Theo thống kê, bệnh lao màng não chỉ chiếm 5% tổng số các ca lao ở nước ta. Tuy nhiên tiên lượng bệnh nặng, tỷ lệ tử vong cao lên đến 70 – 80%. Không những vậy bệnh còn thường để lại di chứng nặng nề. Cùng tìm hiểu về lao màng não qua bài viết sau.
Menu xem nhanh:
1. Lao màng não là gì?
Lao là một bệnh lý do vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis (MTB) gây ra và lây truyền dễ dàng qua không khí. Tuy nhiên, không phải ai nhiễm vi khuẩn này đều sẽ mắc bệnh lao. Các nghiên cứu chỉ ra cứ 10 người nhiễm MTB thì chỉ có 1 người mắc bệnh.
Vi khuẩn này chủ yếu gây tổn thương ở phổi và gây ra bệnh lao phổi. Ngoài ra, vi khuẩn MTB còn gây tổn thương cho nhiều cơ quan khác như màng bụng, hạch, não, màng não, màng tim, cơ quan sinh dục, da, xương, khớp,… Trong đó, tình trạng vi khuẩn lao theo đường máu lên não, “tấn công” và gây hại cho não, màng não, được gọi là lao màng não.
Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng, cả người lớn và trẻ em. Ở người lớn, độ tuổi mắc bệnh thường là từ 20 – 50, trẻ em từ 1 – 5 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh lao màng não ở nam cao hơn ở nữ.
2. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh lao màng não
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc lao màng phổi bao gồm:
– Suy giảm hệ miễn dịch
Vi khuẩn lao thường ủ bệnh trong thời gian dài và “tấn công” khi hệ miễn dịch của con người suy yếu. Một số bệnh lý thường gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch có thể kể đến như HIV, tiểu đường, bệnh thận, ung thư, suy dinh dưỡng…
Ngoài ra, việc sử dụng một số loại thuốc như corticoid, thuốc điều trị ung thư, viêm khớp dạng thấp, vẩy nến, bệnh crohn cũng cũng có thể ảnh hưởng nhất định đến hệ miễn dịch, tạo điều kiện cho virus lao “tấn công”.
– Sinh sống ở khu vực có tỷ lệ mắc bệnh lao cao
Châu Phi, Đông Âu, châu Á, Nga, Mỹ la-tinh,… là những khu vực có tỷ lệ người mắc bệnh lao khá cao. Nếu sinh sống hay đi du lịch đến các địa điểm này, bạn sẽ có nguy cơ nhiễm vi khuẩn MTB cao hơn.
– Môi trường làm việc
Nếu làm việc trong những môi trường có chứa vi khuẩn lao thì khả năng mắc bệnh lao màng não cũng có thể cao hơn. Những người chăm sóc bệnh nhân lao; sống hoặc làm việc trong nhà tù, bệnh viện tâm thần hoặc viện dưỡng lão là những đối tượng dễ mắc bệnh này.
3. Triệu chứng lao màng não
Triệu chứng của những người mắc bệnh lao ở màng não rất đa dạng, phụ thuộc vào thời gian mắc bệnh, mức độ “tấn công” của vi khuẩn. Tuy nhiên, thông thường dấu hiệu lao màng não sẽ có triệu chứng điển hình như sau:
– Tình trạng sốt cao kéo dài, có thể tăng lên vào buổi chiều tối
– Nhức đầu khu trú hoặc lan tỏa, đầu đau liên tục thành từng cơn, đau âm ỉ hoặc dữ dội hơn khi có kích thích
– Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như nôn mửa hoặc buồn nôn, đau bụng…
– Đau các khớp, chi và cột sống
– Tiểu bí, đại tiểu tiện không tự chủ
– Liệt chi do liệt dây thần kinh sọ
– Động kinh, rối loạn tâm thần
– Hôn mê
4. Bệnh lao màng não gây nguy hiểm cho người bệnh như thế nào?
Trong lao màng não, vi khuẩn lao gây viêm và làm tổn thương màng não, chủ yếu ở khu vực nền sọ; gây viêm và làm hẹp hệ thống động mạch cung cấp máu cho não, dẫn đến tổn thương một vùng não; gây rối loạn lưu thông của não thất. Do vậy, bệnh có thể gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động của não cũng như các cơ quan.
Dù chỉ chiếm 5% tổng số các ca lao ở nước ta, nhưng lao màng não có tiên lượng nặng, tỷ lệ tử vong cao. Các thống kê cho thấy tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân lao màng não lên đến 70 – 80% đối với các trường hợp phát hiện muộn, bệnh nhân được đưa đến viện khi đã hôn mê sâu.
Bên cạnh đó bệnh cũng thường để lại di chứng nặng như:
– Sống trong trạng thái người thực vật
– Động kinh
– Mù mắt
– Liệt dây thần kinh 3 hoặc 4
– Liệt nửa người
– Liệt 2 chi dưới
– Béo phì
– Thiểu năng trí tuệ
– Thay đổi tính nết
– Vô kinh ở nữ giới
– Đái tháo nhạt
5. Chẩn đoán và điều trị
5.1 Chẩn đoán bệnh lao màng não
Muốn điều trị bệnh hiệu quả thì cần chẩn đoán và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, khi các tổn thương ở màng não và não còn nhẹ, có thể phục hồi chức năng tốt sau quá trình điều trị.
Các triệu chứng của lao màng não khá giống với nhiều bệnh về não khác nhau như viêm màng não mủ, xuất huyết não, u não,… dẫn đến chẩn đoán nhầm. Bên cạnh đó, tỷ lệ báo âm tính giả lên đến 50% cũng khiến việc việc xác định chẩn đoán gặp nhiều khó khăn.
Một số phương pháp cận lâm sàng được thực hiện để chẩn đoán chính xác và loại trừ các nguyên nhân khác gồm:
– Chụp X-quang ngực thẳng
– Chụp CT scan sọ não
– Chọc dò não tuỷ
– Sinh thiết màng não
– Xét nghiệm da
Các phương pháp được chỉ định phù hợp trong từng trường hợp dựa vào mức độ tổn thương của não và các bệnh lý đi kèm ở từng bệnh nhân.
5.2 Điều trị bệnh lao màng não
Việc điều trị lao màng não hiện nay bao gồm điều trị nhiễm trùng và chống lại vi khuẩn lao. Phương pháp phổ biến nhất là sử dụng các loại thuốc như: Ethambutol; Rifampin; Isoniazid; Pyrazinamide….
Các bác sĩ có các lựa chọn như dùng thuốc có nhóm kháng sinh Fluoroquinolon như Levofloxacin hoặc Moxifloxacin trong điều trị bệnh này. Ngoài ra, Steroid có thể được sử dụng toàn thân để hạn chế các biến chứng. Lưu ý, khi sử dụng các loại thuốc điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm đơn thuốc của bác sĩ, tránh dùng quá liều, bỏ thuốc hay thay đổi loại thuốc mà chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
Trên đây là một số thông tin về tình trạng màng não nhiễm vi khuẩn lao và cách chẩn đoán, điều trị bệnh khoa học. Nếu có dấu hiệu nghi người bệnh lao nói chung và bệnh lao màng não nói riêng, vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 để được tư vấn và hỗ trợ đặt lịch khám phù hợp với nhu cầu.