Áp xe nách gây tình trạng sưng, đau, khó chịu. Nếu không được xử trí hoặc xử trí không hiệu quả ổ áp xe sẽ ngày càng sưng to và lan rộng, nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thông tin hữu ích về áp xe nách để biết cách xử trí đúng khi gặp phải trường hợp này.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân gây áp xe nách
Áp xe nách là loại áp xe xuất hiện ở mô dưới da khá phổ biến hiện nay. Nguyên nhân gây áp xe nách chủ yếu do nhiễm trùng. Có thể do chất bã nhờn, bụi bẩn bám vào da bởi quá trình vệ sinh vùng nách hàng ngày chưa được sạch sẽ, viêm nang lông, đổ mồ hôi quá nhiều, chấn thương bên ngoài, triệt lông tại các cơ sở không đảm bảo an toàn.
2. Nhận diện dấu hiệu áp xe nách trên lâm sàng
Khi vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm, khối viêm nhiễm sẽ khu trú thành một khối mềm, bên trong chứa đầy mủ. Trên lâm sàng, áp xe nách dễ dàng được nhận thấy bởi các đặc điểm đó là: một khối mềm, lùng nhùng, tại vị trí tổn thương có cảm giác sưng nề, nóng, đỏ, chạm vào thấy đau.
Nếu tổ chức áp xe không được điều trị kịp thời và hiệu quả sẽ tiến triển nặng dần lên, tăng kích thước, đau nhiều hơn và xâm lấn rộng ra các mô xung quanh, cuối cùng có thể vỡ.
Áp xe nách là loại áp xe dưới da nên có thể vỡ ra da và chảy mủ ra bên ngoài, trong một số trường hợp còn có thể tạo ra đường dò, phá hủy một vùng mô sâu và rộng, gây khó khăn cho việc điều trị sau này.
3. Sai lầm nhiều người mắc phải khi xử trí áp xe nách
Nhiều người bệnh do chủ quan nghĩ rằng bị áp xe không mấy nguy hiểm nên đã tự ý chích nặn mủ, tự mua cao dán đông y về dán mụn tại nhà, bôi đắp lá. Việc tự ý chích rạch nặn mủ này sẽ khiến ổ áp xe không những không khỏi mà còn bị sưng to và đau nhức hơn (tổ chức áp xe tiến triển nặng hơn) và bắt buộc phải can thiệp ngoại khoa kết hợp với thuốc kháng sinh, hơn nữa vẫn có nguy cơ biến chứng nhiễm trùng và/hoặc để lại sẹo.
Không phải áp xe nách nào cũng cần phải chích rạch nặn mủ. Nếu như ổ áp xe nách có kích thước rất nhỏ, nằm nông trên bề mặt da, vùng tổn thương chủ yếu là viêm đỏ sưng tấy với khối lượng mủ ít thì bác sĩ có thể kê thuốc và dặn dò cách vệ sinh vết để vết thương tự khỏi.
Kháng sinh sẽ được cân nhắc chứ không phải trường hợp nào cũng cần dùng tới kháng sinh. Việc bạn tự ý sử dụng thuốc kháng sinh khi không cần thiết có thể dẫn tới nguy cơ kháng kháng sinh rất nguy hiểm về sau.
4. Cách xử trí đúng khi bị áp xe nách
Nếu bạn bị áp xe nách, cách xử trí an toàn là nên đến cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa ngoại để được thăm khám. Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ chích rạch và dẫn lưu mủ, sau đó sẽ cân nhắc có cần phải sử dụng thuốc kháng sinh hay không (tùy thuộc vào kích thước và mức độ tổn thương của áp xe).
Trước khi đến cơ sở y tế, bạn cần lưu ý giữ vệ sinh sạch sẽ ổ áp xe để tránh nguy cơ nhiễm trùng. Bạn có thể sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh vùng tổn thương hàng ngày và sau đó có thể sử dụng dung dịch betadine để sát trùng vết thương (nếu như vết thương chưa lên da non).
5. Áp xe nách bao lâu thì khỏi?
5.1 Thời gian để áp xe nách có thể khỏi
Áp xe nách cũng tương tự như một số áp xe khác ở dưới da như áp xe ở tay, áp xe ở chân nếu được chích rạch và nặn mủ đúng cách tổn thương áp xe nách thường mất khoảng 10-14 ngày để có thể lành lại. Việc sử dụng thuốc kháng sinh trong trường hợp ngăn ngừa nhiễm trùng lan rộng có thể giúp giảm triệu chứng nhanh chóng sau 5-7 ngày điều trị.
Thời gian phục hồi còn tùy thuộc vào mức độ tổn thương, cách xử trí, hệ miễn dịch và bệnh lý nền (nếu có). Áp xe nách có thể để để lại sẹo, còn tùy thuộc vào cách mà bạn lựa chọn để xử trí, vị trí và mức độ nghiêm trọng của áp xe. Việc thăm khám và điều trị áp xe nách tại cơ sở y tế sẽ giúp làm giảm tối đa nguy cơ để lại sẹo cho người bệnh.
5.2 Lưu ý chế độ ăn uống cho người bị áp xe nách để mau khỏi
Để áp xe nách mau khỏi bạn cần lưu ý một số điều sau:
– Chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, nên hạn chế muối và đường trong khẩu phần ăn của mình. Muối và các món có vị mặn dễ khiến nồng độ natri trong máu tăng lên, vết thương lâu lành hơn.
– Vệ sinh sạch sẽ hàng ngày
– Uống nhiều nước
– Tránh cào, gãi, bóc lột da ở phần vết thương.
– Nghỉ ngơi, hạn chế các hoạt động làm tăng áp lực lên vùng tổn thương.
Theo dõi vết thương nếu thấy có những dấu hiệu như: sốt cao (trên 38 độ c), sưng đau nóng đỏ tăng lên, chảy mủ nhiều,… cần đến ngay cơ sở y tế để gặp bác sĩ.
6. Biện pháp phòng ngừa áp xe nách
Áp xe nách hoàn toàn có thể tái lại nếu bạn không xử trí triệt để và không có biện pháp phòng ngừa. Để ngăn ngừa áp xe nách tái phát, bạn cần tắm rửa hàng ngày bằng nước sạch, hạn chế ăn ngọt như nước đường, bánh kẹo,… Tránh uống nhiều bia rượu và điều trị tích cực khi mới bị viêm da.
Để phòng tránh áp xe nói chung, bạn cần thực hiện:
– Tạo môi trường sống an toàn, sạch sẽ, lành mạnh
– Giữ vệ sinh cá nhân tốt để không bị viêm nhiễm da
– Ăn uống đầy đủ, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng
– Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao
– Không lạm dụng bia rượu và các chất kích thích
– Kiểm soát và điều trị tốt các bệnh lý nhiễm khuẩn, các bệnh lý toàn thân như đái tháo đường
Ngay khi có các triệu chứng bất thường về sức khỏe bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để gặp bác sĩ, không nên tự ý điều trị tại nhà, tránh tổn thương lan rộng và nặng nề hơn gây nguy hiểm.