Nhận biết bệnh u vàng mí mắt

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Vũ Thị Hải Yến

Phó giám đốc Bệnh viện, phụ trách chuyên khoa Mắt

Bệnh u vàng mí mắt hay còn có tên gọi khác là ban vàng mí mắt, u vàng quanh mắt là tình trạng thường gặp ở tuổi trung niên. Đây không phải bệnh lý nguy hiểm, ít ảnh hưởng tới thị giác hay sức khỏe của người bệnh nhưng lại là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề của sức khỏe và ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ của người mắc. Đọc ngay bài viết dưới đây để hiểu biết thêm về dấu hiệu nhận biết cũng như cách để loại bỏ các cục u này.

Bệnh u vàng mí mắt là gì?

Hình ảnh bệnh nhân mắc u vàng mí mắt.

1. Bệnh u vàng mí mắt là gì?

Đây là hiện tượng vùng da quanh mắt xuất hiện nhiều mảng thâm, tổn thương u, nhiễm màu vàng. Các cục u này tồn tại dưới cả trạng thái mềm hoặc chắc, chúng có thể phẳng hoặc nổi lên nhưng không quá cao trên bề mặt da. Các nốt u vàng mí mắt thường nhỏ, phát triển chậm. Có một số trường hợp, các cục u ở gần nhau hợp lại thành những nốt lớn gây sụp mí mắt, gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng. Cần chú ý, u vàng quanh mắt không gây đau đớn. Nếu các nốt u gây đau đớn, ngứa, khó chịu thì có thể bạn đã gặp phải bệnh lý khác.

Bệnh u vàng mí mắt tuy là bệnh lý lành tính, ít hoặc không gây hại thị lực người bệnh nhưng có thể nó là dấu hiệu, yếu tố nguy cơ cao của một số bệnh lý nguy hiểm khác như:
– Đe dọa xơ vữa động mạch
– Bệnh rối loạn mỡ máu
– Nhồi máu cơ tim
– Tim thiếu máu cục bộ

Bệnh thường thấy ở độ tuổi trung niên và ở nữ giới nhiều hơn nam giới. Vẫn có trường hợp người trẻ mắc bệnh nhưng không nhiều. Dưới đây là một số dấu hiệu giúp bạn sớm nhận biết bệnh.

2. Dấu hiệu nhận biết u vàng mí mắt

Các bác sĩ chỉ ra một số dấu hiệu dễ thấy như:
– Các tổn thương có màu vàng, có thể có hình mảng sẩn đa giác
– Thường xuất hiện ở khóe mắt trong, có tính đối xứng
– Nếu ở tình trạng nặng, ban vàng có thể ở cả mí mắt trên và dưới ở 2 bên mắt
– Ban vàng ở mí mắt không gây ảnh hưởng đến hoạt động chớp, nhắm – mở mắt

3. Nguyên nhân xuất hiện các nốt ban vàng quanh mắt

– Bệnh thường gặp ở người bị tăng lipid máu
– Tăng cholesterol vùng mắt

Nguyên nhân mắc bệnh u vàng mí mắt.

Bệnh có thể xuất hiện cả ở mí mắt trên, dưới và không gây đau đớn.

Đó là 2 nguyên nhân chính dẫn đến bệnh. Ngoài ra, có thể nhắc đến các yếu tố gia tăng khả năng mắc bệnh như:
– Độ tuổi là yếu tố nguy cơ cao. Người bước vào tuổi trung niên dễ mắc bệnh hơn người trẻ.
– Bệnh có tính chất di truyền: khiếm khuyết di truyền khi trong gia đình có người có tiền sử rối loạn chuyển hóa lipid máu
– U có trạng thái chắc có thể đến từ nguyên nhân lắng đọng canxi
– Bệnh xảy ra thứ phát sau khi mắc các bệnh như đái tháo đường, suy giáp, thận mạn,…
– Nghiện rượu, bia
– Sử dụng một số loại thuốc: thuốc ổn định huyết áp, thuốc chống động kinh,… Các loại thuốc này gây nên tình trạng rối loạn lipid máu của người bệnh.
– Chế độ ăn không lành mạnh, tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu cholesterol và chất béo bão hòa nhưng ít vận động
– Người thừa cân, béo phì

Hãy rà soát lại sinh hoạt và cuộc sống thường ngày để hạn chế, thu hẹp nguy cơ mắc bệnh.

