình trạng hóc nghiêm trọng mà những người xung quanh có thể nhận biết:
– Đột nhiên không nói hoặc không có khả năng nói chuyện.
– Thở rít khi nói chuyện
– Hội chứng xâm nhập: biểu cảm đau, nuốt nghẹn, buồn nôn, ho, khó thở, thở không đều
– Da, môi, móng tay chuyển sang xanh hoặc sẫm.
– Da vùng đầu mặt cổ đỏ ửng và có thể chuyển sang xanh.
– Mất ý thức
Với trẻ chưa biết nói, cha mẹ nên để ý khi trẻ bỗng dưng khóc, biểu cảm khó chịu, chảy dãi, buồn nôn, tay đưa lên miệng hoặc họng như muốn móc họng,…
2.2. Xử lý hóc dị vật với người tỉnh táo
Với tình trạng bị hóc dị vật, cần sớm đến các cơ sở tai mũi họng để bác sĩ hỗ trợ với thiết bị chuyên dụng và phù hợp. Cần lưu ý rằng, với trẻ nhỏ, cha mẹ nên chú ý làm trẻ bình tĩnh khi bị hóc, tránh việc trẻ khóc nấc, ho nhiều sẽ khiến cổ họng bị đau hơn, thậm chí là khiến dị vật đâm sâu vào niêm mạc hoặc mạch máu, thậm chí là rơi xuống đường thở hoặc đường tiêu hóa tiềm ẩn nguy hiểm lâu dài.
2.3. Sơ cứu với người bị dị vật nguy hiểm
Tình huống dị vật gây hóc và nguy hiểm được xác định là khi người bệnh hô hấp không bình thường, thở khó, bất tỉnh hoặc ngừng thở. Với tình huống này, cần ngay lập tức gọi cấp cứu cho người bệnh, đồng thời, cần tiến hành sơ cứu cho người bị hóc dựa theo tình trạng, thể trạng và độ tuổi của họ:
– Với trẻ dưới 1 tuổi: thực hiện thao tác sơ cứu vỗ lưng – ép ngực để đẩy dị vật và giúp trẻ hô hấp bình thường trở lại. Chú ý khi thực hiện sơ cứu: để đầu trẻ thấp hơn chân, cho trẻ nằm úp trên tay khi vỗ lưng và nằm ngửa khi ép ngực.
– Với trẻ trên 1 tuổi và người lớn: thực hiện ép bụng. Đặt người bị hóc trên mặt phẳng cố định và quỳ đối diện người bị hóc. Sau đó, dùng gót tay đặt vào vị trí thượng vị người bị hóc, tay còn lại lồng trên tay này, ấn mạnh 5 lần theo hướng đẩy lên.
Trong tình trạng người bị hóc ngưng thở, cần đồng thời thực hiện hà hơi thổi ngạt sơ cứu. Quá trình sơ cứu trên đây cần thực hiện liên tục cho đến khi hô hấp của người bệnh bình thường trở lại.
Với những thông tin trên, hi vọng giúp bạn hiểu hơn về vấn đề hóc dị vật và cách xử lý hóc dị vật. Cần nhớ rằng, hóc dị vật là tình huống ẩn chứa nhiều nguy hiểm nếu không xử lý kịp thời. Vì thế, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để gắp dị vật, đồng thời, sơ cứu và xử lý đúng cách đảm bảo an toàn cho người bị hóc trong tình huống nguy hiểm.