Co cứng cơ là một trong những biến chứng phổ biến ở người bệnh sau đột quỵ, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống hàng ngày. Người bệnh cần biết được dấu hiệu bị co cứng cơ sau đột quỵ để hạn chế biến chứng xảy ra.
Menu xem nhanh:
1. Co cứng cơ sau đột quỵ là biến chứng gì?
Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là tình trạng não bộ bị tổn thương do quá trình vận chuyển máu tới não bị gián đoạn. Căn bệnh nguy hiểm này có thể để lại vô số biến chứng cho sức khỏe người bệnh. Nếu không cấp cứu kịp thời nguy cơ tử vong cao.
Trong một số trường hợp phát hiện đột quỵ kịp thời, người bệnh có thể tự hồi phục các biến chứng nhẹ sau đột quỵ. Song, hầu hết người bị đột quỵ cần được điều trị các bài tập phục hồi chức năng.
Trên thực tế, những người “vượt qua” được bệnh đột quỵ đều có sức khỏe giảm sút đáng kể và thường gặp các biến chứng như:
– Co rút ở phần cơ tay, chân
– Co cứng cơ
– Trật khớp một phần vai
– Đau nhức, phù nề các chi
– Tim phổi bị ảnh hưởng nghiêm trọng
– Gặp khó khăn trong nhận thức, giao tiếp…
Trong đó, co cứng cơ là một trong những biến chứng ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống bệnh nhân. Theo các thống kê ghi nhận, khoảng 2/3 người bệnh sống sót sau bị biến chứng co cứng cơ sau đột quỵ. 1/4 bệnh nhân trong số đó phản ảnh biến chứng này gây cản trở rất lớn trong sinh hoạt hàng ngày.
Co cứng cơ được định nghĩa là sự rối loạn kiểm soát chức năng vận động – cảm giác do nơron vận động trên bị tổn thương. Co cứng cơ sau tai biến gây khó chịu hoặc đau đớn cho bệnh nhân. Đây là nguyên nhân chính gây hiện tượng co rút cơ, khớp bị biến dạng, nguy cơ tàn tật cao.
2. Co cứng cơ tác động thế nào với người bệnh?
Sự co cứng cơ sau tai biến mạch máu não có thể vừa có lợi vừa có hại.
2.1. Co cứng cơ sau đột quỵ có lợi gì?
Trên thực tế, sự co cứng cơ sau khi bị đột quỵ góp phần có lợi vào khả năng vận động của người bệnh. Co cứng cơ giúp duy trì tư thế, lưu thông mạch máu tốt tới các cơ quan trong cơ thể. Nó còn duy trì khối lượng cơ ổn định và mật độ khoáng của xương, tránh bị suy giãn tĩnh mạch.
2.2. Tác hại của sự co cứng cơ sau đột quỵ
Việc co cứng cơ sau tai biến sẽ làm hạn chế hoạt động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống hàng ngày của bệnh nhân. Cụ thể:
– Gặp khó khăn khi di chuyển, khi vệ sinh cá nhân (tắm gội, mặc quần áo…)
– Các cơn đau do co cứng cơ gây ra sẽ ảnh hưởng lớn đến giấc ngủ.
– Người bệnh di chuyển khó khăn có thể dẫn đến các vấn đề khác về sức khỏe như loét da và thậm chí bị viêm phổi.
– Co cứng cơ ảnh hưởng rất lớn tới sở thích cá nhân cũng như khả năng hòa nhập cộng đồng của người bệnh do mặc cảm tự ti. Để lâu ngày có thể dẫn tới tình trạng trầm cảm.
Sự co cứng cơ sau tai biến ảnh hưởng tới mỗi người khác nhau. Vì vậy, để điều trị hiệu quả thì cần sự cố gắng hết sức của bản thân bệnh nhân, gia đình và các chuyên gia y tế.
3. Nguyên nhân gây ra biến chứng co cứng cơ
Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này là do các tế bào thần kinh vận động bị tổn thương. Sự trao đổi thông tin giữa não bộ và tủy sống bị gián đoạn làm cho các cơ co cứng và không tự chủ được. Hiện tượng này có nhiều điểm tương đồng khi bị chuột rút.
Khi người bệnh thực hiện việc kéo căng một cơ bị co cứng sẽ dẫn đến sự phá vỡ các sợi cơ, dẫn đến cảm giác đau. Tùy thuộc vào sức khỏe của người bệnh mà di chứng co cứng cơ xuất hiện nhanh hay chậm sau đột quỵ.
4. Dấu hiệu nhận biết bị co cứng cơ
Người bệnh nhận biết mình đang bị co cứng cơ dựa trên các dấu hiệu sau:
– Hiện tượng rung giật: Khi cố gắng cầm nắm đồ vật, đi lại, đứng dậy, duỗi chân… bằng các chi bị liệt thì hiện tượng rung giật cơ ở người bệnh trở nên rõ ràng.
– Cứng đờ, cơ bị yếu: Cử động chân tay chậm chạp, không linh hoạt.
– Đau: Khi thả lỏng hoặc cử động, cơ bắp có cảm giác bị đau đớn. Theo thời gian, cơn đau sẽ lan rộng sang các cơ lân cận vùng bị liệt.
– Biểu hiện co cứng cơ ở nửa người bên liệt: Các cơ bị co cứng và rút ngắn hơn so với bên không liệt, cổ và thân mình đều hướng sang bên liệt. Hông bên liệt sẽ bị kéo cao hơn so với hông bên lành.
– Biểu hiện co cứng cơ ở phía tay bị liệt: Ngón tay của bệnh nhân nắm chặt và co quắp, cẳng tay quay sắp. Phần khớp vai, cổ tay, khớp khuỷu, bàn tay người bệnh bị gập, khép lại và xoay vào phía trong.
– Co cứng cơ ở phía chân bị liệt: Ngón chân có hiện tượng co quắp, hai đùi khép, khớp háng gập. Phần khớp gối và khớp bàn chân duỗi, nghiêng vào phía trong.
5. Cách đối phó khi bị co cứng cơ sau tai biến mạch máu não
Sau khi vượt qua cơn đột quỵ não, người bệnh được các bác sĩ chuyên khoa khuyến khích phục hồi chức năng sớm nhất có thể. Để việc điều trị co cứng cơ thành công, người bệnh cần chú ý các nguyên tắc quan trọng sau:
– Trước khi tiến hành phục hồi chức năng và điều trị, người bệnh cần phát hiện, chữa lành các nhân tố gây hại như loét da, táo bón. Người bệnh bị nhiễm khuẩn đường niệu, huyết khối tĩnh mạch…sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc điều trị bệnh.
– Việc điều trị co cứng cơ sau tai biến nên bắt đầu từ các biện pháp đơn giản, ít tác dụng phụ sau đó mới chuyển sang các phương pháp phức tạp hơn.
– Khi xử trí co cứng cơ, người bệnh nên tự chủ càng sớm càng tốt, tránh khiến cho các hoạt động chức năng bị phụ thuộc. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần sự theo dõi sát sao của y tế viên và người nhà để tránh tai nạn không đáng có.