Vướng họng khó nuốt là tình trạng khá nhiều người gặp phải với mức độ và nguyên nhân khác nhau. Triệu chứng này không chỉ gây khó chịu cho người mắc mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động cơ bản như ăn uống, trò chuyện, thậm chí hít thở. Do đó, mỗi người cần hiểu rõ nguyên nhân và thăm khám chuyên khoa để được điều trị phù hợp.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân gây vướng họng khó nuốt
1.1 Do viêm họng hay viêm amidan
– Viêm họng và viêm amidan là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra tình trạng vướng họng và khó nuốt. Khi bị viêm họng, các mô xung quanh sẽ sưng, đỏ và đau rát, khiến cho việc nuốt trở nên khó khăn và đau đớn.
– Viêm họng có thể xuất hiện bởi nhiễm trùng vi khuẩn hay virus. Đặc biệt, vi khuẩn Streptococcus – nguyên nhân chính gây viêm họng do vi khuẩn, thường khiến người bệnh sốt cao và sưng hạch cổ.
1.2 Khối u ở họng hay thực quản
– Khối u dù lành tính hay ác tính,đều gây ra cảm giác vướng họng và khó nuốt. Những khối u này có thể gây chèn ép đến đường thở hay thực quản, làm cản trở quá trình nuốt và làm người bệnh đau đớn.
– Khối u ác tính có thể đi kèm với nhiều triệu chứng khác như sút cân không rõ nguyên nhân, ho ra máu và biến đổi giọng nói.
1.3 Trào ngược dạ dày-thực quản (GERD)
– Trào ngược dạ dày-thực quản là tình trạng axit từ trong dạ dày trào ngược lên thực quản, khiến người bệnh có cảm giác nóng rát và khó chịu ở vùng ngực và họng. Niêm mạc họng từ đó bị kích thích, gây ra cảm giác vướng họng và khó nuốt.
– Những người bị GERD thường có kèm theo triệu chứng ợ nóng, đặc biệt là sau khi ăn hoặc nằm xuống.
1.4 Dị vật trong họng
– Cảm giác vướng họng và khó nuốt có thể do dị vật bị mặc kẹt trong thực quản khi ăn.
– Dị vật này cản trở gây ra cảm giác đau, khó chịu và thậm chí làm tổn thương đến niêm mạc họng nếu không được loại bỏ kịp thời.
1.5 Rối loạn thần kinh cơ
– Trường hợp bệnh rối loạn thần kinh cơ như bệnh Parkinson, đột quỵ hay bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS) có thể làm suy giảm chức năng cơ họng, khiến người bệnh bị vướng họng khó nuốt.
– Bệnh nhân thường gặp trở ngại không chỉ trong việc nuốt mà còn khi nói chuyện và điều khiển các cơ khác trên cơ thể.
1.6 Stress và lo âu
– Tình trạng stress và căng thẳng kéo dài có thể dẫn tới cảm giác vướng họng, khó nuốt. Khi cơ thể căng thẳng, các cơ ở cổ và họng có thể bị co thắt, dẫn đến tình trạng khó nuốt.
– Triệu chứng vướng họng, khó nuốt thường có thể xuất hiện đột ngột và đi kèm với các biểu hiện khác như tim đập nhanh, khó thở và căng thẳng toàn thân.
Ngoài cảm giác vướng họng và khó nuốt, người bệnh có thể gặp những triệu chứng như: đau rát họng, giọng nói thay đổi, khàn tiếng, sút cân, ợ chua hoặc ợ nóng…
2. Chẩn đoán và điều trị tình trạng vướng họng và khó nuốt
2.1 Chẩn đoán bệnh lý gây vướng họng khó nuốt
Để chẩn đoán nguyên nhân gây nên tình trạng vướng họng và khó nuốt, bác sĩ thường sẽ tiến hành các bước sau:
– Khám lâm sàng: hỏi triệu chứng, các yếu tố liên quan về ăn uống, tình trạng lo âu, tiền sử bệnh lý.
– Nội soi họng và thực quản: quan sát bên trong họng và thực quản để phát hiện những dấu hiệu viêm nhiễm, khối u, hoặc dị vật.
– Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang, CT scan hoặc MRI được sử dụng để chẩn đoán khối u hoặc tổn thương nghiêm trọng trong vùng họng và thực quản.
– Xét nghiệm máu: giúp xác định tình trạng nhiễm trùng hoặc các vấn đề liên quan đến miễn dịch.
– Đo áp lực và nhu động thực quản độ phân giải cao (HRM): loại trừ nguyên nhân bởi trào ngược dạ dày, phát hiện sớm rối loạn nhu động ở thực quản. Kỹ thuật này giúp chẩn đoán phân biệt và đánh giá đúng những bệnh lý liên quan đến nuốt, nghẹn.
– Đo pH trở kháng thực quản 24 giờ: Phát hiện GERD sớm ngay cả khi không có tổn thương thực quản, giúp xác định tần suất, thời gian, hiệu quả điều trị trào ngược.
Trong đó đo áp lực và nhu động thực quản HRM cùng với đo pH trở kháng thực quản 24 giờ là phương pháp chẩn đoán mới, ưu việt. Hiện nay, bệnh viện ĐKQT Thu Cúc là một trong số ít bệnh viện ở miền Bắc sở hữu cả 2 kỹ thuật nói trên.
2.2 Phương pháp điều trị vướng họng khó nuốt
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra triệu chứng và mức độ bệnh. Dưới đây là một số phương pháp chữa trị có thể được áp dụng tùy vào từng ca bệnh:
Điều trị bằng thuốc
– Kháng sinh: dùng với trường hợp viêm họng do nhiễm khuẩn.
– Thuốc giảm đau và chống viêm: giảm những triệu chứng đau và viêm.
– Thuốc ức chế axit: dành cho bệnh nhân trào ngược dạ dày-thực quản, giúp giảm triệu chứng và ngăn chặn tổn thương niêm mạc.
Phẫu thuật
– Đối với bệnh nhân có khối u hoặc dị vật lớn sẽ được chỉ định phẫu thuật.
– Đối với các khối u ác tính, phẫu thuật được chỉ định kết hợp với các phương pháp điều trị khác (xạ trị hóa trị…)
Điều trị tâm lý
– Nếu vướng họng và khó nuốt do stress, bệnh nhân có thể được chỉ định liệu pháp tâm lý để giảm căng thẳng và kiểm soát triệu chứng.
– Kỹ thuật thở và thư giãn cũng có thể được dùng để giảm co thắt cơ họng.
Hỗ trợ điều trị bằng việc thay đổi lối sống
– Chế độ ăn uống: Hạn chế các thực phẩm kích thích (đồ chua, cay, rượu bia…)
– Tư thế ngủ: Nâng cao đầu để làm giảm trào ngược dạ dày-thực quản.
– Tập thể thao phù hợp sức khỏe và thiền.
Qua những thông tin trên đây, có thể thấy tình trạng vướng họng khó nuốt là một triệu chứng phức tạp do các nguyên nhân khác nhau gây ra. Nhận biết và điều trị sớm tình trạng này giúp bệnh nhân thoải mái trong sinh hoạt, bảo vệ sức khỏe và hạn chế nguy cơ bệnh lý nặng.