4. Phương hướng điều trị

Chẩn đoán bệnh:
– Xét nghiệm máu đo hàm lượng lipid
– Xét nghiệm nước tiểu
– Chẩn đoán dựa vào các dấu hiệu lâm sàng của người bệnh

Cách chữa bệnh u vàng mí mắt hiệu quả.

Ngay khi có các dấu hiệu mắc bệnh, hãy đến gặp bác sĩ kịp thời để được điều trị.

Bệnh được điều trị tại chỗ dựa trên nguyên tắc: loại bỏ các tổn thương và cải thiện vấn đề thẩm mỹ cho người bệnh. Về điều trị toàn thân, quá trình điều trị cần đạt được: điều chỉnh rối loạn chuyển hóa lipid và hạn chế biến chứng. Điều trị bệnh còn bao gồm các biện pháp điều chỉnh chế độ sinh hoạt và ăn uống của người bệnh để đạt kết quả điều trị cao hơn. Việc loại bỏ u vàng mí mắt phụ thuộc vào vị trí mà khối u xuất hiện và phát triển.
– Phẫu thuật truyền thống cắt bỏ các nốt u: bệnh nhân được gây tê rồi tiến hành loại bỏ nốt u vàng. Tuy là phương pháp cũ nhưng vẫn đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, phương pháp này để lại nguy cơ có sẹo và nhiễm trùng hậu phẫu.
– Loại bỏ u vàng bằng các loại hóa chất: hóa chất được tẩm vào giấy và áp lên mắt. Khi tiếp xúc với hóa chất, các nốt ban vàng chuyển trắng rồi đỏ. Đây là phương pháp khá nguy hiểm, cần được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên môn cao và người bệnh hợp tác tránh gây hại cho mắt. Sau áp hóa chất, bệnh nhân cần chú ý không động vào vùng ban vàng, các nốt ban vàng sẽ tự bong sau vài ngày đến 1 tuần.

– Sử dụng tia laser điều trị: đây là phương pháp hiện đại và phổ biến đang được sử dụng rộng rãi với các ưu điểm như không đau, không chảy máu, ít nhiễm trùng. Khi thực hiện phương pháp này, bệnh nhân được gây tê và đeo kính bảo vệ mắt.
– Biện pháp làm lạnh, đóng băng các u vàng. Nhược điểm là giảm sắc tố da tại chỗ.

Ngoài ra, cần áp dụng điều trị lipid máu (nếu có phát hiện sau xét nghiệm) để điều trị ban vàng quanh mắt:
– Dùng thuốc
– Điều chỉnh lối sống lành mạnh: vận động, tập thể dục mỗi ngày kết hợp hạn chế bia rượu, chất kích thích và bỏ hút thuốc lá
– Chế độ ăn uống khoa học là nền tảng của sức khỏe tốt: tăng rau xanh, ngũ cốc, cá, giảm lượng đường, giảm calo tiêu thụ nếu đang thừa cân béo phì. Cần giảm các loại thực phẩm: thịt, bơ, sữa, dầu dừa,… Giảm đường, đồ uống có gas, bánh kẹo…

Kể cả khi đã được điều trị thì bệnh vẫn có nguy cơ tái phát 15 – 30%. Do đó, hãy tự xây dựng chế độ ăn và chế độ sinh hoạt lành mạnh ngay từ bây giờ để hạn chế đến mức tối đa nguy cơ mắc bệnh.

Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh u vàng mí mắt cũng như hướng điều trị nói chung của bệnh. Để biết bản thân có thực sự mắc hay không và có phác đồ điều trị phù hợp, hãy đến gặp bác sĩ sớm khi thấy có các dấu hiệu bất thường quanh vùng mắt. Việc lựa chọn cơ sở y tế uy tín sẽ giúp cho quá trình điều trị của bạn an toàn và đạt được hiệu quả cao. Tại khoa Mắt Thu Cúc TCI, với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm cùng với trang thiết bị hiện đại sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe đôi mắt tốt nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital